| Hotline: 0983.970.780

Nuôi con đặc sản cho thu nhập cao: [Bài 3] Dê leo núi đá, ăn cỏ rừng

Thứ Bảy 01/06/2024 , 14:54 (GMT+7)

YÊN BÁI Tận dụng lợi thế núi đá cao, nguồn cây cỏ dồi dào, nhiều hộ dân ở huyện Yên Bình có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các mô hình nuôi dê núi.

Những mô hình nuôi dê núi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nông dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Những mô hình nuôi dê núi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nông dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bỏ trâu, bò chuyển sang nuôi dê vừa nhàn lại thu nhập cao

Gia đình ông Đặng Văn Nhậy, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, Yên Bái bắt đầu nuôi dê từ những năm 2.000, tuy nhiên chỉ nuôi vài con gọi là thêm thắt thu nhập chứ không phát triển kinh tế.

Năm 2022, gia đình ông Nhậy được hỗ trợ 8 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái (hỗ trợ 8 triệu đồng/mô hình nuôi dê từ 30 con trở lên). Từ nguồn vốn này, ông đã sửa sang chuồng trại, mua thêm dê giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Theo ông Nhậy, gia đình ông có 5 ha đất đồi núi đá chỉ phù hợp trồng cây bạch đàn. Nuôi dê trên núi đá, dưới tán rừng bạch đàn rất nhàn bởi dê ăn cây cỏ trong các khe đá nên gần như không mất công chăn thả, không phải đầu tư thức ăn.

Chuồng trại chỉ là nơi tránh mưa, tránh nắng cho dê, có những khi vài ngày mưa lớn, đường lên núi trơn trượt, 2 - 3 hôm các thành viên trong gia đình ông mới lên thăm đàn dê. Đàn dê chỉ phải nhốt khi có hộ dân trong thôn mới trồng cây bạch đàn non hoặc khi có người phun thuốc diệt cỏ để tránh dê bị ngộ độc.

Trong quá trình chăn nuôi, ông Nhậy và các hộ dân trong xã còn được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê.

Chuồng trại nuôi dê của gia đình ông Nhậy được làm trên đỉnh núi, dưới tán rừng bạch đàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Chuồng trại nuôi dê của gia đình ông Nhậy được làm trên đỉnh núi, dưới tán rừng bạch đàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nhậy chia sẻ, trước đây gia đình ông cũng đã nuôi trâu bò nhưng vất vả và thu nhập không cao như nuôi dê. Để nuôi dê thành công phải bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phải phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ và tiêm phòng một số loại vacxin để phòng trừ dịch bệnh.

Thức ăn cho dê phải khô ráo, sạch và không bị ẩm mốc. Nếu dê ăn cỏ còn dính sương đêm dễ bị bệnh chướng bụng, đầy hơi. Vì vậy, khi chăn thả dê không nên thả sớm mà chỉ nên thả khi cỏ đã khô sương, người dân ở đây thường chỉ thả dê vào buổi chiều.

Để phát triển đàn dê, gia đình ông chọn giữ lại những con dê cái khỏe mạnh, màu lông đẹp, riêng dê đực phải đi tìm mua ở nơi khác để tránh trùng gen, từ đó giúp cho dê giống khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon. Với giá dê thịt trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 10 tấn thương phẩm mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng. 

Cũng giống như hộ ông Nhậy, trước đây gia đình ông Đặng Văn Kỷ ở xã Bạch Hà chủ yếu phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2013, tận dụng lợi thế đất đồi núi rộng, ông Kỷ bắt tay vào nuôi dê. Mô hình của ông luôn duy trì đầu đàn hơn 50 con, có lúc cao điểm đàn dê lên đến hơn 70 con, mỗi năm bán dê thịt, dê giống mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng.

Có những khi dê tự đi ăn và đến tối tự về chuồng ngủ. Ảnh: Thanh Tiến.

Có những khi dê tự đi ăn và đến tối tự về chuồng ngủ. Ảnh: Thanh Tiến.

Dê nuôi trên núi đá chủ yếu ăn cây cỏ, lại leo chèo nhiều nên thịt chắc, giàu dinh dưỡng nên được thương lái mua với giá cao ổn định hơn so với dê nuôi nhốt. Sản phẩm có đến đâu được các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến thu mua hết đến đó.

Theo ông Kỷ, một con dê từ lúc sinh ra đến lúc bán thịt nuôi khoảng 7 - 8 tháng, đạt trọng lượng từ 25 - 30kg, nếu nuôi một năm sẽ đạt trọng lượng đến 35kg. Dê cái nuôi khoảng từ 10 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con.

Không giống như trâu, bò, đặc tính của dê leo trèo tốt nên rất phù hợp với đồi cao, núi đá. Nguồn thức ăn của dê chủ yếu là cỏ, giây leo trên các dãy núi, vừa sạch vừa giúp dê kháng bệnh, chắc thịt. Ngoài ra, ông còn cho dê ăn đá muối liếm để bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất, giúp dê ngon miệng và lớn nhanh.

Người dân cũng thường nhốt dê vào buổi sáng, đến chiều khi cỏ đã khô sương mới thả để dê không bị đau bụng. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân cũng thường nhốt dê vào buổi sáng, đến chiều khi cỏ đã khô sương mới thả để dê không bị đau bụng. Ảnh: Thanh Tiến.

Một huyện có gần 300 mô hình nuôi dê

Xã Bạch Hà, huyện Yên Bình là địa phương thuần nông, người dân phát triển kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Những năm gần đây nhận thấy lợi thế của địa phương là địa hình đồi núi đá phù hợp để phát triển đàn dê, các hộ dân tại địa phương đã tích cực đầu tư chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa, chăn thả tự nhiên.

Ông Hà Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho biết, hiện toàn xã có hơn 40 hộ nuôi dê với tổng đàn trên 700 con. Với giá bán dê thịt ổn định từ 130.000 - 140.000 đồng/kg như hiện nay sau khi trừ chi phí, một năm các hộ thu nhập ổn định từ 120 - 150 triệu đồng, tùy theo số lượng đầu đàn.

Từ năm 2020 đến nay, bằng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh, trong xã có gần 20 hộ dân được hỗ trợ 8 triệu đồng/mô hình để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hàng năm, xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho người dân, nhờ vậy đàn dê trên địa bàn được chăm sóc tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Chính quyền xã đang khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi dê thành lập tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong chăn nuôi và phối hợp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Yên Bình chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm “chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dê được nuôi trên núi đá nên có chất lượng thịt ngon, được thực khách ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Dê được nuôi trên núi đá nên có chất lượng thịt ngon, được thực khách ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Yên Bình, nuôi dê nhàn hơn chăn nuôi trâu, bò, lợn, buổi sáng thả chúng lên đồi, chiều tối thì lùa về chuồng. Do dê ăn tạp, nguồn thức ăn lại có sẵn nên chỉ cần mua thêm muối pha nước cho uống, chứ không tốn kém chi phí thức ăn. Đặc biệt, dê sinh sản nhanh, một năm đẻ 2 lứa nên tăng đàn nhanh.

Giống dê bà con hay nuôi chủ yếu là dê cỏ, dê núi có kích thước nhỏ nhưng khoẻ mạnh, chất lượng thịt thơm ngon. So với nuôi trâu, bò, lợn nuôi dê nhàn hơn mà giá bán ổn định. Lượng thức ăn cho dê không cần nhiều, ít phải bổ sung tinh bột, đặc tính hoang dã nên chuồng trại cũng không cần đầu tư lớn. Trung bình mỗi mô hình từ 30 - 40 con sẽ cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm tùy thuộc vào giá cả thị trường.

Trong bối cảnh chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường thì nuôi dê đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Với những tiềm năng, lợi thế về nguồn thức ăn, bãi chăn thả, huyện Yên Bình đang tiếp tục khuyến khích người dân chăn nuôi dê, nhất là ở các xã vùng cao có địa hình núi đá. Ngoài các chính sách hỗ trợ chuồng trại và con giống, các cơ quan chuyên môn của huyện chú trọng tập huấn về khoa học kỹ thuật để phát triển nghề nuôi dê bền vững.

Hiện nay, toàn huyện Yên Bình có gần 300 mô hình nuôi dê với tổng đàn khoảng 8.000 con. Trung bình mỗi mô hình thường nuôi từ 25 - 30 con, đặc biệt có mô hình quy mô gần 80 - 100 con. Trên địa bàn, các hộ nuôi dê chủ yếu theo 3 phương thức gồm: nuôi nhốt tại chuồng, nuôi trên đảo hồ Thác Bà và trên núi đá. Các địa phương phát triển mạnh đàn dê là Tân Nguyên, Mông Sơn, Tân Hương, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Phúc An, Yên Thành, Cảm Nhân, Phúc Ninh và thị trấn Yên Bình.

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi rất thấp

Hiện nay, dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vacxin tại các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn rất thấp.

Đạt thành tựu lớn cùng giải thưởng danh giá, sáng kiến ForwardFarming sẽ được nhân rộng

Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam vừa được vinh danh với Giải thưởng Hợp tác công – tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lê Tai Nung xóa nghèo cho đồng bào Mông

YÊN BÁI Từ vài ha trồng thử nghiệm, đến nay cây lê Tai Nung đã thành vùng hàng hóa gần 200ha, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế, xóa nghèo cho người dân Mù Cang Chải.