| Hotline: 0983.970.780

Vì sao chất lượng dưa hấu ở miền Trung-Tây Nguyên kém hơn những vùng khác?

Thứ Ba 13/10/2020 , 07:30 (GMT+7)

Cùng 1 giống dưa, nhưng trồng ở vùng này thì quả ngon, trồng ở vùng khác lại dở, điều này khẳng định phương thức canh tác là yếu tố quyết định chất lượng của dưa.

Hiện một số thương lái và người tiêu dùng ở các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên có phản ánh, vì sao cùng 1 giống dưa mà những quả dưa có xuất xứ tại miền Tây thì lại giòn, ngọt; còn những quả dưa xuất xứ ở miền Trung-Tây Nguyên thì lại nhạt, mềm.

Chất lượng của dưa hấu phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến mật độ trồng.

Chất lượng của dưa hấu phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến mật độ trồng.

Trước thông tin này, ông Trần Tiến Lãng, cán bộ Công ty TNHH Thương mại Trang Nông-Chi nhánh Nha Trang - người am hiểu tường tận cây dưa hấu cũng như tập quán canh tác của nông dân vùng này cho biết: Bất cứ giống cây trồng nào chất lượng của quả đều phụ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết của nơi trồng. Đặc biệt đối với dưa hấu còn phụ thuộc lớn vào quy trình canh tác, nhất là về mật độ trồng, đây là yếu tố then chốt khiến dưa hấu trồng ở miền Trung-Tây Nguyên có chất lượng kém hơn được trồng ở nơi khác.

“Độ ngọt của quả dưa là tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó có sự quang hợp ánh sáng của bộ lá. Lá dưa nếu quang hợp tốt thì mới tạo được đường nhiều trong quả. Trong khi đó nông dân miền Trung - Tây Nguyên trồng dưa hấu chạy theo năng suất nên trồng dày để lấy được nhiều quả. Mà trồng dày thì cây thiếu quang hợp, chất lượng quả sẽ kém. Thêm vào đó, để tăng nhanh năng suất, nông dân còn cho cây dưa hấu "ăn" nhiều phân hóa học và thuốc kích thích, đây là “khắc tinh” của chất lượng quả dưa, bởi chúng sẽ làm cho ruột quả bị chua và mềm”, ông Lãng phân tích.

Thực tế cho thấy, dưa hấu được trồng ở miền Trung - Tây Nguyên hầu hết đều là người từ nơi khác đến thuê đất canh tác chứ không phải của dân sở tại. Thuê đất đã tốn tiền, lại có thời hạn, nên người trồng tăng cường mọi biện pháp để giảm thời gian cây dưa đứng trên đồng và tăng năng suất để thu lợi lớn. Họ cho dưa hấu “ăn” phân hóa học và thuốc kích thích để nhanh thu hoạch. Từ đó chất lượng dưa hấu ngày càng giảm.

Trồng với mật độ càng thưa, chất lượng dưa hấu càng được nâng cao.

Trồng với mật độ càng thưa, chất lượng dưa hấu càng được nâng cao.

Để chứng minh điều này, Chi nhánh Công ty Trang Nông tại Nha Trang đã trồng thí nghiệm một số diện tích thay đổi về mật độ để khẳng định sự tác động của mật độ đến năng suất và chất lượng của quả dưa hấu trên giống TN522. Thí nghiệm triển khai 4 công thức, mỗi công thức trồng 60 cây. Thời gian gieo hạt vào ngày 27/7/2020, 55 ngày sau dưa cho thu hoạch.

Công thức 1 cây cách cây 0,5m, để 3 dây, chọn lấy 2 quả. Công thức 2 cây cách cây 0,45m, để 3 dây, chọn lấy 1 quả. Công thức 3 cây cách cây 0,3m, để 2 dây, chọn lấy 1 quả. Công thức 4 cây cách cây 0,25m, để 2 dây, chọn lấy 1 quả. Mật độ cây của 2 công thức 3 và 4 tùy thuộc chân đất, nếu chân đất tốt thì trồng cây cách cây 0.25m, chân đất xấu thì trồng cây cách cây 0,3m. Tất cả các công thức trồng nói trên đều thực hiện trên cùng 1 loại đất và cùng một quy trình canh tác như nhau: Bón lót phân hữu cơ (phân bò) và bón thúc phân NPK sau khi chọn quả.

Kết quả cho thấy, đối với công thức 1, số lượng dây là 3 và 2 quả, trọng lượng 2 quả cho trung bình 4,6kg/cây; độ Brix (độ đường) là 11,6; màu ruột đỏ; năng suất trung bình đạt 36,8 tấn/ha. Đối với công thức 2, số lượng dây là 3 và 1 quả; trọng lượng quả cho trung bình 3kg/cây; độ Brix là 12,6; màu ruột đỏ; năng suất trung bình đạt 26,6 tấn/ha. Đối với công thức 3, số lượng dây là 2 và 1 quả; trọng lượng quả cho trung bình 2,7kg/cây; độ Brix là 11,5; màu ruột đỏ; năng suất trung bình đạt 36 tấn/ha. Đối với công thức 4, số lượng dây là 2 và 1 quả; trọng lượng quả cho trung bình 2,6kg/cây; độ Brix là 10,5; màu ruột đỏ; năng suất trung bình đạt 41,6 tấn/ha.

Để nâng cao chất lượng dưa hấu, khoảng cách cây cách cây nên để thưa.

Để nâng cao chất lượng dưa hấu, khoảng cách cây cách cây nên để thưa.

Thực tế trên cho thấy dưa hấu bón phân hữu cơ và trồng mật độ hợp lý có độ ngọt cao hơn, còn người trồng bón phân hóa học có năng suất cao nhưng quả mất độ ngọt.

“Kết quả trên chứng minh rằng càng tăng mật độ trồng thì năng suất càng tăng cao, thế nhưng đáng quan ngại là khi nông dân lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học thì độ đường trong quả giảm, quả dưa bảo quản không được lâu nên chất lượng giảm sút rõ rệt. Từ một giống có chất lượng, nếu canh tác chạy theo năng suất sẽ dẫn đến hạt giống ấy bị loại ngay trên thị trường trong nước, chứ chưa nói đến chẳng thể xuất khẩu. Nếu tình trạng này càng kéo dài nhất định đến một lúc chúng ta sẽ khó mở rộng một số giống mà ta mong muốn”, ông Trần Tiến Lãng khẳng định. 

“Nông sản của của chúng ta lâu nay phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng nay đã gia nhập hiệp định thương mai tự do EU và nhiều hiệp định khác, có nghĩa chúng ta xuất khẩu sang nhiều nước, mà muốn vào được các thị trường đó thì sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Vì vậy chúng ta phải tập cho nông dân làm quen dần những điều kiện bắt buộc trong canh tác, mới hy vọng trái cây của Việt Nam có mặt trên thế giới”, ông Trần Tiến Lãng chia sẻ.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.