| Hotline: 0983.970.780

Vật nuôi khỏe, bà con vui, tiền vào túi

Thứ Sáu 30/08/2024 , 11:30 (GMT+7)

Tỉnh Hà Giang làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh từ cơ sở đã giúp tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân ở Hà Giang đã chủ động hơn đến tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Nông dân ở Hà Giang đã chủ động hơn đến tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

HTX Cát Lý, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đang duy trì hơn 300 con bò thịt theo hình thức liên kết với 100 hộ dân. Trung bình, mỗi ngày HTX bán khoảng 10 con bò thịt cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý cho biết, vì phần lớn các hộ chăn nuôi liên kết với HTX đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức cũng như kinh nghiệm chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa rất hạn chế. Do đó, HTX hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, công tác thú y cũng như bao tiêu đầu ra.

Khi liên kết với người dân, HTX vừa hướng dẫn vừa tuyên truyền vận động để bà con hiểu, nếu không chú ý đến công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cũng như chế độ dinh dưỡng cho đàn bò, đàn bò chậm lớn, bị bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của mỗi hộ. Sau một thời gian liên kết, các hộ chăn nuôi đã nắm vững hơn kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi nên sức khỏe cũng như chất lượng thịt của đàn vật nuôi ngày càng được cải thiện tốt hơn.

Gia đình anh Vương Văn Sơn, thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên chăn nuôi 2.000 con gà. Anh Sơn cho biết, chăn nuôi quy mô lớn nếu dịch bệnh xảy ra rủi ro cũng sẽ rất lớn. Do đó gia đình anh thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ xung quanh khu chuồng nuôi để hạn chế tối đa mầm bệnh. Anh Sơn cũng chú trọng việc tiêm vacxin cho đàn gà đảm bảo đúng lịch, đủ liều, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con gà bị ốm để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời.  

Làm tốt công tác thú y là nguyên nhân quan trọng giúp Hà Giang bảo vệ và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Đào Thanh.

Làm tốt công tác thú y là nguyên nhân quan trọng giúp Hà Giang bảo vệ và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Giang, đến nay tổng đàn bò của tỉnh là 124.082 con, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn lợn hơn 639.000 con, tăng 2,61%; đàn gia cầm 6,31 triệu con, tăng 2,09%; đàn trâu 142.035 con, giảm 1,32%... Tổng sản lượng thịt hơi đạt 36.305 tấn, tăng 6,73% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng thịt bò hơi ước đạt hơn 2.720 tấn, tăng 4,67%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng hơn 23.920 tấn, tăng 8,53%; sản lượng gia cầm xuất chuồng hơn 6.710 tấn, tăng 9,68%...

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang cho biết, nguyên nhân số lượng tổng đàn cũng như sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng lên là do thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn.

Cùng với đó, năm nay các hộ chăn nuôi ý thức tốt về công tác thú y phòng chống dịch bệnh nên một số dịch bệnh đã được hạn chế. Đặc biệt bệnh Dịch tả lợn châu Phi được khoanh vùng, khống chế kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, Hà Giang đã cung ứng và sử dụng 12.791 lít hóa chất và 11.000kg vôi bột, diện tích phun ước đạt hơn 11 triệu m2/154.233 hộ/3.605thôn/234 chợ, trang trại, điểm giết mổ. Cung ứng được 129.000 liều vacxin các loại, thực hiện tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc được 455.868 lượt con.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm dịch vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn tỉnh được 60 chuyến, gồm 2 con trâu và 7.230 con lợn; kiểm soát động vật nhập vào địa bàn tỉnh được 509 chuyến với 544.242 con gia súc, gia cầm; kiểm soát sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh được 31 chuyến, số lượng 240.256kg; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được 20.174 con gia súc, gia cầm.

Là tỉnh vùng biên giới miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên việc phát triển chăn nuôi của Hà Giang chủ yếu là chăn nuôi nông hộ và quy mô nhỏ. Do đó, người nuôi còn lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, giai đoạn tiếp theo, tỉnh Hà Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tuân thủ quy định về tiêm phòng, khai báo bệnh dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau khi xuất chuồng; chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm đàn gia súc, gia cầm phát triển an toàn, ổn định.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.