Cần 270.000 tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống. Khuyến nông cộng đồng là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp. Hậu Giang chuẩn bị tổ chức Lễ hội khóm Cầu Đúc. Kiện toàn chính sách bảo tồn động, thực vật hoang dã.
CẦN 270 NGHÌN TÔM BỐ MẸ PHỤC VỤ SẢN XUẤT GIỐNG - Minh Hậu
Phát biểu tại Hội nghị về quản lý tôm giống để bàn các giải pháp và triển khai nhiệm vụ quản lý sản xuất tôm giống, sáng 24/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiếncho biết, năm nay, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là 750.000 ha; sản lượng trên 1 triệu tấn. Do vậy nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống cần khoảng 140-150 tỷ con. Để khắc phục vấn đề trên, ngành tôm nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ nghiên cứu gia hóa trong nước tôm bố mẹ nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ khỏe, sạch bệnh và có sức đề kháng cao đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Cũng trong khuân khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2023 giữa các địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý, chia sẻ thông tin, góp phần hạn chế tôm giống không đảm bảo chất lượng lưu thông đến các vùng nuôi trọng điểm.
Khuyến nông cộng đồng là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp – Kim Sơ
Chiều 23/3, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo đánh giá kết quả hoạt động của Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.Sau 1 năm triển khai, đến nay 13 tỉnh trong đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng và 123 tổ khuyến nông cộng đồng tại các vùng nguyên liệu. Bước đầu, tổ khuyến nông cộng động đã thể hiện được vai trò tư vấn, kết nối trong sản xuất.Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau 1 năm xây dựng đề án phát triển khuyến nông cộng động cơ sở, Bộ NN-PTNT mong muốn duy trì lực lượng này và hỗ trợ phát triển rộng lực lượng này tại cơ sở để là “cánh tay nối dài” cho ngành nông nghiệp’.Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ khuyến nông cơ sở không chỉ trên lý thuyết mà phải xây dựng làm sao giúp cho chính khuyến nông viên có thu nhập ổn định và sống được bằng nghề khuyến nông ở cơ sở.
HẬU GIANG CHUẨN BỊ TỔ CHỨC LỄ HỘI KHÓM CẦU ĐÚC – VĂN VŨ
Lễ hội khóm Cầu Đúc với chủ đề “Khóm Cầu Đúc - Hành trình mới, vươn tầm xa” do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày, 8 và 9, tháng 7, gắn với ngày hội marathon của tỉnh và đại hội thể dục thể thao vùng ĐBSCL tổ chức tại Hậu Giang, Lễ hội là nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm và phát triển chuỗi giá các sản phẩm từ cây khóm; đồng thời giới thiệu thương hiệu khóm Cầu Đúc của Hậu Giang đến với người tiêu dùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, khẳng định tiềm năng phát triển nổi trội của khóm Cầu Đúc, tôn vinh người trồng khóm gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch sinh thái.
KIỆN TOÀN CHÍNH SÁCH BẢO TỒN ĐỘNG,THỰC VẬT HOANG DÃ – Quang Dũng
Sáng 24/3, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, WWF và TRAFFIC phối hợp Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử thuộc Ban công tác đại biểu - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức toạ đàm cấp cao với cơ quan Quốc hội Việt Nam về chiến lược kiện toàn chính sách và công tác tuyên truyền bảo tồn động, thực vật hoang dã.Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu, với khung pháp lý về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã vững chắc, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để có những hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.Để đảm bảo hiệu quả tối đa trong việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động bảo vệ động vật hoang dã, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Trưởng Ban, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp cho rằng, cần có những nỗ lực phối hợp và hợp tác với các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội.