Hợp tác quốc tế giúp tiếp cận nhiều tư duy phát triển nông nghiệp mới. Trà Vinh xuất hiện đỉnh mặn vượt 4‰. Bình Phước phát triển 10.000ha sầu riêng công nghệ cao. Nhật Bản tăng 77% khối lượng nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh Việt Nam.
Hợp tác quốc tế giúp tiếp cận nhiều tư duy phát triển nông nghiệp mới
Quang Dũng
Chiều 10/2, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Hợp tác Quốc tế ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, Hợp tác quốc tế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Theo Bộ trưởng, hợp tác là để hỗ trợ mở rộng thị trường, thu hút đầu tư. Những quan hệ, hợp tác sẽ giúp tiếp cận nhiều mô hình mới, tư duy mới. Từ đó, góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững; giúp tăng thu nhập cho người dân, hạn chế rủi ro của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiên dùng của thế giới. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực quốc tế để phát triển nền nông nghiệp nước nhà . Hiện, Việt Nam đã ký kết FTA với hầu hết tất cả các thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trọng điểm. Đây được coi là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh với các nước trên thế giới.Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gặp mặt và chúc Tết cộng đồng quốc tế tại Việt Nam.
TRÀ VINH XUẤT HIỆN ĐỈNH MẶN VƯỢT 4‰
– HỒ THẢO – MINH ĐẢM
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, những ngày đầu 2/2023, tại địa phương đã xuất hiện đỉnh mặn trên 4‰ và xuất hiện xâm nhập sâu về phía thượng nguồn. Cụ thể, trên sông Cổ Chiên, cách cửa biển khoảng 50km, độ mặn đo được là 5,9 ‰. Ở một diễn biến khác về phía sông Hậu tại cống Bông Bót, cách cửa biển 55km, độ mặn đo được đến 4,6 ‰.Để chủ động ứng phó xâm nhập mặn Chi cục Thủy lợi đã thường xuyên triển khai nhiều biện pháp như: theo dõi tình và kịp thời thông báo đến người dân biết để có kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Đóng kín các cửa cống khi độ mặn lớn hơn và bằng 1 ‰ xuất hiện tại các cống đầu mối; khuyến cáo người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, không sản xuất lúa ở những nơi không chủ động được nguồn nước…. Nhờ đó, việc sản xuất của người dân không bị ảnh hưởng.
BÌNH PHƯỚC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 10.000HA SẦU RIÊNG CÔNG NGHỆ CAO
- Trần Trung
Hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 3.000 ha sầu riêng; trong đó, gần 2.000 ha sầu riêng trưởng thành đang cho thu hoạch với sản lượng gần 2.000 tấn trái/năm. Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, vừa qua, Trung Quốc cấp 5 mã số vùng trồng sầu riêng cho các nhà vườn ở địa phương với diện tích hơn 300ha. Ngoài ra, có 11 đơn vị khác đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký trong đợt đánh giá sắp tới để cấp mã vùng trồng.Bình Phước hiện đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000 - 10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
NHẬT BẢN TĂNG 77% KHỐI LƯỢNG NHẬP KHẨU BẠCH TUỘC ĐÔNG LẠNH VIỆT NAM
Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, năm 2022, nước này nhập khẩu trên 34 nghìn tấn bạch tuộc đông lạnh, với giá trung bình 1.423 yên/kg (10,87 USD/kg), tăng 29% về khối lượng và 18% về giá so với năm 2021.Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam là nguồn cung cấp bạch tuộc đông lạnh lớn thứ 4 cho Nhật Bản với gần 5,4 nghìn tấn. Giá trung bình nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh từ Việt Nam đạt 1.241 yên/kg (9,48 USD/kg).So với năm 2021, Nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh từ Việt Nam tăng 77% về khối lượng, giá nhập khẩu tăng 35%.