Gặp mặt doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp. Diện tích sầu riêng Tây Nguyên tăng nóng. Chế biến sâu là con đường bền vững cho ngành hồ tiêu. Tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL các tháng đầu năm 2023.
Gặp mặt DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 13/2, tại Hà Nội, Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm gặp mặt các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm cũng như tham gia đầu tư, kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam. ông Hồ Xuân Hùng, chủ tịch Tổng Hội bày tỏ sự khâm phục với tốc độ phát triển của Hàn Quốc, đặc biệt là sự phát triển sớm và thành công trong lĩnh vực nông nghiệp của đất nước Kim Chi. Cũng theo ông Hồ Xuân Hùng, Hàn Quốc là 1 trong những quốc gia mà Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp mong muốn hợp tác, liên kết, tạo mối quan hệ chặt chẽ để cùng phát triển. Do đó, Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cam kết sẽ là một trong những đầu mối quan trong kết nối giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng trao đổi thông tin về các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong tương lai, trong đó có sản phẩm sâm, cá tầm, đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm nông sản chế biến có thế mạnh của các bên.
DIỆN TÍCH SẦU RIÊNG Tây Nguyên TĂNG NÓNG
Theo Quyết định số 4085 ngày 27/11/2022 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng được khuyến cáo trồng trong khoảng 65.000 đến 75.000 ha. Song đến nay, diện tích lẫn sản lượng sầu riêng đều vượt mốc các con số nêu trên.Chỉ riêng tại Tây Nguyên, thống kê từ các ngành chức năng cho thấy, diện tích sầu riêng ở khu vực này tăng khá nhanh, hiện đã lên đến hơn 40.000 ha. Tính sơ bộ, mỗi ha sầu riêng khi đi vào chu kỳ kinh doanh có năng suất từ 9 - 15 tấn tùy vườn cây, thì khu vực này sẽ có sản lượng sầu riêng xếp top đầu cả nước. Dự báo của ngành nông nghiệp, năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn.
CHẾ BIẾN SÂU LÀ CON ĐƯỜNG BỀN VỮNG CHO NGÀNH HỒ TIÊU
– Trần Trung
Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, chiếm khoảng 55% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn thế giới.Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là phần lớn các sản phẩm từ Việt Nam đều xuất thô, tươi, nguyên hạt. Mới chỉ có khoảng 30% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đã qua chế biến, trong khi đó, năng lực chế biến hồ tiêu của nước ta mỗi năm hiện có thể xử lý tới trên 140.000 tấn.Do đó, gia tăng chế biến sâu là giải pháp giúp ngành hồ tiêu Việt Nam đa dạng hoá sản phẩm, tăng chất lượng và giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị để vực dậy ngành hồ tiêu.
TÌNH TRẠNG XÂM NHẬP MẶN TẠI ĐBSCL CÁC THÁNG ĐẦU NĂM 2023
– VĂN VŨ
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tại ĐBSCL mặn có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 12 năm 2022 và tiếp tục vào các tháng đầu năm 2023, các địa phương cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường do tác động của biến đổi khí hậu.Hiện nay, tại các vùng ven biển ĐBSCL, tình trạng mặn bất thường. Ngoài ra, hạn hán làm thiếu nước ở các vùng thiếu hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn.Theo thống kê, bắt đầu từ tháng 2, tại sông Tiền và sông Hậu mặn đã vào sâu khoảng 45-60 km, bắt đầu từ tháng 3 là 65-75km, hiện nay các địa phương vùng ĐBSCL đang tăng cường công tác giám sát mặn và kiểm tra chất lượng nước tại các sông để kịp thời ứng phó và thông báo cho người dân hạn chế lấy nước từ các sông lên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.