| Hotline: 0983.970.780

Nữ 'thủ lĩnh chanh dây'

Thứ Bảy 21/01/2023 , 07:05 (GMT+7)

GIA LAI Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm đã tập hợp hàng trăm hộ dân ở Gia Lai cùng nhau trồng chanh dây chất lượng cao, bền vững để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Từ cơ duyên thành "thủ lĩnh" đưa chanh dây xuất ngoại 

Chúng tôi tình cờ gặp chị Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (HTX Hùng Thơm Gia Lai, thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) khi HTX tham gia trưng bày tại Hội chợ Xúc tiến thương mại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên diễn ra vào hồi tháng 11/2022. Gian hàng tuy không lớn nhưng gây ấn tượng mạnh với nhiều khách hàng bằng những sản phẩm độc đáo được chế biến từ chanh dây như: Ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh dây, chanh dây sấy dẻo, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…

IMG_3169

Chị thơm rất chú trọng sản xuất chanh dây chất lượng cao để xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Tuấn Anh.

Câu chuyện về chị Thơm liên kết trồng chanh dây xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới đã quá nổi tiếng không chỉ với người dân của huyện Mang Yang mà cả tỉnh Gia Lai. Mới đây, chị Thơm tự hào là 1 trong 100 nông dân được tôn vinh, trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”. Đặc biệt năm 2021, chị Thơm đã vinh dự được Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn năm 2018 - 2020.

Để có được thành công như ngày hôm nay, chị Thơm cũng từng có quá trình khởi nghiệp đầy gian truân, mạnh dạn từ bỏ nghề thợ may với mức lương ổn định để gắn bó cây chanh dây.

Chị Thơm kể, gia đình xuất thân từ nông dân, bố mẹ từng gắn bó với cây cà phê, hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao do thiếu kinh nghiệm sản xuất, ít vốn, rồi cây hồ tiêu lại bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Tình cờ năm 2007, chị được một người quen ở Lâm Đồng giới thiệu cây chanh dây trồng rất phù hợp với đất ở Gia Lai.

Ý tưởng được gợi mở, chị nhanh chóng lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh dây. Sau đó, chị qua Lâm Đồng mua chanh dây về trồng thử nghiệm trên diện tích 4 sào đất của gia đình. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, chị đã mở rộng diện tích lên 2ha xen với cây cà phê, hồ tiêu.

IMG_3124

Chị Thơm là một trong những người tiên phong đưa chanh dây về trồng trên đất Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Qua các giai đoạn trồng thử nghiệm để thăm dò, chị đã giải được bài toán khi đưa chanh dây về trồng thành công trên vùng đất Gia Lai. Tuy nhiên, chị Thơm lại đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ khi loại quả này còn khá mới lạ nên khi trồng ra chả có thương lái nào tới thu mua.

Để tiêu thụ được chanh dây, chị đã phải đi khắp nơi, đến các thành phố lớn trong cả nước để chào hàng. Năm 2011, chị Thơm may mắn tìm được mối thu mua chanh dây ổn định ở chợ Thủ Đức (TP.HCM) với giá 15.000 đồng/kg. Sau đó, chị tiếp tục được một công ty xuất nhập khẩu hợp tác để đưa chanh dây xuất khẩu đi các nước châu Âu.

Thị trường tiêu thụ bước đầu được giải quyết, chị Thơm tiếp tục mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hơn 3ha chanh dây, đồng thời liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng chanh dây tại địa phương.

Năm 2018, để có đầu ra ổn định, chị đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai với 38 thành viên, cũng như đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhà xưởng chế biến.

Sau khi thành lập HTX và xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn, chị Thơm đẩy mạnh tham gia các kênh xúc tiến thương mại nhằm tiếp cận với các khách hàng nước ngoài để hướng đến thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm chanh dây hơn nữa. May mắn lúc bấy giờ, nhiều khách hàng nước ngoài về thăm và đánh giá rất cao các sản phẩm chanh dây của HTX nên đã quyết định hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

IMG_3176

Chanh dây chất lượng cao của HTX Hùng Thơm Gia Lai phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Tuấn Anh.

“Là nông dân, mình muốn sản xuất chanh dây làm sao đạt chất lượng tốt nhất để khi tiếp cận khách hàng sẽ có ấn tượng về sản phẩm do mình làm ra. Từ đó, khách hàng sẽ nhập khẩu sản phẩm chanh dây của HTX đem đi các nước tiêu thụ, đó là mong muốn lớn nhất của mình”, chị Thơm chia sẻ.

Theo chị Thơm, trung bình mỗi tuần, hiện HTX xuất khẩu hơn 2 tấn chanh dây sang thị trường các nước như Pháp, Nga, Thụy Sỹ, Trung Quốc... Với giá xuất khẩu thời điểm hiện tại khoảng 60 ngàn đồng/kg, bình quân hằng năm, sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.

"Cùng thắng" với bà con

Hiện tại, HTX Hùng Thơm Gia Lai đang liên kết với hơn 150 hộ dân trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Kbang, Chư Prông… sản xuất hơn 300ha chanh dây. Trong đó, khoảng 80ha chanh dây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, HTX đã phối hợp với các công ty phân bón, giống cây trồng để tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật trồng cây chanh dây, bón phân hợp lí, cam kết bảo đảm cây chanh dây phát triển ổn định, bền vững, kiểm soát những rủi ro về dịch bệnh trong quá trình sản xuất. Hiện nay, mỗi ha chanh dây có năng suất 45 - 60 tấn, với giá bán từ 18 - 40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ dân liên kết có lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng.

IMG_3068

HTX của chị Thơm liên kết với nhiều hộ dân trồng chanh dây chất lượng cao, cùng làm giàu và nâng cao trình độ canh tác cho bà con. Ảnh: Tuấn Anh.

Là hộ nông dân đầu tiên mạnh dạn và đặt niềm tin khi tham gia liên kết trồng chanh dây của HTX, ông Hoàng Long Quân (Thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết, từ năm 2019, sau khi được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây chanh dây của gia đình phát triển rất tốt. Không những thế, vườn chanh còn được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao nên kinh tế gia đình được cải thiện.

“Hiện gia đình có 2.000 gốc chanh dây, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Để đạt được điều này, gia đình ông phải thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc chanh dây theo chỉ dẫn của HTX, chủ yếu sử dụng phân chuồng để sản xuất theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, chanh dây luôn được HTX thu mua với giá rất cao”, ông Long chia sẻ.

Hiểu rõ mong muốn, khát khao của bà con là được trồng và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, chị Thơm đã phát triển ý tưởng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm chế biến từ chanh dây để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con, khát vọng vươn ra thị trường quốc tế.

Theo đó, HTX hiện đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng cho cây chanh dây với diện tích 126,4ha. Hiện HTX đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 - 4 sao như: Chanh dây quả, trà sả thảo mộc, chanh dây sấy dẻo, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu chanh dây, tinh cốt chanh dây cô đặc...

“Để nâng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, HTX tiếp tục mở rộng kênh bán hàng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thông tin minh bạch từ nguồn gốc canh tác đến đóng gói xuất nhập khẩu, cũng như thông tin phản hồi của người tiêu dùng”, chị Thơm chia sẻ.

Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho biết, chị Thơm là người tiên phong của huyện Mang Yang đưa quả chanh dây xuất khẩu sang các nước như Pháp, Thụy Sỹ, Nga…, qua đó giúp chanh dây của Gia Lai khẳng định được giá trị trên thị trường quốc tế.

“Để có được thành quả này, chị Thơm đã thành liên kết với nhiều hộ dân xây dựng vùng trồng chanh dây rộng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn khắt khe về xuất khẩu. Các hộ dân tham gia liên kết được HTX hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Điều này giúp các hộ dân liên kết có hộ thu nhập lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, HTX của chị Thơm còn tạo công ăn việc làm cho hơn 70 lao động, từng bước giúp người dân địa phương thoát nghèo”, ông Quang chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.