Đà Lạt cần hơn 4.800 tỷ đồng để xóa sổ nhà kính tại nội ô. Sức mua thịt lợn sẽ được cải thiện vào dịp Tết Nguyên đán. Nông sản Việt cần thích nghi nhanh trong thế giới chuyển đổi số. Giá lúa tăng theo ngày, doanh nghiệp khó thu mua.
Đà Lạt cần hơn 4.800 tỷ đồng để xóa sổ nhà kính tại nội ô
Minh Phúc khai thác
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, để đạt mục tiêu Đề án đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính, đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tíchnhà kính tại nội ô TP Đà Lạt so với năm 2022, kinh phí cần huy động thực hiện di dời, cải tạo và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời dự kiến khoảng 4.820 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2023-2025 cần 964 tỉ đồng.
Do đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các ngân hàng thương mại trước mắt ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ nông dân vay vốn triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện thủ tục vay vốn để sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho vay vốn để thực hiện di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính và các nội dung khác của Đề án.
Sức mua thịt lợn sẽ được cải thiện vào dịp Tết Nguyên đán
Minh Phúc khai thác
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường chăn nuôi thời điểm này khá ảm đạm do hậu Covid-19 người dân bị giảm việc, thất nghiệp khiến thu nhập giảm và phải thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều bếp ăn tập thể cơ cấu lại quy mô sản xuất, nhu cầu nhập hàng thực phẩm giảm xuống.
Ngoài ra, với đặc thù đường biên giới dài hơn 3.000 km, heo nhập lậu vào thị trường trong nước đã ảnh hưởng đến giá, kèm theo các rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường.
Nhận định về thị trường heo trong thời gian tới, ông Tống Xuân Chinh cho biết, với tình hình như hiện nay, tăng trưởng kinh tế chưa phải là động lực, chỉ hy vọng nhu cầu tiêu thụ, sức mua sẽ cải thiện hơn vào giai đoạn Tết Nguyên đán.
Về dài hạn, kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, hút ngoại tệ về cho ngành.
NÔNG SẢN VIỆT CẦN THÍCH NGHI NHANH TRONG THẾ GIỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thanh Thủy khai thác
Theo báo cáo của Amazon Global Selling, giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam qua nền tảng này đã tăng 50% chỉ trong vòng 1 năm qua. Số lượng các doanh nghiệp Việt bán hàng online trên Amazon trong 2023 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Top 5 ngành hàng có doanh thu tốt nhất của người Việt trên Amazon là: nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe, may mặc, làm đẹp; vắng bóng ngành nông sản – ngành hàng có thế mạnh trên thị trường quốc tế.
Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, với những thế mạnh sẵn có, các sản phẩm nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu online trên Amazon như trà, cà phê, hạt điều… Những mặt hàng nông sản khô, đã qua chế biến và để được lâu, phù hợp với các hành trình vận chuyển dài ngày.
Trong thế giới chuyển đổi số, bà con nông dân và các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần thích nghi nhanh hơn với sự chuyển dịch này. Chỉ có như vậy, giá trị và lượng tiêu thụ các nông sản Việt mới gia tăng, người nông dân Việt nhờ thế cũng được hưởng lợi.
Giá lúa tăng theo ngày doanh nghiệp khó thu mua
Thanh Thủy khai thác
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ, giá lúa tăng, nông dân mừng nhưng doanh nghiệp lo, bởi giá lúa tăng theo ngày rất khó thu mua.
Mặt khác, giá lúa vẫn tăng, trong khi các hợp đồng đã ký không thể tăng giá, khiến doanh nghiệp bị lỗ. Một số doanh nghiệp hiện không dám trữ hàng, thương lái cũng thu mua cầm chừng hơn.
Thị trường bị ảnh hưởng khi giá gạo tăng cao đã có khách hàng chuyển sang mua gạo Thái Lan rẻ hơn khoảng 100 USD/tấn.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng. Do đó, các DN phải hết sức thận trọng, nếu ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, lúc đó giá tăng lên lại gặp khó khăn.