Ứng dụng năng lượng tái tạo trong nuôi tôm. Đưa đặc sản hàu sữa Vinabs vào hệ thống siêu thị Central Retail. Chuyển giao quy trình canh tác hữu cơ cho lúa. Nga chiếm lĩnh thị trường lúa mỳ thế giới.
Để giảm bớt chi phí sản xuất, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư và phát triển điện mặt trời vào nuôi tôm, vừa đảm bảo được nguồn điện ổn định trong sinh hoạt, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo những hộ nuôi chia sẻ, lắp 11 tấm pin năng lượng mặt trời sẽ sử dụng được cho 1 ao nuôi tôm diện tích 1000 mét vuông với chi phí là 70 triệu đồng, giảm chi phí tiền điện khoảng 1,5 -2 triệu đồng cho 1 ao mỗi tháng. Tuổi thọ tấm pin từ 20-25 năm, sử dụng khoảng 3 năm là đủ tiền đầu tư. Ông Nguyễn Đông Hải, Phó Chủ tịch huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời đem lại hiệu quả kinh tế rất cao do tiết kiệm được chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học hiện đại sẽ giúp thân thiện với môi trường, từ đó phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đưa đặc sản hàu sữa Vinabs vào hệ thống siêu thị Central Retail
Central Retail Việt Nam hợp tác với Công ty CP Thủy sản sinh học Vina (Nha Trang, Khánh Hòa) vừa triển khai phân phối đặc sản hàu sữa Vinabs ăn sống vào hệ thống siêu thị của Central Retail tại TP.HCM.
Hàu sữa Vinabs nuôi theo quy trình sạch, đạt tiêu chuẩn Organics, chứng nhận Ocop 3 sao, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của Châu âu và thế giới, đảm bảo truy xuất nguồn gốc dành cho thị trường TP.HCM và hướng tới xuất khẩu.
Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, đây là giống hàu sữa Vinabs nhập về từ vùng biển Khánh Hòa, nuôi cách xa bờ khoảng 3km, nơi vùng biển sâu, có độ mặn cao, nước sạch tinh khiết, được theo dõi kiểm tra chặt chẽ trong quy trình nuôi, chăm sóc.
Đặc biệt, khi thu hoạch hàu sẽ được xử lý bằng tia UV, Ozone và thanh lọc sau 48 tiếng trước khi phân phối ra thị trường, vào hệ thống siêu thị, đảm bảo hàu siêu sạch để phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế ăn sống trực tiếp thay thế sản phẩm hàu nhập khẩu.
NGA CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG LÚA MỲ THẾ GIỚI
Phạm Huy khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Nga là nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu trong vụ mùa 2022 - 2023 với 46 triệu tấn và có thể chiếm 1/4 lượng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu năm 2023. Bộ Nông nghiệp Nga cũng đã công bố con số xuất khẩu kỷ lục trong niên vụ trước là gần 60 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có khoảng 47 triệu tấn lúa mỳ. Dự kiến trong niên vụ mới, lượng ngũ cốc từ Nga ra nước ngoài có thể vượt qua con số này.
Nga đang hướng tới vụ mùa bội thu thứ 2 sau khi thu hoạch lượng lúa mỳ lên đến hơn 104 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất của Nga kể từ năm 2018, sau đó là Ai Cập. 2 nước này chiếm 40% xuất khẩu lúa mỳ của Nga.
Chuyển giao quy trình canh tác hữu cơ cho lúa
Mô hình sản xuất lúa áp dụng quy trình canh tác hữu cơ được Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng (viện nông nghiệp Thanh Hóa) phối hợp với UBND xã Yên Mỹ (Nông Cống, Thanh Hóa) gieo cấy vụ mùa 2023 trên diện tích 8ha. Đây là mô hình canh tác hữu cơ đầu tiên chuyển giao đồng bộ cho 57 hộ tại Thanh Hóa. Mô hình bước đầu cho thấy ưu điểm vượt trội. Cây lúa ít sâu bệnh, bông lúa dày hạt, ít hạt lép, định, chất lượng gạo sạch, an toàn, không tồn dư các thành phần hóa học có hại. Dự kiến năng xuất vụ mùa đạt hơn 2 tạ/sào. Vụ tới, xã Yên Mỹ sẽ mở rộng diện tích lên 50ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ và tiến tới nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh.