Cách phỏng vấn khi không biết tiếng
“Đừng để chúng bực lên vì không cướp được một thứ nào thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra ở cái xứ mà súng ống vốn sẵn như thế này”. Đó là kinh nghiệm của mấy chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đi trước truyền lại cho tôi.
Từng có mặt ở khoảng 10 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Singapore, Đài Loan… nhưng Venezuela là một xứ sở cho tôi cảm giác khác hẳn.
Đó từng là thiên đường giữa hạ giới của Nam Mỹ với những cảnh sắc vẫn bảo tồn được nét tự nhiên hiếm có. Mở mắt ra trong khách sạn giữa thành phố thấy những đàn vẹt sặc sỡ bay qua, ra đồng thấy vịt trời, trăn rắn, ra sông thấy hàng trăm con cá sấu há miệng, nằm im như những khúc gỗ. Người Venezuela đẹp nổi tiếng vì từng đoạt 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 6 vương miện Hoa hậu Thế giới. Và âm nhạc, khiêu vũ, hội họa ở nơi nơi.
Nhưng đó cũng là nơi thường trực trong tôi cảm giác bất an và sợ hãi. Công Anh - phiên dịch của đoàn chuyên gia Việt Nam kể có lần lên thành phố thấy một phần thi thể người bị treo lên cột điện sau một đợt thanh trừng băng đảng xã hội đen.
Còn ngay trước cổng nhà chuyên gia tại vùng nông thôn xa xôi như Calabozo của bang Guarico đã có lần cướp gí súng vào đầu một phụ nữ để trấn tiền khiến cho ai nấy không dám ló đầu ra. Sợ cướp, nhiều quán thiết kế cửa kiểu chuồng cọp bằng sắt bít bùng chỉ hở ra một ô nhỏ để thanh toán tiền rồi tuồn hàng ra.
Tôi được khuyên nhủ, 1 máy ảnh để khách sạn, 1 máy ảnh mang đi để đề phòng bị cướp còn có cái mà chụp, 20 đô la đút túi để cướp gí súng còn có cái mà đưa…
Đi trên đường cứ một đoạn lại thấy một trạm gác quân sự có lính khoác áo giáp, bồng súng đứng kiểm tra. Tường bao nhà giàu vây dây kẽm gai, chăng dây điện trần và thường có vệ sĩ đứng gác.
Ngay cả hội nghị thăm đồng của chuyên gia Việt Nam làm ở Guarico cũng có cả lính để đảm bảo an ninh. Hay mô hình nuôi tôm của chuyên gia Việt Nam làm ở Procagua, Paraguaipoa cũng thường xuyên bị ăn trộm.
Ra đường một mình rất nguy hiểm nhưng cái bản tính tò mò cứ thúc giục tôi không chịu ở yên trong nhà, dưới sự bảo vệ an toàn của lớp hàng rào điện. Vốn tiếng Anh học bồi của tôi hoàn toàn vô dụng vì ngôn ngữ ở Venezuela là tiếng Tây Ban Nha, cực kỳ hiếm người nói được tiếng Anh. Hai phiên dịch bận hết ngoài đồng lại trong phòng họp với đoàn nên tôi mới nghĩ ra cách nhờ dịch hộ mấy câu hỏi của mình cho anh lái xe San Chét rồi lên đường đến thăm nhà Các Me Lồ - một bạn già của ông Bùi Văn Bính.
Ngôi nhà tạm bợ ngập giữa đám cổ thụ với khỉ, chim nhảy nhót chuyền cành. Trong nhà bóng điện hỏng nên phải rọi đèn pin, chẳng có giường mà chỉ có võng. Lấp ló ở một góc là mấy buồng chuối, là hai cái xoong lấm đen bồ hóng bởi đun bằng bếp củi trong đó đựng ít cơm trộn rau và vài cái bánh sắn. Ngoài vườn có mấy cây chuối, đu đủ, mấy luống ngô… mọc xen lẫn cùng cỏ dại.
San Chét hỏi giúp mấy câu đã chuẩn bị trước, ghi lại các câu trả lời rồi khi về tôi sẽ nhờ người dịch lại. Chủ nhà kể khoảng 2 tháng một lần họ lại nhận được một hộp đồ ăn cứu trợ của Nhà nước gồm 3 gói bột ngô, 2 hộp cá, 1 gói đậu, 4kg gạo, 1 lít dầu ăn, 1 gói cà chua xay, 1 hộp nước sốt, đủ sống khoảng 10 ngày.
Phần thiếu, nhờ công đi làm thuê, mỗi tháng được cỡ 10 USD - tương đương 230.000 đồng của ông rồi bòn các thức có thể ăn ở trong vườn. Họ cũng nuôi dê để tăng gia nhưng vừa rồi lũ cướp ập tới, giơ dao dọa cắt đầu rồi dắt đi mất 4 con to trong đàn 5 con...
Đến bãi rác, vào lò luyện hoa hậu
Trở về Thủ đô Caracas, tôi nổi hứng muốn đi khám phá bãi rác bởi lẽ báo Tây thường miêu tả về Venezuela có nhiều người đói đến mức phải bới rác để ăn. Khi biết ý định đó của tôi thì cả tài xế lẫn anh cán bộ quỹ Fondas (Quỹ hợp tác nông nghiệp xã hội chủ nghĩa) đều lắc đầu, sợ hãi. Họ sợ cũng phải bởi ra đường đã dễ bị trấn lột rồi chứ đừng nói đến tận nơi dưới tầng đáy xã hội như thế. Nằn nì mãi, cả hai mới đồng ý với điều kiện chỉ ngồi trên ô tô, cách bãi rác khoảng… 1km rồi nhìn vào.
Đó là một bãi rác ở ngoại ô với những ngôi nhà lụp xụp ven đường. Sau một hồi thuyết phục, hai người ở quỹ Fondas cũng đồng ý chở tôi vào hẳn bên trong chứ không cách xa 1km như dự tính ban đầu. Ngạc nhiên là cổng bãi rác có một trạm gác với lính cầm súng lăm lăm.
Bên trong đang xảy ra một vụ ẩu đả mà đúng hơn là chỉ có một phía người đánh và người bị đánh. Gương mặt nạn nhân lộ ra vẻ sợ hãi lẫn phục tùng. Càng ngạc nhiên hơn, “trùm bãi rác” lại là một phụ nữ khá duyên dáng.
Tôi trình hộ chiếu rồi nhờ anh cán bộ quỹ Fondas phiên dịch, xin phỏng vấn chị này mấy câu đơn giản kiểu như có bao nhiêu người kiếm sống ở đây, thu nhập ra sao, có nhặt thực phẩm thừa để ăn hay không. Gọi điện đi đâu đó xin ý kiến một hồi rồi chị lắc đầu, từ chối phỏng vấn nhưng cho phép tôi vào thăm bãi rác.
Trên là lũ kền kền đen xì bay rợp trời, dưới là những ô tô chở rác, máy xúc ầm ì cùng tiếng còi giữ trật tự. Một nhóm chừng mươi người quần áo nhem nhuốc hối hả dùng móc bới, lật, tìm những đồ dùng còn sử dụng hay tái chế được, hoàn toàn không có chuyện tìm thực phẩm thừa. Anh cán bộ ở quỹ Fondas bảo, đây là trạm cuối cùng trên cung đường đi của rác, đã qua bao lần bới tìm nên giờ chỉ còn những thứ đó. Có thể, ở trên phố, nhất là những thùng rác trước cửa các nhà hàng sẽ có cảnh người đi nhặt đồ thừa để ăn.
Mấy hôm sau tôi lại nhờ cán bộ của Fondas chở đi khám phá khu nhà ở xã hội Basurero. Nó to lớn, khá đẹp với đầy đủ các tiện tích như sân chơi, bãi đỗ xe, nhà trẻ, trường học… Người dân nhìn tôi đều mỉm cười thân thiện nhất là khi nghe thấy hai từ Việt Nam. Thấy đám trẻ béo tốt đang nô đùa trong nhà mẫu giáo, tôi ra hiệu nhờ anh cán bộ Fondas nói với một cô giáo viên cho vào thăm.
Sau khi trình cả thẻ nhà báo lẫn hộ chiếu, tôi thấy cô gọi điện cho một người quan trọng nào đó rồi bảo chờ một lát. Nhưng nửa tiếng, một tiếng rồi lại hai tiếng trôi qua mà vẫn không thấy ai đến nên tôi đành cáo từ bởi chiều là có hẹn đến lò luyện hoa hậu.
Trước chuyến đi, lãnh đạo báo đã “chỉ thị” cho tôi phải tìm cách đến lò luyện hoa hậu xem công nghệ nó như nào. Chính vì thế trong 10 ngày ở đây, không lúc nào tôi nguôi ngoai ý định. Tuy nhiên, lúc thì định nhờ Ma Ri A làm ở sứ quán Việt Nam vốn quen biết rộng trong giới nhưng tiếc thay cô này đã sang Tây Ban Nha du học, lúc thì nhờ Mác La cựu người mẫu làm cho Fondas nhưng cô hứa hẹn rồi cũng chẳng thành.
Phần vì chênh lệch múi giờ, phần vì lo lắng mốc 10 ngày đã sắp hết khiến tôi mất ngủ, rạc cả người. Đến hết ngày thứ 7 thì cả đoàn đã bay sang Pháp nhưng tôi vẫn kiên quyết ở lại. Cuối cùng, vận may cũng đến. Nhờ người bắt mối mà tôi biết một luật sư là bạn của chủ Học viện hoa hậu Gisselle Reyes. Anh này nhận lời dẫn đi với giá 50 USD. Trung tâm có 4 lớp với 4 giáo viên, so với thời hoàng kim khi kinh tế còn thịnh vượng thì số học viên giảm từ 150 người còn 50. Lớp học chiều hôm đó có 5 học viên tuổi từ 13 - 19.
Khóa cơ bản học 4 tháng, còn khóa nâng cao thêm 2 tháng nữa với lịch học mỗi tuần 2 buổi, từ 3h-6h chiều. Các học viên thuộc tầng lớp từ khá đến giàu bởi phí nhập học mất 10 USD và phí hàng tháng là 10 USD trong khi thu nhập bình quân lúc đó quy ra chỉ khoảng 15 USD.
Tại đây, họ được đào tạo cách đi catwalk (đi kiểu người mẫu), cách trang điểm, nói chuyện, xử sự trong những bữa tiệc… Một số không mong theo đuổi sự nghiệp hoa hậu hay người mẫu mà chỉ đơn giản là muốn hoàn thiện các kỹ năng của cuộc sống.
Trước khi về, tôi hỏi có chuyện đại gia và chân dài hay không? Người quản lý cười, lắc đầu bảo không có chuyện dẫn dắt nhưng nếu có một học viên nào đó thích đại gia thì đơn giản đó là cuộc sống cá nhân của họ. Tôi cảm ơn mỗi cô gái trả lời phỏng vấn 10 USD, họ tỏ rõ sự ngạc nhiên bởi hiếm khi có người chịu lắng nghe mình nói mà lại được trả công như vậy.