| Hotline: 0983.970.780

Về miền truyền thuyết hoa ban

Thứ Hai 28/03/2016 , 13:02 (GMT+7)

Tây Bắc là xứ sở của loài hoa ban, khi mùa xuân tới khắp các triền núi ngập tràn màu hoa ban trắng. Mỗi mùa ban nở người ta lại nhớ về một truyền thuyết đầy bi thương, ngập tràn nước mắt. 

Loài hoa là biểu tượng của vùng cao Tây Bắc, biểu tượng của tình yêu trong sáng và thủy chung...

Cách đây hơn 40 năm, khi đó tôi mới hai mươi tuổi, khoác ba lô lên Tây Bắc dạy học. Tháng ba khi hoa ban nở trắng rừng, trai gái người Thái ở khắp các bản làng nô nức rủ nhau lên núi vào ngày hội hoa ban. Suốt đêm hội, rừng ban dập dìu tiếng khèn, tiếng sáo của đôi lứa yêu nhau, họ trao gửi cho nhau lời yêu thương ngọt ngào. Sau đêm hội hoa ban nhiều đôi nên vợ nên chồng. Câu chuyện về hoa ban được người giáo viên 20 tuổi ngày ấy ghi lại:

Hồi ấy ở ngọn nguồn dòng Na Ngò giáp với thung lũng Hua Lanh ở Ta Khao có một bản người Thái đen, mỗi mùa xuân tới hoa nở trắng núi rừng, đêm đêm trai gái đốt lửa ngồi quay xa đàn hát ở đầu sàn. Những câu chuyện bất tận về núi rừng, muông thú và những mùa nương rẫy của các cụ già kể cho đám thanh niên trai tráng trong bản nghe.

Người ta kể rằng: Nàng Ban sinh ra từ một bông hoa nhỏ xíu trong cái mùa hoa năm ấy khi lũ trai gái trong bản rủ nhau đi hái hoa, họ thức suốt đêm dắt nhau đi trong rừng thơm ngát. Mẹ của nàng Ban là một cô gái mồ côi nhặt được nàng Ban trong bông hoa của chàng trai ở bên kia núi trong đêm hội tặng.

Bà nuôi giấu nàng trong ngực áo, nàng lớn lên mỗi ngày một xinh đẹp, tóc dài xanh mướt như dòng suối Na Ngò, đôi môi đỏ thắm như cánh hoa vông rừng bừng nở. Nàng đẹp lắm, đẹp đến nỗi khi nàng bước chân ra ngoài sàn khiến chim rừng đang bay liền sà xuống, khi nàng ra suối soi mặt xuống nước làm bầy cá ngẩn ngơ…

23-10-26_1
Bản của người Thái vùng Tây Bắc

Người ta bảo nàng là chúa của loài hoa, bởi thế mỗi khi nàng bước chân ra khỏi nhà muông thú vây quanh, mặt trời mải mê ngắm nhìn nàng không chịu xuống núi. Đêm đêm xung quanh ngôi nhà của nàng rậm rịch những bước chân của đám con trai từ khắp các bản làng kéo tới, họ gửi vào tiếng đàn, tiếng hát mọi lời yêu thương nồng thắm, nàng im lặng quay xa không đáp lời ai. Bởi nàng đã nhận lời với một người con trai mồ côi và nghèo như nàng trong bản.

Người con trai ấy vạm vỡ như gốc cây lim cháy, chàng chạy nhanh hơn cả nai rừng, mỗi bước chàng đi ào ào như gió bão. Chàng giỏi săn bắn, mỗi phát tên chàng bắn ra là một con thú bị gục ngã, chàng vác con thú lên vai chạy về ném xuống giữa bản, người ta cắt cái đầu và bốn chân và một đùi dâng Tạo bản (quan cai trị một bản), còn lại dân bản chia nhau.

Đêm ấy quanh chum rượu bên bếp lửa mọi nhà ầm ĩ lời chúc tụng. Những câu chuyện về những lần đi săn, về mùa màng gặt hái… họ kể cho nhau nghe chuyện nọ nối chuyện kia bất tận không bao giờ hết.

Mùa hoa năm ấy, chàng trai nghèo đến nhà nàng Ban, chàng ngắt một chiếc lá lên thổi, chàng hát rằng: Ta là người trai nghèo khó yêu nàng/ Ta chẳng có ruộng vườn nương rẫy/ Không có khăn thêu vàng bạc cho nàng/ Ta yêu nàng bằng trái tim khổ đau/ Bằng đôi tay sần chai dẫu phát cả dãy núi Ta Kha và tát cạn dòng Na Ngò xanh biếc/ Ta là người trai nghèo nghèo khó/ Nếu yêu ta nàng hãy cùng ta đi nhặt những cánh hoa đêm nay ngời ngời trăng sáng…

23-10-26_2
Hoa ban nở trắng núi rừng

Nàng Ban ngừng quay xa mở cửa bước xuống sàn theo chàng trai đi về phía cánh rừng đang mùa hoa bạt ngàn như mây trắng đậu ngang sườn núi. Họ hoà vào dòng người đi hái hoa, suốt đêm qua rừng này núi nọ. Đêm ấy họ nằm bên nhau dưới gốc cây ngay cạnh thác nước, nơi khởi thuỷ của dòng Na Ngò bời bời những cánh hoa buông mình xuống dòng thác trôi xuôi để báo cho vùng hạ lưu mùa xuân ở trên núi sắp hết.

Nàng Ban không thể biết nơi này bà mẹ khổ đau của nàng đã nhặt được nàng trong bông hoa nhỏ xíu của chàng trai bên kia núi tặng. Nàng vuốt mái tóc đen nhánh của chàng trai đang ấp gương mặt và những hơi thở nồng nàn, nóng hổi trên khuôn ngực non tơ của mình: Ta sẽ lấy gì để sống với hai bàn tay không nương rẫy, ruộng vườn hả anh?

Chàng đáp: Anh sẽ bắt cá dưới suối Na Ngò, bẫy thú rừng trên núi Ta Khao về nuôi em… Nàng lại hỏi: Núi rừng của nhà Tạo, nhà Quan, chim chóc, muông thú cũng của nhà Tạo, nhà Quan.

Chàng chỉ ra phía trước: Ta sẽ bỏ đất này mà đi, tới nơi con chim không bay tới, con thú không đến nổi. Bằng hai bàn tay anh sẽ gieo hạt cấy cày nuôi em, em hãy đẻ cho anh một đàn con, chúng ta sẽ lập một bản mới. Anh sẽ dạy cho bọn con trai săn bắn, phát rẫy làm nương, còn em sẽ dạy cho lũ con gái quay tơ dệt vải, nấu nướng và nuôi con…

23-10-26_3
Hoa ban nở thành người con gái Thái (Trần Mạnh Hảo)

Họ đắm say trong men tình yêu và ước vọng quên đêm xuân đang tàn và ngày mới đang rạng ngời trên đỉnh núi Ta Khao. Nhưng nàng đâu biết đêm ấy chú nàng đã ép mẹ nàng gả nàng cho người con trai của Tạo bản, một người đàn ông xấu xí, lưng gù mắt híp suốt ngày chìm trong men rượu và thuốc phiện để lấy 100 đồng bạc trắng, 2 cặp trâu mộng cùng ruộng nương… Giao kèo đã viết, chú nàng đã nhận 50 đồng bạc trắng làm tin đợi thầy mo chọn ngày đẹp thì nhà Tạo làm lễ cưới đón nàng.

Nàng Ban và người yêu không biết được chuyện ấy, ngày ngày chàng trai vẫn lên rừng săn bắt thú rừng. Còn nàng thì lên rừng kiếm củi, lấy măng, xuống suối xúc cá…

Đến ngày sắp cưới nàng mới được mẹ mình cho hay chuyện ấy. Buồn bã và đau khổ nàng chạy vào rừng tìm người yêu đang đi săn trên núi cao, nàng cứ đi miên man trong rừng gọi khản cả tiếng nhưng không thấy người yêu đâu. Đến khi kiệt sức nàng gục xuống chết bên một tảng đá, lạ thay từ đó mọc lên một cây, khi mùa xuân đến nở hoa trắng muốt, trên cuống và nhụy hoa điểm xuyến màu tím. Đó chính là tình yêu trong trắng và màu tím thủy chung mà nàng Ban gửi đến người yêu của mình. Dân bản gọi đó là hoa ban.

23-10-26_4
Những đôi trai gái Thái tâm tình trên hạn khuống

Khi đi săn trở về người yêu của nàng Ban mới hay chuyện, chàng lẳng con hươu ra giữa bản chạy lên rừng tìm nàng Ban. Chàng đi khắp chín núi mười rừng, khắc khoải gọi nàng nhưng không thấy nàng đâu buồn bã và đau khổ chàng đập đầu vào tảng đá tự vẫn, máu của chàng tưới đẫm những cánh ban, từ đó sinh ra loài hoa ban đỏ. Bởi thế khi hoa ban trắng sắp tàn là khi hoa ban đỏ nở.

Hội hoa ban của người Thái chỉ dành riêng cho những đôi trai gái chưa vợ chưa chồng, được tổ chức vào nửa đầu tháng hai âm lịch. Đó là khi hoa ban bắt đầu nở, buổi chiều mặt trời ngả bóng trai gái rủ nhau vào rừng ban tâm sự, hái hoa, tiếng sáo tiếng khèn vang động khắp núi rừng. Khi trăng đầu tháng lên ngang đỉnh đầu, từng đôi trai gái tìm đến một gốc cây hoa ban trao gửi tình yêu cho nhau, họ thề với nàng Ban sẽ yêu nhau suốt đời. Chính thế, mà những đôi vợ chồng người Thái rất ít bỏ nhau dù cuộc sống khó khăn đến mấy.

Lần này ngược ngàn lên Tây Bắc, đi qua những rừng ban trắng muốt tôi như đi vào vùng truyền thuyết về một loài hoa nở trắng núi rừng, một câu chuyện tình bi thiết đẹp nhất Tây Bắc mà hơn 40 năm trước tôi đã từng nghe…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm