| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục kiến nghị một số bất cập của Luật Trồng trọt

Thứ Năm 11/05/2023 , 09:18 (GMT+7)

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) tiếp tục có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiến nghị một số bất cập trong thực hiện Luật Trồng trọt.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội về giống cây trồng liên tục có văn bản gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị những bất cập trong thực hiện Luật Trồng trọt. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội về giống cây trồng liên tục có văn bản gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị những bất cập trong thực hiện Luật Trồng trọt. Ảnh minh họa.

Văn bản của VSTA cho biết, Luật Trồng trọt mới (có hiệu lực chính thức ngày 1 tháng 1 năm 2020), có nhiều cái được, cái mới, nhưng cũng có nhiều điều luật còn bất cập, khó hiểu, khó thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Mâu thuẫn, bất cập trong bản thân Luật Trồng trọt và các luật khác

1. Tại Mục 2: Công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành.

Điều 13. Yêu cầu chung về công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Khoản 1 của điều này quy định: Giống thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp quyết định công nhận lưu hành… và trong quy định này có đoạn: "Trừ trường hợp nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để XUẤT KHẨU".

Bài liên quan

Nhưng, tại Mục 6 của chương này, quy định về xuất, nhập khẩu giống cây trồng, tại Điều 28, khoản 2, lại “phủ định” quy định tại Điều 13 với quy định rằng: Giống cây trồng và hạt lai của giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành và không thuộc danh mục, nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu lại CHỈ được xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo… không vì mục đích thương mại và phải được Bộ NN-PTNT cho phép.

Thực tế một số doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp có vốn FDI hiện đang tổ chức sản xuất hạt lai F1 các giống ngô lai, ngô chuyển đổi gen - GMO, lúa lai theo hình thức “GIA CÔNG” để xuất khẩu, làm theo đặt hàng của nước khác.

Cộng đồng VSTA với hi vọng lớn mạnh và Việt Nam trở thành một quốc gia, một trung tâm sản xuất giống của khu vực, điều đó mang lại lợi ích lớn về thu nhập cho nông dân tham gia mạng lưới và chúng ta cũng học hỏi được kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài. Lẽ ra nhà nước nên khuyến khích và ủng hộ việc này, nhưng với quy định “tréo ngoe” như trên quả là khó cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu giống.

Sản xuất giống ngô lai GMO phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản xuất giống ngô lai GMO phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Dương Đình Tường.

2. Tại Điều 15 của mục 2: Công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng; Quy định về cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

Về tổng thể, vì là luật khung nên Luật này không quy định rõ chi tiết và hướng dẫn chi tiết hơn là ở các văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ.

Khái niệm “Công nhận lưu hành” ở Luật Trồng trọt là mới, nó được thay cho khái niệm “Công nhận giống cây trồng mới” trong Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH trước đây. Tuy nhiên Luật cũng như Nghị định 94/2019/NĐ-CP cũng không chi tiết để có biện pháp xử lý khác nhau giữa các giống đã được công nhận giống mới, đã, đang tồn tại trong sản xuất từ vài năm đến hơn chục năm trước khi thực thi Luật Trồng trọt và giống sẽ được công nhận lưu hành theo quy định của luật này.

Việc gia hạn lưu hành các giống đã được công nhận trước đây nhưng đã quá 10 năm như quy định tại khoản 2, điều 15 Luật Trồng trọt hiện đang gây nhiều khó khăn, bất cập cho sản xuất kinh doanh giống cây lương thực của các doanh nghiệp.

Thứ nhất: Mốc giới hạn 10 năm với một giống mới của cây hàng năm và 20 năm với cây lâu năm sau đó được gia hạn công nhận lưu hành là con số cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và không tương thích với quy định về sở hữu trí tuệ, phần bảo hộ giống cây trồng.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2018, Mục Bảo hộ giống cây trồng quy định thời gian được bảo hộ với giống cây hàng năm là 20 năm và cây thân gỗ là 25 năm. Việc không tương thích giữa 2 luật đẻ ra thủ tục phải thực hiện việc gia hạn tiếp để sản xuất, kinh doanh khi mà thời gian bảo hộ vẫn còn; việc gia hạn được tiếp tục 10 năm nữa nhưng sẽ chỉ còn một số năm để giống này được độc quyền bởi cơ quan tác giả. Điều này gây tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội và của doanh nghiệp.

Việc gia hạn công nhận lưu hành giống được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội giống cho rằng đang có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc gia hạn công nhận lưu hành giống được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội giống cho rằng đang có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ hai: Thực tế lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng tồn tại các giống đã được công nhận giống mới và có trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh gồm:

- Giống mới của các tác giả, cơ quan tác giả nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội và công nhận có bảo hộ quyền tác giả. Những giống này nếu vẫn còn được nông dân chấp nhận và sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì các tác giả, đơn vị tác giả sẽ phải tự làm các thủ tục đăng ký gia hạn lưu hành của mình bằng cách gửi tiếp mẫu giống để thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát các loại sâu bệnh hại hoặc điều kiện ngoại cảnh theo quy định. Việc này gây thêm chi phí tốn kém cho đơn vị sản xuất giống và cuối cùng thì nông dân phải gánh chịu.

- Giống đã được công nhận giống mới và không bảo hộ quyền tác giả (trong quyết định không có thời hạn) và có trong danh mục giống sản xuất kinh doanh nhưng đã quá hạn 10 năm thậm chí 15 hoặc 20 năm theo quy định mới của Luật Trồng trọt tại Điều 85, Chương 7, Điều khoản chuyển tiếp luật này. Các giống thuộc diện này phải gia hạn công nhận lưu hành, và thời hạn chỉ đến hết 2022, sang đến 2023 nhiều giống đã cũ không còn đủ tiêu chí để gia hạn nữa.

Vấn đề phức tạp ở chỗ các giống này từ trước tới nay tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện, được các tỉnh cấp mã số đều được phép nhân lọc và sản xuất giống cấp để kinh doanh, không ít các đơn vị cũng có những công sức và đóng góp cho việc công nhận những giống mới này.

Một loạt các giống không bản quyền như Khang dân, Q5 (Quảng tế), Hương thơm 1 (HT1), Bắc thơm 7 là các giống thuần mà tác giả là các đơn vị bên Trung Quốc. Hiện các giống này bên bạn đã “giải phóng” không có bất cứ quy định bó buộc nào cho việc chọn lọc, nhân và sản xuất giống cấp để kinh doanh, thậm chí có tác giả đã mất. Việc công nhận giống mới khi được nhập nội vào Việt Nam theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng (Pháp lệnh số 15/2004/PL-UBTVQH) suốt từ đầu những năm 2000, có giống đã gần 20 năm.

Thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong triển khai mà Luật Trồng trọt chưa tính đến. Ảnh minh họa.

Thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong triển khai mà Luật Trồng trọt chưa tính đến. Ảnh minh họa.

Vừa qua một số doanh nghiệp đứng ra làm thủ tục gia hạn quyết định công nhận một số giống mới (nhưng được gọi là gia hạn quyết định lưu hành). Hiện còn khá nhiều giống vẫn được các công ty, đơn vị nhân lọc và sản xuất giống để cung ứng cho nông dân (có kiểm định, kiểm nghiệm theo quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa) như ĐV108, ML48, Jasmin 85, IR17494…, Hoa ưu và IR50404… hoặc là đơn vị tác giả không còn do sát nhập, giải thể hoặc họ không còn quan tâm đến giống đó nữa nên chẳng cần gia hạn lưu hành.

Trong số các giống kể trên, nhiều giống cũng chỉ được công nhận giống mới cho phạm vi các tỉnh phía Bắc (từ Huế trở ra) nhưng đến hiện giờ nó lại được gieo cấy rộng rãi với diện tích hàng trăm ngàn ha ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như Khang dân và HT1, ĐV108…

Theo quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt, tất cả các đơn vị muốn tiếp tục sản xuất kinh doanh các giống đã quá 10 năm đều phải được ủy quyền của tổ chức cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng đó.

Thực tế sản xuất cũng nảy sinh những vấn đề mà các nhà làm luật không tính đến: Đó là những giống mặc dù là không bảo hộ quyền tác giả nhưng có chủ thể đứng ra công nhận giống mới theo pháp lệnh, là giống được các viện, trường, trung tâm chọn tạo ra bằng ngân sách nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đề tài.

Theo luật thì đây là tài sản công vì nó được tạo ra bằng ngân sách của Nhà nước. Một số viện đã đứng ra làm “gia hạn lưu hành” và chia sẻ quyền sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp có nhu cầu không thu phí để đảm bảo ổn định thị trường giống. Tuy nhiên, một số lại ủy quyền cho một doanh nghiệp nào đó đứng ra làm thủ tục “gia hạn lưu hành” và vì bản thân nội dung của quyết định gia hạn lưu hành (quy định trong Phụ lục 4 của Nghị định 94/2019/NĐ-CP mà Cục Trồng trọt cấp) đã thể hiện không đầy đủ và chính xác chủ thể là đơn vị được cấp quyết định công nhận giống mới, còn đơn vị được ủy quyền chỉ đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành thôi; rồi đơn vị này cho rằng, mình đã “sở hữu” các giống được ủy quyền làm gia hạn và gửi công văn đi các địa phương, các doanh nghiệp rằng mình là đơn vị được ủy quyền làm gia hạn lưu hành và bất cứ doanh nghiệp nào muốn chọn lọc, nhân giống để kinh doanh phải “xin phép” và được sự ủy quyền của họ như quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt.

Nhiều giống lúa lai có cơ quan tác giả, tác giả là phía Trung Quốc. Ảnh: Phạm Văn Hưởng.

Nhiều giống lúa lai có cơ quan tác giả, tác giả là phía Trung Quốc. Ảnh: Phạm Văn Hưởng.

Luật thì quy định như vậy, nhưng không có hướng dẫn quy định cụ thể cá nhân, đơn vị được ủy quyền có trách nhiệm và quyền hạn đến đâu nên họ sẵn sàng lợi dụng để biến thành cơ hội làm tiền khiến nhiều đơn vị trong ngành giống bức xúc.

Về các trường hợp xảy ra ngoài thực tiễn như giống lúa ưu thế lai cũng không được bảo hộ tại Việt Nam và cơ quan tác giả, tác giả là phía Trung Quốc như San you 63 (Tạp giao 1), San ưu que 99 (Tạp giao 5), Bắc ưu 64 (Tạp giao 4), Nhị ưu 63, Nhị ưu 838… Một số giống lúa lai hiện vẫn vừa nhập khẩu vừa sản xuất trong nước, việc chủ động sản xuất trong nước vốn được khuyến khích và có hỗ trợ từ các chương trình khuyến nông của nhà nước, chương trình giống quốc gia, đã chủ động sản xuất dòng A, B và R để sản xuất hạt lai.

Việc gia hạn cũng gây nhiều thắc mắc, vì nhiều công ty đã chủ động nguồn giống bố, mẹ, dòng duy trì… sản xuất F1. Có đơn vị đã sản xuất theo kế hoạch của họ rồi, và việc này cũng gây ra lo lắng, bất ổn khi họ sẽ phải xin phép và được ủy quyền của công ty đã đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành. Rất may là tại cuộc họp do VSTA tổ chức hồi tháng 4/2022 tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, lãnh đạo Vinaseed đã tuyên bố sẵn sàng chia sẻ không thu tiền cho các đơn vị sản xuất kinh doanh giống lúa lai Nhị ưu 838.

Vấn đề ở đây là các quy định của luật cũng như các hướng dẫn không minh bạch, nên gia hạn công nhận trở thành vấn đề nóng suốt thời gian vừa qua.

Sản xuất giống ngô lai F1, Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam.

Sản xuất giống ngô lai F1, Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam.

Thứ ba: Việc tự công bố lưu hành với cây trồng không phải cây trồng chính, điển hình là giống rau; các thành viên VSTA nhất trí cần phải tự công bố lưu hành để giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực trạng các tiến bộ về giống rau màu, các doanh nghiệp chọn tạo, sản xuất, xuất nhập khẩu giống rau màu. Song suốt 2 năm chuyển tiếp, họ loay hoay và không biết sẽ phải làm thế nào để tự công bố, vì Luật Trồng trọt quy định như vậy nhưng dưới không hề có một hướng dẫn chi tiết nào về việc này. Nghị định 94/2019/NĐ-CP cũng rất chung chung, và chỉ có 2 khoản của Điều 6 quy định hồ sơ, trình tự, tự công bố lưu hành cùng mấy biểu mẫu tại Phụ lục mẫu số 02.CN và mẫu tại Phụ lục số 4.

Việc công bố giá trị canh tác, giá trị sử dụng do không có giải thích rõ khái niệm, nên cơ quan quản lý cho rằng doanh nghiệp phải khảo nghiệm VCU (khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng; và khảo nghiệm này gồm khảo nghiệm hẹp, khảo nghiệm rộng và khảo nghiệm có kiểm soát như đánh giá sâu bệnh, chống chịu ngoại cảnh nhân tạo) giống như với cây trồng chính, thì mới công bố được giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

Các doanh nghiệp thắc mắc rằng, không hiểu rau gia vị như thì là, húng quế, kinh giới, tía tô, mướp, rau chân vịt… thì khảo nghiệm VCU thế nào, khảo nghiệm kiểm soát cái gì? Họ đề nghị rằng chỉ cần hệ thống và công bố các thông tin về đặc điểm nông học, chống chịu đồng ruộng và năng suất, chất lượng sản phẩm là đủ thông tin giá trị canh tác, giá trị sử dụng rồi.

Luật Trồng trọt mặc dù được thực hiện chưa lâu nhưng đã gặp nhiều vấn đề trong thực tiễn triển khai. Ảnh: Sản xuất giống hành ở Đơn Dương, Lâm Đồng.

Luật Trồng trọt mặc dù được thực hiện chưa lâu nhưng đã gặp nhiều vấn đề trong thực tiễn triển khai. Ảnh: Sản xuất giống hành ở Đơn Dương, Lâm Đồng.

Rau màu là những cây ngắn ngày, quay vòng rất nhanh và giá trị thu nhập rất cao, gấp 2, 3 thậm chí 4 - 5 lần so làm lúa. Một vụ củ cải, cải bắp, su hào, mướp… cho thu hoạch 2 - 4 trăm triệu đồng/ha mà chỉ chiếm đất 50 - 70 ngày, tiến bộ về giống thì rất nhiều, lại là giống ưu thế lai và chúng ta chủ yếu nhập khẩu, nó giúp hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa… mang lại giá trị lớn cho nông nghiệp và nông dân. Những quy định nhiêu khê, không rõ ràng, không cụ thể sẽ làm khó các đơn vị kinh doanh giống, và làm rối loạn thị trường giống, tốn kếm chi phí, nguồn lực xã hội.

Với việc tự công bố và đăng tải danh mục trên cổng thông tin của Cục Trồng trọt hiện đã và đang nảy sinh các vấn đề:

Một số doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia kinh doanh hạt giống rau màu, nhưng biết nhanh chân làm hồ sơ tự công bố lưu hành, tên giống được lấy từ trên mạng, từ các WEB của các công ty đã có thâm niên kinh doanh hạt giống rau màu hàng mấy chục năm, rồi cũng “nhanh chân” các tên giống của họ được đăng tải trên cổng thông tin của Cục Trồng trọt. Khi mà các công ty chính thống với tên chính thống nộp hồ sơ tự công bố, thì ôi thôi cái tên đã bị “hớt” mất rồi. Bao nhãn sản phẩm họ đã làm sẽ phải hủy bỏ vì không còn tên nữa, doanh nghiệp lại mất cả đống tiền.

Hệ lụy là đơn vị chính thống có đối tác chính thống sẽ không nhập được các giống chính thống, còn đơn vị có tên giống trên cổng nhưng không nhập được và không có giống chính thống để kinh doanh, cơ hội cho giống rởm, nhái, kém chất lượng tuồn vào thị trường.

Các quy định về giống lúa là nội dung gây nhiều tranh cãi nhất tại Luật Trồng trọt. Ảnh: Đinh Đức Tùng.

Các quy định về giống lúa là nội dung gây nhiều tranh cãi nhất tại Luật Trồng trọt. Ảnh: Đinh Đức Tùng.

Thứ tư: Cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng.

Công nhận đặc cách được luật quy định là những giống đặc sản, bản địa và những giống tồn tại lâu dài ngoài sản xuất, được địa phương đề nghị (điểm a, khoản 1, Điều 16). Theo hướng dẫn của Nghị định 94, từ “Địa phương” được định vị là Sở NN-PTNT, và tại Phụ lục mẫu số 01.ĐC nghị định 94, đơn vị đề nghị công nhận đặc cách lưu hành giống thì Sở NN-PTNT là đơn vị đề nghị và hiện các quyết định công nhận đặc cách này Cục Trồng trọt đã ghi tổ chức đăng ký đặc cách lưu hành là Sở NN-PTNT, nhưng Sở là cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về nông nghiệp, không có chức năng sản xuất, kinh doanh giống, mà quyết định lưu hành vốn là quy định để sản xuất kinh doanh hợp pháp, nội hàm của quyết định công nhận đặc cách lưu hành không chứa các phạm vi về vùng, về thời gian, có nghĩa rằng giống sẽ được lưu hành ở tất cả các vùng và không giới hạn thời gian.

Vấn đề lại ở chỗ không văn bản nào làm rõ thế nào là giống tồn tại lâu dài? 10 năm, 15 năm…? Và nhiều giống lúa đã tồn tại và đang được sản xuất đã 10, 15 thậm chí 20 năm như Xi23, 13/2 (hay IR17494), Ải 32, VN-10, các giống Séng cù, Nếp cái hoa vàng, tẻ thơm, nếp dâu, nếp bể... thậm chí giống Bắc thơm 7 có thể là giống trong nhóm này.

Khi công nhận “đặc cách lưu hành”, theo đó các công ty trong tỉnh và ở các tỉnh khác muốn có quyền được sản xuất kinh doanh và phải được ủy quyền của Sở NN-PTNT nơi đề nghị công nhận đặc cách lưu hành như quy định tại Điều 22 và Điều 31 của Luật Trồng trọt, nhiều Sở rất băn khoăn giữa việc quyền được ủy quyền và trách nhiệm như thế nào? Không ủy quyền cho công ty ngoài tỉnh có được không? Vì Sở cũng như đơn vị được ủy quyền không có trách nhiệm duy trì tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống này trong quá trình lưu hành theo khoản 2, Điều 31. Thật khó vì không có điều nào, văn bản nào hướng dẫn cả.

3. Các quy định về quyền, ủy quyền của Luật Trồng trọt với giống gia hạn lưu hành không bảo hộ quyền tác giả và giống tự công bố lưu hành xung đột với các quy định trong chương bảo hộ giống cây trồng - Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Sử dụng tài sản công…

4. Về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt tại Điều 9, khoản 1 có quy định: “Sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành, TRỪ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Vậy Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao quản lý về giống cây trồng nông nghiệp có thể ban hành những thông tư hướng dẫn để gỡ khó những trường hợp mà giống không kịp gia hạn lưu hành hoặc không còn tác giả hoặc cơ quan tác giả để gia hạn lưu hành hoặc ủy quyền cho đơn vị khác làm thủ tục gia hạn lưu hành nhằm đáp ứng nhu cầu về giống của nông dân các vùng sinh thái khác nhau? 

5. Một số cây trồng chính (chủ yếu nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp), đến nay đã 3 năm luật có hiệu lực vẫn chưa ban hành được TCVN.

6. Các biểu mẫu tại Phụ lục II, Nghị định 94/2019/NĐ-CP cần bổ sung mục: Cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên công nhận lưu hành giống, gia hạn lưu hành, cấp lại lưu hành…

Một số đề xuất, kiến nghị

- Bộ NN-PTNT sớm trình Chính phủ và Quốc hội đề xuất dự án sửa đổi, bổ sung Luật Trồng trọt.

- Trước mắt trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 94/2019/NĐ-CP nhằm cụ thể, minh bạch và dễ hiểu hơn.

- Trong phạm vi được quy định về trách nhiệm quản lý lính vực: Kính đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các Cục, Vụ xây dựng nhanh và ban hành sớm một thông tư quy định cũng như hướng dẫn Chương II của Nghị định 94 về giống cây trồng, nhằm giải quyết các rào cản, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật Trồng trọt mà Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã tổng hợp báo cáo Bộ trưởng ở mục trên.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.