Hợp tác xã Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khuyến cáo nếu có rừng nhiều nên trồng rừng gỗ lớn, không đốt thực bì, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, môi trường luôn luôn có màu xanh so với rừng đốt, rừng khai thác 4 - 5 năm.
Hợp tác xã Phú Hưng hướng dẫn trồng rừng không đốt thực bì
Trồng rừng không đốt thực bì đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Sau đây là những chia sẻ của người trong cuộc tại Hợp tác xã Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Đây là lô đất rừng trồng keo của xã viên Hợp tác Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sau một chu kỳ khai thác, thay vì đốt thực bì, toàn bộ lá, cành, ngọn đã được chủ rừng giữ lại trên mặt đất để chuẩn bị trồng mới. Chủ rừng cho biết, so với trồng rừng chu kỳ ngắn và đốt thực bì, phương thức trồng rừng này đem lại nhiều lợi ích.
Ông Văn Bình, xã viên HTX Phú Hưng:“Đốt là hắn hư đất, chai đất. Thứ 2 nữa là cỏ lên trâu bò ra phá mà để lại cấy ni là giữ được độ mùn. Đầu tư 1 lần nhưng 10 năm sau anh thu hoạch dần dần nhưng lại có hiệu quả tốt, cây cao, to; trị giá 200 triệu/1ha”
Hợp tác xã Phú Hưng có 170 ha rừng và tất cả đều là rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC. Từ 10 năm nay, rừng của xã viên hợp tác xã Phú Hưng không đốt thực bì sau khai thác. Nhiều chủ rừng tại xã Hải Phú hiện cũng đã bỏ dần việc đốt thực bì sau khai thác. Nhưng để có được kết quả đó là cả một quá trình vận động lâu dài để từng bước thay đổi tư duy người trồng.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Hưng: “Bước đầu, họ nhận thấy, rừng của xã viên HTX trồng một lúc với nhau và phân tro bỏ giống nhau nhưng cái rừng của HTX không đốt thực bì sau 3 năm phát triển nhanh hơn đối với rừng đốt thực bì từ đó người dân thay đổi dần”
Theo ông Minh, quy trình trồng rừng không đốt thực bì sau khai thác cũng không quá phức tạp. Lá, cành ngọn để lại trên mặt đất sau khi khai thác sẽ tạo thành lớp thảm thực bì chống rửa trôi đất; lớp mùn hữu cơ sẽ cung cấp chất dinh dưỡng lâu dài cho cây trồng. Điều quan trọng là người trồng rừng không nóng vội và phải tuân thủ quy trình. Trồng rừng không đốt thực bì, ngoài việc đem lại hiệu quả cao về kinh tế còn đem lại nhiều lợi ích về môi trường và đây cũng là một trong những điều kiện để các sản phẩm từ gỗ rừng trồng Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính. Vì vậy, trồng rừng không đốt thực bì cần được khuyến khích mở rộng.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Hưng: “Không đốt thực bì thì chúng tôi khai thác trước khi đào lỗ 2- 3 tháng. Lúc đó, người dân đi trồng cũng dễ, máy đào cũng dễ, tiện cho vấn đề trồng và đào lỗ. Anh thấy, ở đây thực bì mục nát, máy đào dễ. Cũng khuyến cáo người dân, nếu có rừng nhiều nên trồng rừng gỗ lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, môi trường luôn luôn có màu xanh so với rừng đốt, rừng khai thác 4-5 năm”.
Quảng Trị hiện có trên 120 nghìn ha rừng trồng. Địa phương này đặt mục tiêu trong tương lai sẽ trở thành trung tâm gỗ rừng trồng nguyên liệu khu vực miền Trung. Để đạt được mực tiêu đưa đời sống người trồng rừng ngày càng nâng cao; sản phẩm gỗ rừng trồng đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu thì trồng rừng FSC, rừng gỗ lớn không đốt thực bì sau khai thác cần được khuyến khích mở rộng.