Tiểu thuyết “Số đỏ” là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Tiểu thuyết “Số đỏ” được xuất hiện với dạng truyện dài kỳ trên Hà Nội Báo vào năm 1936. Tuy nhiên, chỉ đăng được 16 kỳ tương đương 16 chương của “Số đỏ”, thì Hà Nội Báo bị đình bản.
Năm 1938, Nhà xuất bản Lê Cường đã được nhà văn Vũ Trọng Phụng tín nhiệm giao toàn bộ tiểu thuyết “Số đỏ” đầy đủ 20 chương, và ra mắt công chúng lần đầu tiên.
Tiểu thuyết “Số đỏ” được mặc định là “tiểu thuyết hoạt kê”, đã chinh phục độc giả nhiều thế hệ suốt hơn 80 thập niên qua. Tiểu thuyết “Số đỏ” được in lại rất nhiều lần, nhưng lần này Nhà xuất bản Văn Học và Công ty sách Đông An in lại theo đúng bản in đầu tiên mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã chấp nhận lúc sinh thời.
Tiểu thuyết “Số đỏ” đã dựng phim, nên nhiều người hình dung những nhân vật trong tác phẩm theo sự thể hiện của diễn viên. Đặc biệt, vai Xuân Tóc Đỏ do diễn viên Quốc Trọng đóng, rất được yêu thích.
Tiểu thuyết “Số đỏ” muốn mang lại không khí thẩm mỹ khác cho công chúng, thì không thể trông cậy vào bìa cứng hay giấy láng. Họa sĩ Thành Phong đã vẽ lại những kẻ lố bịch trong “Số đỏ” bằng bút pháp trào phúng. Vì vậy, hình ảnh bà Phó Đoan, ông Phán mọc sừng hoặc ông Tuýp Phờ Nờ hiện ra khá sinh động.
Họa sĩ Thành Phong sinh năm 1986, nghĩa là chào đời sau tiểu thuyết “Số đỏ” đúng nửa thế kỷ. Tuy nhiên, họa sĩ Thành Phong từng thành công khi minh họa cho những cuốn sách ăn khách như “Sát thủ đầu mưng mử”, “Phê như con tê tê” hoặc “Thương nhớ thời bao cấp”, nên anh cũng có dấu ấn riêng khi minh họa cho tiểu thuyết “Số đỏ”.
Những nhân vật “Số đỏ” qua nét nhấn nhá của họa sĩ Thành Phong, giúp người đọc có thêm sự dí dỏm khi mường tượng câu chuyện bát nháo “âu hóa” mà người Việt Nam đã trải qua đầu thế kỷ 20.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết “Số đỏ” là hiện tượng độc đáo trong văn học nước ta. Năm 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng bước chân vào làng cầm bút với truyện ngắn “Chống nạng lên đường” đăng trên tờ Ngọ Báo. Năm 1933, trên báo Nhật Tân, nhà văn Vũ Trọng Phụng công bố phóng sự “Cạm bẫy người” gây xôn xao dư luận, và một năm sau tiếp tục với phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây” đầy chất châm biếm.
Vỏn vẹn 10 năm cầm bút, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã để lại hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng hàng trăm bài báo, bài phê bình và tranh luận văn học. Người đương thời xưng tụng Vũ Trọng Phụng là “vua phóng sự đất Bắc” và là “Balzac của Việt Nam”. Năm 1939, nhà văn Vũ Trọng Phụng qua đời bởi căn bệnh lao phổi trong tình trạng nghèo túng khi mới 27 tuổi.