Luật Trồng trọt nhiều tranh cãi, doanh nghiệp 'giành giật' giống cây trồng. EuroCham kết nối Tây Ninh với các tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao. Tân Á Đại Thành tiếp tục trao bồn nước cho người dân. Xuất khẩu cá khô tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát.
LUẬT TRỒNG TRỌT NHIỀU TRANH CÃI, DOANH NGHIỆP ‘GIÀNH GIẬT’ GIỐNG CÂY TRỒNG
Lê Quang Linh
Thông tin tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT với các Hiệp hội, doanh nghiệp về vấn đề giống cây trồng, chiều 25/5, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tính từ khi Luật Trồng trọt có hiệu lực đến ngày 22/4/2023, đối với giống lúa: đã công nhận lưu hành đặc cách 9 giống, gia hạn lưu hành 74 giống. Đối với giống ngô, đã công nhận lưu hành 45 giống, gia hạn công nhận lưu hành 35 giống.
Ông Cường cho rằng, chỉ có Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành mới có quyền cho phép/hoặc không cho phép sử dụng giống cây trồng đã được lưu hành. Đây là quan hệ dân sự giữa các chủ thể, do đó không thể sử dụng nguồn kinh phí từ các quỹ nhà nước để chi trả.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Dương, GĐ Công ty TNHH Nam Dương, Hà Nam cho rằng một số giống lúa như: x21, xi 23, q5, bắc thơm số 7… nếp 97, ải 32…nhị ưu 63… được chọn tạo từ các đơn vị nghiên cứu, công ty có vốn nhà nước. Do đó, đây là tài sản thuộc nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện tình trạng giành giật quyền lưu hành các giống đã được xã hội hóa này giữa các tổ chức, cá nhân.
Ông Ngô Văn Dương kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp trong thời vụ này và năm nay tiếp tục được sản xuất kinh doanh những giống xã hội hóa nêu trên mà không phải xin phép.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Trồng trọt tiếp thu, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, nông dân tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để có thể sửa đổi các điều luật cần rất nhiều thời gian, bởi chúng ta phải tuân thủ quy định pháp luật, do đó, để các vướng mắc trong luật trồng trọt, nhất là về thời gian công nhận giống xã hội hóa, Cục Trồng trọt và các đơn vị chuyên môn cần khẩn trương rà xoát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nghị định,…để doanh nghiệp, nông dân yên tâm sản xuất.
EuroCham kết nối Tây Ninh với các tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao
Trần Trung
Phát biểu tại buổi họp báo Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, sáng 25/5, ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, Tây Ninh mong muốn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham hỗ trợ tỉnh phát triển hạ tầng sản xuất, chế biến, hình thành vùng nguyên liệu lớn.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, Phó Trưởng ban tổ chức, chia sẻ: “Với hơn 1.300 thành viên, EuroCham là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện sử dụng 150.000 lao động trên khắp Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thuộc EuroCham là những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có rất nhiều thành công khi đầu tư vào Việt Nam cũng như việc góp phần trong việc xây dựng một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đây cũng là lý do EuroCham kết hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức sự kiện này”.
TÂN Á ĐẠI THÀNH TIẾP TỤC TRAO BỒN NƯỚC CHO NGƯỜI DÂN
TỈNH BẾN TRE
Ngày 25/5, Tập đoàn Tân Á Đại Thành cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục chương trình “Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành”, trao tặng 30 bồn nước nhựa HDPE Plasman Đại Thành đứng loại 500l và 100 bình giữ nhiệt cho bà con chịu ảnh hưởng của hạn mặn tại xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL cho biết “Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành” là một chương trình rất thiết thực, tạo điều kiện cho bà con tích trữ nguồn nước ngọt phục sinh hoạt nhất là vào mùa khô. Đồng thời ông rất mong có thể tiếp tục đồng hành cùng Tập đoàn Tân Á Đại Thành tổ chức thêm nhiều chương trình ý nghĩa hơn để hỗ trợ cho bà con BĐSCL vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bà con nhận được bồn nước ở xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách cho biết, năm nào xã cũng bị hạn mặn, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có dụng cụ chứa nước sạch để sử dụng, việc sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn. Được địa phương và nhà hảo tâm tặng bồn nước bà rất vui và hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa.
XUẤT KHẨU CÁ KHÔ TĂNG TRƯỞNG TRONG BỐI CẢNH LẠM PHÁT
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4/2023, các mặt hàng xuất khẩu chính như cá tra, tôm, cá ngừ,… vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm cá khô, cá đóng hộp trở thành điểm sáng và ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ.
Số liệu từ VASEP cho thấy, riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65% đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.
5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, tiếp đến là Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%... Ngoài ra nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm như Đài Loan tăng 45%, Rumani tăng 90%, Lithuana tăng 61%.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng là trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ.