| Hotline: 0983.970.780

Ruộng khô, cây héo vì nắng hạn

Thứ Năm 11/05/2023 , 18:06 (GMT+7)

LÀO CAI Tại Lào Cai, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn.

Lo lắng mất mùa vì khô hạn kéo dài

Bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Na Lin, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết: “Khoảng 5 nghìn cây chè của tôi trong giai đoạn thu hái nhưng do nắng nóng, thiếu nước kéo dài nên búp chè bị cháy đen. Còn quế thì không riêng nhà tôi, mà bà con xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Lúa nắng quá cháy hết đầu lá. Ngô mới cao khoảng 1m đã ra bông hết rồi, chắc chắn sẽ kém. Giờ cũng không có biện pháp gì, chỉ trông chờ trời mưa thôi, xem có vớt vát được tí nào không”.

Nhiều diện tích ngô của nông dân Mường Khương đói nước. Ảnh: Hải Đăng.

Nhiều diện tích ngô của nông dân Mường Khương đói nước. Ảnh: Hải Đăng.

Tương tự, ông Trần Quang Thành cùng thôn Na Lin lo lắng: “Thời tiết năm nay thất thường, mưa ít, hạn nặng, cây cối không lên được, chè chết khoảng 50%, lúa đỏ hết đầu lá. Năm ngoái còn có được tí mưa, năm nay không có mưa, trong khi dân mình chủ yếu trồng ngô, lúa, chè nên rất cần nước trời”.

Cũng theo bà con phản ánh, mấy năm gần đây, hạn hán càng ngày càng kéo dài, nguồn nước như ngón tay chia năm sẻ bảy, cả đêm cũng không có nước về đến ruộng nên càng khó khăn. Do thiếu nước, có những hộ đã chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô nhưng gặp đúng năm ít mưa, hạn hán nên coi như xóa xổ. 

Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết thời gian vừa qua, khô hạn đã ảnh hưởng rất nhiều đến các loại cây trồng, đặc biệt cây ngô. Hiện nay, diện tích ngô trên địa bàn xã là 260ha, trong đó có khoảng 154ha bị ảnh hưởng do thời tiết cực đoan, từ đầu năm lượng mưa rất ít, cây không phát triển được. 

Do thiếu nước nên cây ngô mới cao khoảng 1m đã ra bông nên thu hoạch sẽ rất kém. Ngô bị hạn nhiều nhất ở những nương đồi cao, những diện tích ngô trồng ở chân ruộng một vụ và vùng thấp cũng ảnh hưởng năng suất.

Một số cánh đồng nhỏ lẻ và những cánh đồng ở đầu các nguồn nước cơ bản đã cạn kiệt. Thiếu nước khiến những cánh đồng này rơi vào tình trạng khô hạn và nứt nẻ. 

Khô hạn và nắng nóng khiến cây ngô mới cao khoảng 1m đã ra bông. Ảnh: Hải Đăng.

Khô hạn và nắng nóng khiến cây ngô mới cao khoảng 1m đã ra bông. Ảnh: Hải Đăng.

Thống kê sơ bộ trên địa bàn xã Bản Lầu có khoảng 12ha ruộng bị khô hạn trong tổng số 107ha lúa vụ xuân; 600ha chè bị ảnh hưởng do thiếu nước. Cây chè do nắng hạn khiến búp chè đều bị xoăn lại, không thể thu hái. Trong khi đó, cây chè không có hệ thống tưới mà phụ thuộc chủ yếu vào nước trời nên khó có giải pháp khắc phục”. 

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai), có 7 xã trong tình trạng thiếu nước gồm Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Tả Thàng, Lùng Khấu Nhin, Lùng Vai, Bản Lầu.

Chủ động chống nóng cho thủy sản 

Tại Sa Pa, do thời tiết nắng nóng, một số nguồn nước không dồi dào như các năm trước nên ảnh hưởng tới việc nuôi cá nước lạnh của bà con. Một số hộ xảy ra tình trạng cá nước lạnh chết rải rác. Các hộ đã cố gắng khắc phục bằng các nguồn bổ sung tạm thời, tuy nhiên việc nuôi thủy sản vẫn phụ thuộc chính vào “ông trời”. 

Ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) cho biết, theo kinh nghiệm của người dân địa phương, cứ 2 - 3 năm nước dồi dào sau đó sẽ có một năm hạn hán, thiếu nước. Do vậy, các hộ nuôi cá nước lạnh chưa có kinh nghiệm có thể lúng túng khi gặp tình trạng này. Một số hộ trong lúc điều tiết nước, xử lý không đảm bảo xảy ra việc cá chết, sốc nhiệt, cá thiếu ô xy… 

Theo ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, hiện nay hiện tượng nắng nóng cục bộ đang xảy ra tại một số địa phương, nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, giảm sức đề kháng của động vật thủy sản, tăng mẫm cảm với các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tỷ lệ sống và là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển.

Để chủ động phòng, chống nắng nóng cho động vật thủy sản, hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn đến các hộ dân nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng, đặc biệt là thủy sản nước lạnh.

Người nuôi cá ở Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) lo lắng vì thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, ít mưa. Ảnh: Hải Đăng.

Người nuôi cá ở Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) lo lắng vì thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, ít mưa. Ảnh: Hải Đăng.

Cụ thể, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của cá, tính toán mật độ nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, khuyến kích dùng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. Định kỳ 10 - 15 ngày bón vôi bột, liều lượng 1 - 1,5 kg/100m3, tăng cường sử dụng máy sục khí vào 5h, 23h hàng ngày, mỗi lần chạy máy từ 1 - 3 giờ tùy thuộc vào sức khỏe của động vật thủy sản.

Sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị nấm mốc, ôi, thiu; điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường; giảm khẩu phần cho ăn xuống từ 40 - 50% hoặc ngừng hẳn vào những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35 độ C; không nên đánh bắt, vận chuyển vào thời điểm nắng nóng.

Ngoài ra, tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản bằng cách bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất...

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp, 13 hồ chứa ở Lào Cai đã chạm ngưỡng mực nước chết. Cụ thể, tại thị xã Sa Pa có hồ Thác Bạc; huyện Bảo Yên có hồ Khuổi Lếch; Mường Khương có các hồ Na Ri, Tảo Giàng 1, Củm Hoa, Thịnh Ổi, Na Nối; Văn Bàn có hồ Tống Tư; Bát Xát có hồ Vĩ Kẽm; Bảo Thắng có các hồ Đồng Tâm, An Tiến, Cốc Tủm; thành phố Lào Cai có hồ Ông Lừu. Đặc biệt, khoảng 200ha lúa vụ xuân thiếu nước, mặt ruộng khô cạn, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.