Giao thương thủy sản náo nhiệt nhờ Trung Quốc mua nhiều, giá cao. Cung cấp 7,4 triệu mét khối cát làm đường cao tốc Bắc - Nam. Xuất khẩu nghêu ngày càng khởi sắc. TP.HCM ban hành kế hoạch bình ổn thị trường thực phẩm thiết yếu.
GIAO THƯƠNG THỦY SẢN NÁO NHIỆT NHỜ TRUNG QUỐC MUA NHIỀU, GIÁ CAO
– Đinh Mười
Hơn 1 tháng qua, hoạt động buôn bán và nuôi trồng thủy sản tại các lồng bè ở Cát Bà, TP. Hải Phòng diễn ra náo nhiệt hơn, do thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua thủy sản các loại với giá cao. Hiện, trung bình mỗi ngày các thương lái đến mua tại bè khoảng 4-5 tấn cá, các gia đình nuôi cá lồng ở Cát Bà đã bán được toàn bộ số cá tồn dư trước đây.Nếu trước tết nguyên đán, cá song được bán với giá 200.000 đồng/1kg thì nay cá song loại từ 1,5kg - 3kg mỗi con, thương lái Trung Quốc thu mua từ 280.000-300.000 đồng/1kg, cá song Lai từ 1,5kg-2,5kg một con, giá khoảng 280.000 /1kg, còn loại trên 4kg thì có giá 230.000 đồng/1kg.Nhiều hộ nuôi cá lồng bè nhận định, lượng cá song trong nước và thị trường Trung Quốc hiện đang giảm. Vào mùa hè, khi hoạt động du lịch sôi động, loài cá này sẽ khan hiếm nên nhiều hộ đã tính đến việc dừng bán, nhất là những loại cá từ 2 - 3 kg để phục vụ nhu cầu du lịch và bán được giá hơn, bù lỗ cho thời điểm dịch Covid-19.
CUNG CẤP 7,4 TRIỆU MÉT KHỐI CÁT LÀM ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM
– Văn Vũ
Phục vụ nhu cầu sử dụng cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung cấp 7,4 triệu m3 cát cho công trình đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau.Trong đó có 2 tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là Cao Lãnh-An Hữu và Mỹ An-Cao Lãnh, tổng cộng khoảng 5,5 triệu m3.Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng công suất khai thác mỏ cát hiện có, thêm được 400 nghìn m3 và mở 2 mỏ khai thác cát mới với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Tổng cộng 1,9 triệu m3 này Đồng Tháp cũng sẽ cung cấp cho dự án cao tốc.Năm 2022, Đồng Tháp cấp mới và gia hạn 17 giấy phép khai thác cát với trữ lượng gần 8 triệu m3, chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu thực tế của tỉnh. Trong năm 2023, Đồng Tháp thực hiện gia hạn 14 giấy phép khai thác cát với trữ lượng khoảng 1 triệu m3, nhu cầu về cát cho các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm nay là gần 20 triệu m3.
XUẤT KHẨU NGHÊU NGÀY CÀNG KHỞI SẮC
Hai tháng đầu năm 2023, các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ đóng góp gần 2% trong tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam, với giá trị trên 19 triệu USD. Riêng trong tháng 2, XK các loài nhuyễn thể có vỏ tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,4 triệu USD.Nghêu là sản phẩm chủ lực nhất trong các loài nhuyễn thể có vỏ xuất khẩu nghêu, chiếm 56% với tổng XK gần 11 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay. Riêng tháng 2, xuất khẩu nghêu tăng 22% đạt 6,4 triệu USD.EU chiếm tỷ trọng chi phối trong các thị trường nhập khẩu nghêu của Việt Nam. Trong đó Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm lần lượt 29%, 23% và 15,5%. Riêng thị trường Hoa Kỳ có mức tăng đột phá trong tháng 2, tăng 245%.
TP. HCM BAN HÀNH KẾ HOẠCH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM THIẾT YẾU
(THANH SƠN - NGUYỄN THỦY)
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.Theo đó, hàng hóa trong chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực, đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa.