Bộ Tài chính nêu phương án giảm thuế xuất MFN với khô dầu đậu tương. 4 vùng nuôi đạt chứng nhận ASC, nghêu Việt rộng đường xuất khẩu. Dự án sản xuất hồ tiêu bền vững cải thiện đời sống của 8.000 hộ dân. Ngành tôm chi phối đời sống trên 50% dân số Cà Mau. Cuối năm ngư dân Bạc Liêu neo tàu vì sợ thua lỗ.
Bộ Tài chính nêu phương án giảm thuế xuất MFN với khô dầu đậu tương
Minh Phúc khai thác
Trước kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và một số hiệp hội về điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàngkhô dầu đậu, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng này hiện Việt Nam đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65%. Do đó, mức thuế suất MFN đối với mặt hàng này là 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo đảm bảo nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất, khuyến khích ngành Chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.
Nếu không có chính sách bảo hộ nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì Việt Nam phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Nhược điểm của phương án này là chưa đáp ứng được được kiến nghị của một số bộ, hiệp hội và doanh nghiệp trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Tại dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án gồm: Giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành; Điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 1%.
4 vùng nuôi đạt chứng nhận ASC, nghêu Việt rộng đường xuất khẩu
Minh Phúc khai thác
Nghêu là 1 trong 4 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - cùng với tôm, cá tra và cá rô phi. Đặc biệt, việc Việt Nam có 4 vùng nuôi nghêu trắng đạt chứng nhận ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản) được xem là "giấy thông hành" để nghêu mở rộng ở nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Úc…
Mới đây, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng - Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS, thuộc Hội Thủy sản Việt Nam) vừa trao chứng nhận ASC cho chuỗi giá trị nghêu tại Tiền Giang. Trước đó, ICAFIS cũng đã trao giấy ASC cho vùng nuôi nghêu ở Trà Vinh.
Đến nay, Việt Nam có 4 vùng nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC là Tiền Giang, Trà Vinh, Nam Định và Ninh Bình. Hiện trên thế giới, chỉ Việt Nam đạt chứng nhận ASC cho loài nghêu trắng.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, bờ biển nước ta dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát là vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển, trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia.
Dự án sản xuất hồ tiêu bền vững cải thiện đời sống của 8.000 hộ dân
Minh Phúc khai thác
Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” do Liên minh châu Âu và tổ chức IDH tài trợ, được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Qua 3 năm triển khai, dự án đã góp phần cải thiện đời sống của gần 8.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu trên diện tích 8.500 ha; giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hồ tiêu có nguồn nguyên liệu ổn định.
Dự án đã huy động sự tham gia của 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam; 14 đội dịch vụ nông nghiệp được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm của nông dân. Trong 3 năm, 160 khóa tập huấn cho nông dân, góp phần phổ biến kiến thức và hướng dẫn áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, giảm được 10% phát thải carbon và giảm 17% lượng nước tưới.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, mặc dù mới là bước khởi đầu và quy mô dự án còn khiếm tốn, nhưng dự án đã tạo ra sự lan tỏa tích cực và hiệu quả, giúp thay đổi nhận thức, thực hành canh tác sản xuất hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ngành tôm chi phối đời sống trên 50% dân số Cà Mau
Quỳnh Anh khai thác
Cà Mau hiện có trên 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ là 280.000ha và có nhiều diện tích được cấp các chứng nhận như ASC, B.A.P, GlobalGAP EU, Naturland. Trải dọc các huyện, thành phố trong tỉnh có đến 32 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, cùng thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Từ đây, con tôm Cà Mau đã có mặt tại trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, ngành tôm chi phối đến đời sống của trên 50% dân số của tỉnh, tương đương khoảng 600.000 người. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của trên 350.000 lao động.
Cuối năm ngư dân Bạc Liêu neo tàu vì sợ thua lỗ
Văn Vũ sx
Thời điểm này ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã bước vào vụ chính đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, năm nay, do sản lượng khai thác thấp, giá cả xuống thấp, trong khi giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào khác lại tăng cao, khiến cho ngư dân gặp khó khăn, nhiều chủ phương tiện buộc phải neo tàu vì sợ thua lỗ
Tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông không khí ồn ào, tấp nập tàu thuyền vận chuyển các mặt hàng hải sản mang đi tiêu thụ đã không còn như thời điểm này những năm trước, thay vào đó hiện tại là khung cảnh đìu hiu, ảm đạm.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, mặc dù đang vào chính vụ nhưng sản lượng chỉ bằng 1/3 đầu năm 203, trong khi nguyên liệu và tiền nhân công lại tăng cao nên lợi nhuận các tàu giảm rõ rệt, chỉ có từ 40 - 60% nhiều phương tiện phải tạm ngưng hoạt động vì hoạt động không hiệu quả.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 1.000 tàu cá (trong đó, 440 tàu có chiều dài từ 15m trở lên), tổng công suất là 206.670CV với hơn 6.100 thuyền viên.