Hòa Bình lần đầu xuất khẩu mật ong rừng và hành tăm muối sang Anh. Nhộn nhịp chợ cá ngay trên cánh đồng vùng lũ. Liên kết chế biến sâu rau sạch. Khó khăn trong công tác thu hồi đất rừng bị xâm lấn.
Hòa Bình lần đầu xuất khẩu mật ong rừng và hành tăm muối sang Anh
Diệu Linh - Thanh Thuỷ
Sáng 12/10, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) tổ chức sự kiện đóng hàng lên container lần đầu xuất khẩu chuyến hành tăm muối Yên Thủy và mật ong rừng Kim Bôi sang thị trường Vương quốc Anh. Ông Bùi Duy Linh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để xuất khẩu các mặt hàng đặc sản của Hòa Bình, sở đã phối hợp với UBND huyện Yên Thủy, Kim Bôi hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất đã chuẩn hóa vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sơ chế, đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Anh. Đại diện HTX GreenLife, xã Hợp Tiến, Kim Bôi chia sẻ, với lô hàng thử nghiệm đầu tiên, dù số lượng không nhiều nhưng là một bước tiến lớn giúp sản phẩm OCOP của Hòa Bình có sự hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất. Công ty Cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường nhập khẩu.
Nhộn nhịp chợ cá ngay trên cánh đồng vùng lũ
Văn Vũ sx
Những ngày này, khi nước lũ tràn về, đồng ruộng ngập trắng cũng là lúc các chợ vùng biên giới huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Những sản vật mùa nước nổi như: cá linh, tôm, cá lóc được người dân đánh bắt bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Theo người dân, sau một đêm đánh bắt cá, tôm trên các cánh đồng nước thì khoảng 6h30 sáng thì đem về để bán. Tại đây, thương lái thu mua từ 7h sáng đến 12h với số lượng vài tấn cá mỗi người và chở bằng xe máy hoặc ghe đem đi tiêu thụ. Chợ cá trên cánh đồng nước nổi Hồng Ngự được hình thành cách nay vài chục năm, do nhu cầu mua bán của người dân nơi đây rất lớn.
Liên kết chế biến sâu rau sạch
Thanh Nga sx
HTX nông nghiệp Hatisa, tại phường Tân Giang vừa được UBND thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã Đồng Môn. Trong đó, trọng điểm là liên kết sản xuất, chế biến sâu các loại rau canh tác đạt chuẩn hữu cơ, theo hướng hữu cơ và VietGAP.Trong thời gian 3 năm, từ 2024 – 2026, HTX hợp tác với 4 hộ dân, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm rau trên diện tích 6 ha. Hiện, đơn vị đã thực hiện sản xuất trên diện tích 1 ha, đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến, cung ứng ra thị trường nhiều loại bột rau tiện lợi như: bột cần tây, bột tía tô, bột cải bó xôi, bột rau má…Bước đầu sản phẩm tung ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận, phản hồi tích cực. Sắp tới HTX nông nghiệp Haitisa tiếp tục mở rộng sản xuất, chế biến thêm các giống rau khác; đồng thời, xây dựng chuỗi cửa hàng rau sạch cung ứng cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và một số huyện lân cận.
Khó khăn trong công tác thu hồi đất rừng bị xâm lấn
Tâm Đức - Tâm Phùng
Tính đến nay, tổng diện tích đất rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tỉnh Quảng Bình trên 15 nghìn ha . Trong đó có trên 6 nghìn ha là rừng tự nhiên.Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp bị tổn hại tại các địa phương như huyện Minh Hoá 7,2 nghìn ha, Tuyên Hoá trên 3,7 nghìn ha; huyện Lệ Thuỷ hơn 1 nghìn ha… Tình trạng lấn chiến đất và phá hoại rừng đã xảy ra trong suốt thời gian dài do người dân thiếu ý thức trong công tác bảo vệ rừng, nhu cầu trồng rừng kinh tế của các hộ gia đình ngày càng tăng cao và một số ít đồng bào dân tộc thiểu số sống nhờ vào rừng…UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp. Cần xác định tình trạng sai lệch ranh giới giữa các chủ rừng và hiện trạng sử dụng rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.