| Hotline: 0983.970.780

Vì sao người dân Nà Kèn bức xúc khi doanh nghiệp thăm dò mỏ đá hoa trắng?

Thứ Ba 02/10/2018 , 09:46 (GMT+7)

Ngày 27/9/2018, Cty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (Cty R.K) tiến hành kiểm đếm các vị trí để đặt các mũi khoan thăm dò dưới sự cho phép của UBND tỉnh Yên Bái và huyện Lục Yên. Tuy nhiên, người dân thôn Nà Kèn không đồng ý dẫn đến căng thẳng giữa hai bên.

Dân không đồng tình

Theo phản ánh của người dân, từ khoảng 4h sáng 27/9, người dân thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã kéo nhau lên núi phản đối hoạt động của Cty R.K.

15-46-18_2
Người dân Nà Kèn, Lâm Thượng, bức xúc chặn ngang đường độc đạo dẫn lên núi (Ảnh: Quốc Nhật)

Có mặt tại đây từ trưa ngày 27/9, để tránh phiền phức, nhóm PV NNVN phải mặc trang phục của dân bản. Nhiều cái nhìn từ phía người dân hướng về chúng tôi. “Người nhà tôi đấy, từ bên Lào Cai sang. Để yên cho họ lên núi”, Lý Quốc Kiều, người đàn ông dẫn đường cho chúng tôi, lên tiếng trấn an.


Bảo vệ của Cty TNHH đá cẩm thạch R.K xô xát với người dân trên núi Nà Kèn sáng 27/9 (video: người dân cung cấp)

Trước đó, một bộ phận nhân dân xã Lâm Thượng không đồng tình, dẫn đến xô xát. Lúc này, nhiều trang mạng xã hội cũng tung tin về việc dân giữ chân bà Nông Thị Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Yên, để đổi lấy một nam thanh niên bản bị giữ.

Qua trao đổi với người dân, họ cho biết hiện chỉ mời bà Hà ở lại với dân và đông đảo người dân Nà Kèn, bức xúc kể với chúng tôi về việc Cty R.K đưa máy móc, người, vào khoan thăm dò tại núi đá Nà Kèn, nơi được cho là có trữ lượng lớn đá hoa trắng.

15-46-18_3
Bà Hoàng Thị Với, dân bản Nà Kèn, kể với PV NNVN về những lo ngại do việc khai thác đá hoa trắng mang lại. (Ảnh: Quốc Nhật)

“Bản nằm sát chân núi, đá lở rơi xuống sập nhà chúng tôi thì sao. Nguồn nước duy nhất để sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi cá, cũng từ khe núi chảy ra. Bao đời nay ngọn núi này được gọi là núi Cha, núi Mẹ, vì nó nằm chắn ngang những quả đồi đất, tránh cho dân bị lũ ống, lũ quét”, bà Với giọng bức xúc.

Dừng thăm dò, cùng ngồi đối thoại

Chúng tôi đã đem những thắc mắc của dân Nà Kèn tới gặp ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên.


Ông ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên trả lời những thắc mắc của người dân Nà Kèn

“Luật Khoáng sản Việt Nam hiện hành trong quá trình thăm dò chưa cần có đánh giá tác động môi trường. Còn để có được giấy phép khai thác thì bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, được Bộ TN- MT chấp thuận. Cục Địa chất - Khoáng sản cũng đã trả lời người dân Lâm Thượng là trong giai đoạn thăm dò sự tác động đối với môi trường là có, nhưng không đáng kể”, ông Thịnh cho biết.

Đối với việc người Nà Kèn bức xúc vì sao Cty R.K có giấy phép thăm dò năm 2016, nhưng năm 2014 đã vào lấy mẫu, ông Thịnh nói theo luật định, việc lấy mẫu chỉ cần báo cáo xin phép UBND tỉnh, thông báo cho UBND xã.

“Mặt khác, năm 2017, đúng là ông Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, có xuống tận xã Lâm Thượng, nói với người dân là dừng khai thác, thăm dò. Tuy nhiên, phải hiểu đây là tạm dừng để doanh nghiệp, chính quyền, đối thoại với dân”, ông Thịnh lý giải.

15-46-18_4
Người dân Nà Kèn tập trung trên núi, phản đối Cty R.K đưa máy móc vào thăm dò khoáng sản (Ảnh: Quốc Nhật)

Từ các văn bản, giấy tờ ông Thịnh cung cấp, có thể thấy Cty R.K không sai trong việc lấy mẫu, khoan thăm dò. Tuy nhiên, nếu như lực lượng bảo vệ của Cty R.K vi phạm như đã nêu là không được. Những hành vi vi phạm pháp luật, dù là cán bộ hay người dân thì đều bị xử lý bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật, theo lời ông Thịnh.

Ông Thịnh cho rằng, cốt lõi vấn đề nằm ở việc người dân cho rằng nếu thăm dò, khai thác sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, tâm linh, làm mất các hang động đẹp.

Người đứng đầu chính quyền huyện Lục Yên cũng hứa sẽ tiếp thu các phản ánh của Báo NNVN, sớm ổn định tình hình, tìm cách hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường.

“Chúng tôi ghi nhận các phản ánh của báo và sẽ có biện pháp nhắc nhở Cty R.K trong cách hành xử với dân. Rất mong các cơ quan báo chí thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương phản ánh trung thực, khách quan, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội”.

Chiều 28/9, ông Thịnh cho biết bà Nông Thị Hà đã trở về gia đình, tâm lý, sức khỏe, đều bình thường. “Chị Hà ở lại bản để trấn an người dân, không có chuyện dân bắt giữ cán bộ như mạng xã hội tung tin”.

Trưa 30/9, ông Thịnh cho biết qua phản ánh của người dân, báo chí, UBND huyện đã báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Yên Bái, và nhận được công văn về việc “Tạm dừng công tác khảo sát phục vụ thăm dò khoáng sản của Cty R.K. Giao UBND huyện Lục Yên tổ chức lấy ý kiến người dân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/10”.

Ngoài ra, Sở TN- MT tỉnh Yên Bái cũng được giao trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan liên quan, chuẩn bị các điều kiện, tham mưu cho UBND tỉnh đối thoại với người dân Lâm Thượng.

“Nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của xã Lâm Thượng không phải từ núi Nà Kèn, mà từ một con suối khác cung cấp, chính Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã cùng chúng tôi đi khảo sát, kết luận. Huyện mời gọi doanh nghiệp đầu tư, nhưng phải tuân thủ pháp luật”, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.