Khóm nghịch vụ giá bán cao do nguồn cung hạn chế. Sạt lở 1km mái kè gây nguy cơ xâm nhập mặn. Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm mùa Trung thu 2023. Khởi công Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ hơn 3.700 tỷ đồng.
Khóm nghịch vụ giá bán cao do nguồn cung hạn chế
Văn Vũ
Từ đầu tháng 09/2023 đến nay,khóm thu hoạch nghịch vụ tại Hậu Giang bán với giá khá cao, nên những người trồng khóm rất phấn khởi. Hiện tại, khóm tại rẫy loại 1 giá từ 13.000-15.000 đồng/trái, khóm loại 2 giá từ 10.000 – 12.000 đồng/trái. Với giá này, tăng từ 3.000-4.000 đồng/trái so với thời điểm thu hoạch rộ vài tháng trước.
Khóm và dứa có giống nhau không?
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, diện tích khóm toàn tỉnh hiện khoảng 3.000ha, trồng tập trung tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, với giống chủ lực là khóm Queen (giống khóm Cầu Đúc). Hiện tại giá khóm tăng mạnh là do hiện nay nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu thị trường còn rất lớn. Giá khóm cao cũng là động lực để bà con tiếp tục đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, kết hợp trồng rải vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Sạt lở 1km mái kè gây nguy cơ xâm nhập mặn
Võ Dũng
Theo thống kê của UBND xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mái kè các tuyến đê bao quanh vùng sản xuất nông nghiệp của các thôn Bắc Phước, An Cư, Lưỡng Kim đã bị sạt lở cục bộ với tổng chiều dài khoảng 1km. Tại nhiều điểm, mái kè bị sụt lún, chân khay khoét sâu vào chân đê; bề mặt nghiêng bị sạt lở. Những điểm sạt lở, xuống cấp này chỉ cách các cánh đồng canh tác lúa và khu nuôi trồng thủy sản một con đường nhỏ.
Do kinh phí đầu tư sửa chữa rất lớn và phải chờ ngành chức năng xử lý, người dân lo lắng nên đã tự gia cố mái kè đê bằng những vật liệu tạm thời. Nếu không được khắc phục kịp thời, mùa mưa lũ sắp tới, nguy cơ xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền khiến vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nguồn nước khu dân cư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm mùa Trung thu 2023
(Minh Sáng – Trần Phi)
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2023.
Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp triển khai hoạt động thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố….
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Khởi công Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ hơn 3.700 tỷ đồng
Lê Hoàng Vũ (sản xuất)
Ngày 9/9, VSIP Group chính thức khởi công dự án VSIP Cần Thơ tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Đây là khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) thứ 13 trong cả nước và là dự án đầu tiên tại ĐBSCL.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, với quy mô vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Dự án tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của ĐBSCL và giáp ranh ba tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hội tụ đủ các yếu tố để thúc đẩy phát triển thủy hải sản, nông nghiệp và đẩy mạnh vai trò trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn. VSIP Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, thiết lập mạng lưới logistics, từ trung tâm đến cảng và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.