Cần làm rõ tác động của Luật Đất đai sửa đổi tới 7 luật chuyên ngành. Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền cho sản phẩm xanh - sạch - bền vững. USAID cam kết hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Trà Vinh khuyến khích nông dân giảm lúa vụ 3.
Cần làm rõ tác động của Luật Đất đai sửa đổi tới 7 luật chuyên ngành
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chiều 9/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị cần tập trung vào 5 nội dung chính. Thứ nhất, Luật đất đai sửa đổi nếu được thông quan sẽ tác động như thế nào tới 7 Luật chuyên ngành của Bộ NN-PTNT. Thứ hai, vấn đề sử dụng, quản lý đất nông nghiệp, đất lúa trong luật đất đai sửa đổi. Thứ ba, vấn đề khai thác, sử dụng tốt quỹ đất cho khoa học công nghệ. Thứ 4, vấn đề đa mục đích sử dụng đất và cuối cùng là vai trò của Bộ NN-PTNT trong quản lý sau khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ NN-PTNT, hiện còn một số nội dung góp ý của Bộ NN-PTNT với Luật Đất đai sửa đổi chưa được cơ quan chủ trì là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa nên cần tiếp tục góp ý, đề nghị chỉnh sửa tại Dự thảo Luật trong thời gian tới.
NGƯỜI TIÊU DÙNG SẴN SÀNG CHI NHIỀU TIỀN CHO SẢN PHẨM XANH - SẠCH - BỀN VỮNG
(NGUYỄN THỦY)
Thông tin tại buổi họp báo Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 với chủ đề “27 năm Hàng Việt Nam chất lượng cao – Hành trình đến nền kinh tế Xanh” ngày 9/3, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sau các cuộc khảo sát người tiêu dùng, sự đánh giá ý kiến từ 99 sở ngành thuộc 36 tỉnh thành, năm 2023, 519 doanh nghiệp đã chính thức đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong đó có 132 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Các cuộc khảo sát người tiêu dùng cũng cho thấy, sau đại dịch, thói quen tiêu dùng đã thay đổi lớn, phần lớn người dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch”, bền vững, được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Họ ngày càng ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh. Do đó, các doanh nghiệp cần có những thay đổi để thích nghi và phát triển bền vững.
USAID CAM KẾT HỖ TRỢ ĐBSCL THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
– Văn Vũ
Ngày 9/3, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID có chuyến thăm thành phố Cần Thơ, nhân dịp này, bà Samantha Power Tổng Giám đốc – USAID có buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Cần Thơ xoay quanh các chủ đề về biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL.Trước những câu hỏi và chia sẻ từ phía sinh viên trường Đại học Cần Thơ, bà Samantha Power cho rằng, Việt Nam cũng là một trong những nước ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong lĩnh vực này.Tuy nhiên, trước tiên, chính các bạn sinh viên Việt Nam hãy là kênh truyền thông tuyên truyền cho mọi người về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay, có rất nhiều các phong trào của học sinh, sinh viên chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, đây đều là những hành động thiết thực cần được nhân rộng.
TRÀ VINH KHUYẾN KHÍCH NÔNG DÂN GIẢM LÚA VỤ 3
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, việc không sản xuất 3 vụ lúa trong năm chuyển qua canh tác 2 lúa - 1 màu hoặc 2 màu – 1 lúa sẽ đảm bảo vòng quay của đất, đồng thời làm gia tăng độ phì nhiêu và ngắt được mầm bệnh trong đất và sâu hại cho cây lúa ở vụ tiếp theo.Do đó, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang yêu cầu chính quyền các địa phương trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân cắt giảm gieo trồng vụ lúa Đông Xuân, lúa Hè Thu sớm - hay còn gọi là lúa vụ 3 trên những diện tích đất gò cao thiếu nguồn nước tưới, chuyển sang trồng các loại rau màu thực phẩm.Đây là phương pháp sản xuất khoa học, đồng thời nguồn thu nhập từ cây màu mang lại cho nông dân vẫn đảm bảo bằng và hơn thu nhập từ lúa vụ 3.