Sản xuất theo chuỗi ngành hàng sẽ mang lợi ích tối đa cho hợp tác xã. Giá phân urê giảm mạnh, một số hợp đồng chỉ còn 448 USD/tấn. Đề nghị EU làm rõ tiêu chí xác định tần suất kiểm tra thanh long. Thị trường hồ tiêu vẫn trầm lắng.
SẢN XUẤT THEO CHUỖI NGÀNH HÀNG SẼ MANG LỢI ÍCH TỐI ĐA CHO HỢP TÁC XÃ
Ngày 20/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm và tìm hiểu hoạt động của các HTX nông nghiệp tại tỉnh Trà Vinh, qua đây Bộ trưởng đưa ra một số định hướng phát triển cho các HTX trên địa bàn. Bộ trưởng cho rằng, để thu hút nông dân tự nguyện tham gia vào HTX, cần minh chứng bằng những hoạt động cụ thể của đơn vị, tạo được niềm tin, đặc biệt là cam kết lợi nhuận cho bà con xã viên. Tỉnh Trà Vinh cũng như các địa phương vùng ĐBSCL cần xây dựng HTX trở thành chuỗi ngành hàng, đảm bảo từ chế biến, đa dạng hóa giá trị, tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích cho thành viên. Thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp, trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành là 1,47%/năm. Địa phương có 6 trên 9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có 80 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
GIÁ PHÂN URÊ GIẢM MẠNH, MỘT SỐ HỢP ĐỒNG CHỈ CÒN 448 USD/TẤN
Giá chào thầu - FOB phân urê hạt đục trên thế giới vào ngày 16/6 vừa qua là 547 USD/tấn. Đặc biệt, giá phân ure hạt đục của Sơn Đông, Trung Quốc chào thầu chỉ còn 448 USD/tấn, giảm nửa giá so với thời điểm đầu năm. Giới chuyên gia nhận định, giá phân urê thế giới giảm mạnh do Trung Quốc cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại nước này đã qua. Bên cạnh đó, Nga cũng đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang Ấn Độ, thị trường tiêu thụ phân bón hàng đầu thế giới và xuất sang Nam Mỹ với giá bán thấp hơn 30% mặt bằng giá thế giới. Tại thị trường trong nước, giá phân urê trong nước tại chợ đầu mối Tân Quy, TP. Hồ Chí Minh hiện dao động trong khoảng 16 triệu đồng/tấn tùy loại, giảm 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm.
ĐỀ NGHỊ EU LÀM RÕ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH TẦN SUẤT KIỂM TRA THANH LONG
Tại phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, Văn phòng SPS Việt Nam có 6 phiên làm việc song phương, trong đó trọng tâm là 2 buổi trao đổi với EU và Trung Quốc. Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ làm việc với phía EU, nhằm thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là thanh long, các loại rau gia vị, đậu bắp, ớt và thực phẩm ăn liền. Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, xét về mức độ không tuân thủ trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 1 lô hàng thanh long xuất khẩu sang EU không đạt, do Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là cơ sở để SPS Việt Nam đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long, cũng như một số sản phẩm khác.
THỊ TRƯỜNG HỒ TIÊU VẪN TRẦM LẮNG
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - VPA, 17 ngày đầu tháng 6, Việt Nam xuất khẩu được gần 13.500 tấn, giá trị đạt 55,7 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất với 1.603 tấn, theo sau là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Singapore và Hoa kỳ. Việc Trung Quốc tăng mua trở lại đang là tín hiệu khởi sắc cho thị trường hồ tiêu trong nước, vốn rất trầm lắng trong hơn 1 tháng qua. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 1.992 tấn tiêu, trong đó, nhiều nhất là từ Campuchia, Indonesia và Brazil Giới chuyên gia nhận định, sức mua của thị trường vẫn chậm và yếu do các doanh nghiệp đã tích trữ đủ hàng phục vụ sản xuất và xuất khẩu.