| Hotline: 0983.970.780

Hoàng Tuấn Công: Về một số câu tục ngữ 'chưa rõ nghĩa' [Kỳ 2]

Thứ Ba 02/08/2022 , 06:42 (GMT+7)

Có những câu thực tế là khó hiểu nghĩa, rất nhiều từ điển đã giải thích không đúng về nghĩa đen, dẫn đến đưa ra nghĩa bóng thiếu chính xác.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

“Bắt chấy mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể”

Quả tình, đây là một câu khó. Ví dụ:

- "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam" (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào): “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau”.

Bài liên quan

- "Từ điển tiếng Việt" (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era): “Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, theo cách nhìn xưa nay, thường là ít gần gũi, ít có tình cảm với nhau nên không có sự chăm sóc, tâm tình và có phần đố kỵ, ví như việc nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng là hiếm hoi như trông thấy bồ nông dưới biển”.

Thực tế, bồ nông là loài chim biển, nên không có chuyện “Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển”.

Sau đây là cách giải thích của chúng tôi.

Con chấy (đặc biệt là chấy mén) rất nhỏ. Bởi vậy, khi bắt chấy, dẫu mồm thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời với nhau, nhưng mặt, mắt, đôi tay vẫn luôn phải thật chăm chú, cắm cúi, tỉ mẩn, rẽ từng “chân tơ kẽ tóc” mới bắt được chấy. Ấy vậy mà cô con dâu nào đó, “Bắt chấy cho mẹ chồng” mà mắt lại “thấy bồ nông” tận ở “dưới bể” thì còn bắt cái nỗi gì?!

Như vậy, chúng ta có thể hình dung câu chuyện thế này:

Người bắt chấy thường ngồi ở phía sau. Người được bắt chấy không thể nhìn thấy mặt người bắt chấy. Thế là nàng dâu mới có cơ hội lừa mẹ chồng (hay lơ đễnh?): tay thì rẽ tóc, nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu, nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình. Có thể nàng dâu không chủ ý như vậy, nhưng vì việc bắt chấy không xuất phát từ tình cảm thân mật, gần gũi nên cái kiểu “tâm bất tại” nó cứ tự nhiên diễn ra.

Có một số có dị bản mang tính địa phương, chưa được các nhà biên soạn từ điển ghi nhận như: "Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động", hoặc "Bắt chí cho mụ gia, chộ ba ba ngoài bể" (Hà Tĩnh); rồi "Con dâu bắt chí mẹ chồng/Ngó ra ngoài đồng thấy ổ le le" (Bình Định); "Đi cấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa" (Thanh Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Con ba ba dưới bể, hay đa đa trên động, le le ngoài đồng có hiếm thấy không? Dĩ nhiên là không! Ngược lại rất sẵn, vì đó là môi trường sinh sống của chúng. Bởi vậy, khi xuất hiện trong câu tục ngữ, bồ nông, le le, hay đa đa… chỉ đóng vai trò là hình ảnh, sự vật bất kỳ ở một nơi rất xa nào đó, không liên quan chuyện bắt chấy, mà cô con dâu lại nhìn thấy. Riêng dị bản ở Thanh Hóa “Đi cấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa” còn mang tính hài hước hơn: đi cấy ở xứ đồng Loi, nhưng lại “ngóng trời ngóng đất”, nhìn thấy cả “đoi” (mông, khu, của người đi cấy) mãi tận đồng xứ đồng Chùa. Trong khi cả hai việc “bắt chấy” và “đi cấy” đều buộc người ta phải cắm cắm cúi cúi mới làm được.

“Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng”

Câu này có một dị bản là "Bòn nơi khố bện đãi nơi quần hồng". “Khố bện” hay “khố rách” chỉ kẻ nghèo khổ; “quần hồng” hay "hồng quần 紅裙" chỉ con gái đẹp, nghĩa rộng là kẻ giàu sang. "Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng", ám chỉ kẻ bòn rút, bóc lột người nghèo khổ để cung phụng gái đẹp, chốn giàu sang.

“Buôn thủy buôn vã [?] chẳng đã [?] hà tiện”

Theo ký hiệu đánh dấu [?], thì có lẽ soạn giả đã không hiểu “buôn vã” và “chẳng đã” là gì, nên xếp câu này vào diện “chưa rõ nghĩa”.

Vậy “vã” trong “buôn vã” là gì? "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê - Vietlex) giảng: “vã • t. 1 [id] [đi lại] trên bộ và không có phương tiện [thường là đường dài, vất vả]. đi vã hàng chục cây số”.

"Buôn vã" hay "Buôn vai gánh vã", có nghĩa là buôn bán bằng đôi vai gánh gồng nặng nhọc chứ không có phương tiện xe cộ nào khác. Ngược lại, “buôn thủy” hay "buôn thuyền" là buôn bán lớn, có phương tiện chuyên chở bằng thuyền bè. “Đã” trong “chẳng đã” có nghĩa là bằng. “Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện” tức buôn bán dù to (buôn thủy) hay nhỏ (buôn vã) cũng không thể nào bằng hà tiện, dành dụm, ăn tiêu chắt bóp. Đây là một cách nói ngoa dụ, đề cao tiết kiệm của dân gian.  

Điều đáng nói là “Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện” chính là dị bản của “Buôn tàu chẳng giàu bằng hà tiện” mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là “Buôn bằng cách dùng cả tàu bè (để vận chuyển) cũng chẳng tích cóp được nhiều của cải bằng ăn tiêu tằn tiện. Hay dùng với ẩn ý: nh. Buôn tàu buôn bè chẳng bằng ăn dè hà tiện”. Thế nhưng chỉ vì mấy chữ “lạ” (“buôn vã” và “chẳng đã”), Nguyễn Đức Dương đã không thể “giải mã” dị bản hoàn toàn đồng nghĩa với bản mà chính mình từng giải thích.

Hoàng Tuấn Công

(Trích bản thảo “Viết lúc nông nhàn”, sắp xuất bản)

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

 

Xem thêm
Câu chuyện thứ tám: Tầm nhìn mua bán

Muốn sản phẩm khởi nghiệp, OCOP vươn ra thế giới phải hiểu thế giới về đặc định từng thị trường, quy định an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện mong muốn gửi gắm để người tiêu dùng biết đến,…

Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg

Cần Thơ Một nông dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) phát triển cây na sầu riêng mới lạ, trái nặng đến 3kg, giá cao, nông dân thu ‘trái ngọt’ trên vùng lúa kém hiệu quả.

Đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo bởi một 'chữ duyên'

QUẢNG NINH Để nuôi cấy đông trùng hạ thảo, Mai Phương đã chi cả tỷ đồng để đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ chuyên gia đầu ngành.

Hà Lan thành công nghiên cứu giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà khoa học lai tạo ra giống chuối Yelloway One có thể kháng lại dịch bệnh Panama được mệnh danh là ‘kẻ hủy diệt’ chuối hàng loạt.