| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tư duy chăn nuôi hàng hóa, người dân vùng cao gặt hái thành quả

Chủ Nhật 12/03/2023 , 17:07 (GMT+7)

Thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc quy mô hàng hóa giúp người dân vùng cao có thu nhập ổn định.

Đầu tư nuôi dê quy mô hàng hóa giúp người dân vùng cao Mường Khương có thu nhập ổn định. Ảnh: HĐ.

Đầu tư nuôi dê quy mô hàng hóa giúp người dân vùng cao Mường Khương có thu nhập ổn định. Ảnh: HĐ.

Thay vì chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, giờ đây những người dân vùng cao Mường Khương (Lào Cai) mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm đầu tư để chăn nuôi tập trung hàng hóa quy mô hơn. Trong đó, có không ít hộ hiện đã có thu nhập cao từ những mô hình nuôi gia súc tập trung như vậy.

Ông Vũ Văn Thao, thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống chăn nuôi dê. Sau 4 năm cần cù, chịu khó học hỏi, hiện việc nuôi dê đã đem lại thu nhập khá cao cho gia đình. Không chỉ bán dê vỗ béo mà ông Vũ Văn Thao còn cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con có nhu cầu làm theo mô hình của ông.

"Là một kỹ sư cơ khí, sau những năm bôn ba tôi quyết định trở về quê hương gắn bó với nông nghiệp. Trước đây, bà con có thói quen chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ. Nhà nào cũng nuôi nhưng chỉ một vài con, gọi là có thêm thu nhập hoặc để sử dụng khi gia đình có công, có việc. Chính vì vậy, khi về địa phương, tôi quyết định tập trung vào việc chăn nuôi dê", ông Thao chia sẻ.

Không có vốn, kinh nghiệm nên khởi đầu rất khó khăn, song không vì vậy ông Thao bỏ cuộc. Bắt đầu từ việc chăn nuôi 2 con dê nái sinh sản để gây đàn và bán dê vỗ béo. Sau 3 năm, đàn dê của ông Thao đạt số lượng trên 30 con, có lúc đàn dê sinh sản lên đến 50 con.

"Tận dụng vườn nhà để trồng cỏ, cây lá làm thức ăn cho dê nên gặp nhiều thuận lợi. Khi dê đực được khoảng 10 tháng tuổi, nặng trên 30kg xuất chuồng. Mỗi con dê có giá dao động từ 2-4 triệu đồng, tùy thời điểm", ông Vũ Văn Thao cho biết.

Bà con vùng cao mạnh dạn đầu tư nuôi lợn đen quy mô gia trại để có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: PH.

Bà con vùng cao mạnh dạn đầu tư nuôi lợn đen quy mô gia trại để có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: PH.

Chủ động về nguồn giống, kỹ thuật chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đã thành công trong việc nuôi lợn đen bản địa. Từ việc nuôi nhỏ lẻ nay người dân đã nâng đàn nuôi số lượng lớn, sang quy mô gia trại.

Ông Trương Văn An ở thôn Nậm Pản, xã Thanh Bình có cuộc sống vật chất, thiếu thốn. Thế nhưng, từ những khó khăn đó đã thôi thúc ông nỗ lực hơn trong việc tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.

Với số vốn dành dụm, ông mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây chuồng trại, chăn nuôi lợn đen bản địa và lợn nái. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật phòng, chống dịch nên đàn lợn của gia đình ông phát triển ổn định.

"Chăn nuôi lợn đen phải tuân thủ tuyệt đối công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bất kể khách hàng, người ngoài, người trong gia đình khi đi có nhu cầu vào khu chăn nuôi đều phải mặc quần áo bảo hộ, tiến hành khử khuẩn", ông Trương Văn An nói.

Chính vì vậy, có thời điểm những hộ xung quanh có lợn bị dịch bệnh nhưng lợn đen của gia đình ông vẫn béo khỏe. Hiện nay, gia đình ông An vẫn chăn nuôi lợn đen theo lối truyền thống chỉ cho ăn cám, bỗng rượu... Ngoài ra, chủ động trồng thêm chuối, sắn, ngô làm thức ăn cho lợn, do đó giảm được rất nhiều chi phí đầu vào. Cũng nhờ đó mà lợn xuất chuồng đến đâu, bán hết đến đó do thịt lợn thơm, ngon.

Hiện nay, gia đình ông An đang nuôi gần 100 con lợn đen các loại, mỗi năm cho xuất chuồng từ 2 - 3 lứa lợn, thu về hàng trăm triệu đồng.

Từ những mô hình nuôi dê, nuôi lợn đen bản địa trên cho thấy, việc chuyển dịch nuôi nhỏ lẻ sang quy mô gia trại đã và đang giúp bà con nông dân vùng cao Mường Khương nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.