Cả nước có trên 5.700 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên lợn nái và lợn con. Thiếu hụt nguyên liệu chế biến cá ngừ xuất khẩu. Giá ớt chỉ thiên ĐBSCL tăng gấp 3 lần.
CẢ NƯỚC CÓ TRÊN 5.700 XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, sáng 21/4.Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh, việc triển khai mang tính đồng bộ theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng không được trùng lặp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tránh lãng phí hoặc có những nơi không được thụ hưởng chính sách là yêu cầu lớn khi xây dựng các chương trình này. Do vậy, các địa phương cần tập trung làm rõ giải pháp phân bổ, huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình. Đồng thời cần thống nhất các giải pháp để triển khai đồng bộ cơ chế chính sách, chú trọng giải quyết vấn đề còn vướng mắc.Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ triển khai tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề gồm: Khoa học và công nghệ; mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí an tinh, trật tự trong xây dựng NTM. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay các nước có hơn 5.700 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đạt nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; gần 7.500 sản phẩm OCOP; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đặc biệt, sau khi Quốc hội phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, phê duyệt nguồn vốn. Đến nay, cơ bản hoàn thành cơ chế chính sách để thực hiện các chương trình.
TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU VACXIN DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN LỢN NÁI VÀ LỢN CON
Phát biểu trong cuộc họp bàn về hồ sơ vacxin dịch tả lợn châu Phi ngày 21/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, tập trung toàn lực trong việc sản xuất vacxin dịch tả lợn châu phi.Tuy nhiên, để có một sản phẩm toàn diện, thích ứng đa dạng với nhiều thị trường, các công ty cần mở rộng đối tượng nghiên cứu không chỉ vacxin trên lợn thịt mà còn phải có vacxin trên cả lợn nái và lợn con. Đồng thời, phải tính đến các tình huống sau khi ra mắt nhằm đảm bảo hồ sơ, cơ sở pháp lý trước cơ quan bảo vệ pháp luật. Công ty TNHH MTV Avac Việt Nam, Công ty CP thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco là 3 đơn vị đã phối hợp với Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ tổ chức thành công việc tiếp nhận con giống, công nghệ và phối hợp nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vacxin dịch tả lợn châu phi từ 2019.
THIẾU HỤT NGUYÊN LIỆU CHẾ BIẾN CÁ NGỪ XUẤT KHẨU
Theo Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ, mặc dù giá dầu tăng cao nhưng vẫn có trên 100 tàu cá ở Khánh Hòa vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương trong tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, sản lượng thu về rất thấp, trung bình dưới 1 tấn/tàu.Trong khi đó, các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa hè, kéo theo giá nguyên liệu trong nước cũng tăng theo lên đỉnh điểm trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.Hiện nay giá cá ngừ được các Công ty thu mua ở mức cao khoảng 160 ngàn đồng/kg, nhưng sản lượng các tàu đánh bắt không đủ đáp ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu cá ngừ ở vùng biển Nam Thái Bình Dương về với giá 3-4 USD/kg.
GIÁ ỚT CHỈ THIÊN ĐBSCL TĂNG GẤP 3 LẦN
Do nguồn cung giảm và nhu cầu ớt phục vụ xuất khẩu lớn, giá ớt chỉ thiên tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã tăng gấp 3 lần so với hồi tháng 2 và cùng kỳ mọi năm.Cụ thể, Ớt chỉ thiên loại 1 đang được nông dân bán cho thương lái ở mức 28.000-30.000 đồng/kg; còn ớt loại 2 có giá 20.000-24.000 đồng/kg. Thời điểm này, ớt tại nhiều địa phương cho năng suất thấp do thời tiết mưa nắng thất thường, dễ bị sâu bệnh, nhất là thối trái. Ớt chỉ thiên hiện không chỉ được nhiều doanh nghiệp và cơ sở thu mua tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước.Tuy vậy, ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con cần thận trong khi mở rộng diện tích trồng ớtchỉ thiên do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên xuất khẩu ớt sang thị trường này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.