Cắm sổ đỏ vay tiền mua hươu giống
Trước đây, bà Đặng Thị Hằng ở thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái từng chăn nuôi trâu, bò, lợn nhưng hiệu quả không cao. Năm 2019, sau khi con trai bà đi tham quan một số trại nuôi hươu cho hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An về đã động viên gia đình áp dụng mô hình này để phát triển kinh tế.
Gia đình bà Hằng quyết định thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay đã mua 3 con hươu sao đực giống ở tỉnh Nghệ An về nuôi với giá 30 triệu đồng/con. Số tiền còn lại sử dụng xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố. Ngoài ra, nhà bà chuyển đổi hơn 4 sào đất soi bãi trồng cây rau màu sang trồng cỏ ngọt làm thức ăn cho hươu.
Theo bà Hằng, hươu sao và loài vật ít bệnh tật, ăn tạp, dễ nuôi, điều quan trọng là chuồng trại phải luôn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ thì hươu mới phát triển tốt. Do lựa chọn những con hươu đực đã trưởng thành về làm giống nên sau hơn 1 năm chăm sóc thì cả 3 con hươu đã cho khai thác nhung.
Để có thêm kiến thức nuôi hươu, gia đình bà Hằng chủ động tìm hiểu thêm kiến thức thông qua sách, báo, mạng internet, từ những người nuôi trước và đúc rút kinh nghiệm dần trong quá trình chăn nuôi.
“Điều quan trọng khi chọn mua hươu giống, phải chọn con có dáng nhanh nhẹn, mắt sáng, cao. Hươu là loài động vật quen sống trong môi trường hoang dã nên khi nuôi nhốt phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh nhằm đảm bảo ăn sạch, uống sạch, ở sạch.
Hàng ngày, cần kiểm tra thể trạng của đàn hươu để kịp thời phát hiện con nào có biểu hiện chán ăn, mắc bệnh để xử lý kịp thời. Thức ăn của hươu dễ kiếm, chủ yếu là cỏ ngọt, khoai lang, các loại quả. Với những con hươu đang trong thời kỳ sinh sản và cho thu hoạch nhung, cần bổ sung thêm thức ăn giàu tinh bột như ngô và củ, quả tươi”, bà Hằng chia sẻ.
Những năm đầu, nhà bà Hằng thu nhập vài chục triệu từ bán nhung, năm 2023, gia đình bà được Hội nông dân cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ nguồn vốn đó, gia đình bà Hằng tiếp tục đầu tư mua thêm hươu cái và mở rộng chuồng.
Đến nay, tổng đàn huơu thường xuyên duy trì từ 25 - 30 con, trong đó có 7 con hươu đực đang cho khai thác nhung, và có 11 con hươu cái sinh sản, còn lại là hươu con. Mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ bán nhung và con giống.
Một kg nhung hươu có giá 20 triệu đồng, hươu giống nuôi 3 tháng có giá từ 13 - 14 triệu đồng. Hươu đực nuôi 3 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch nhung, mỗi năm được khai thác 2 lần, tùy theo độ tuổi sẽ cho trọng lượng nhung khác nhau, thường từ 0,5 - 1 kg/lần. Hươu cái nuôi 2 năm tuổi bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm sẽ đẻ 1 lứa.
Cũng giống gia đình bà Hằng, hộ ông Nguyễn Trung Cấp ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân đã đến với nghề nuôi hươu sao được gần 4 năm nay. Năm 2021, từ nguồn vốn tích cóp của gia đình, ông Cấp đầu từ 100 triệu đồng vào Hà Tĩnh mua 4 con hươu giống gồm 3 con đực và 1 con cái.
Nuôi chưa đầy nửa năm thì hươu cái sinh sản. Hiện, trang trại nuôi hươu của ông Cấp đã nhân đàn lên 15 con, trong đó có 3 con đang cho khai thác nhung thường xuyên, 4 con đang sắp được thu hoạch, còn lại là hươu nái.
Ông Cấp chia sẻ, năm 2023 đàn hươu của ông cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ bán nhung và bán hươu giống. Đầu năm 2024 này, gia đình ông vừa thu được 40 triệu đồng từ bán nhung. Nuôi hươu sao nhàn hơn nhiều so với nuôi trâu, bò bởi nuôi nhốt và lượng thức ăn không đòi hỏi nhiều.
Cả đàn huơu 15 con ăn lượng thức ăn bằng 2 con trâu nên chỉ cần 1 công chăm sóc vẫn rảnh rang. Hiện, gia đình ông Cấp đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt và nhân đàn, dự kiến sẽ suy trì đàn hươu từ 25 - 30 con.
Nuôi hươu vừa nhàn lại hiệu quả cao, nên nhân rộng
Theo quan niệm của người xưa, nhung hươu tươi là một trong 4 vị thuốc bổ có giá trị cao trong bảng thượng dược "sâm, nhung, quế, phụ". Vì vậy, mỗi kg nhung hươu hiện có giá trị khoảng 20 triệu đồng, giá trị kinh tế cao nên nghề nuôi hươu lấy nhung đã trở thành mô hình chăn nuôi phổ biến của nhiều bà con nông dân.
Nhung hươu là phần sừng non của hươu đực mới mọc, chưa bị vôi hóa hoặc cứng lại. Phía ngoài có lớp lông mềm, lông tơ bao phủ. Nhung hươu còn có tên gọi khác là lộc nhung, ban long châu, hoàng mao nhung, huyết nhung,...
Trong y học cổ truyền, nhung hươu là một loại dược liệu quý với những công dụng tốt cho xương khớp, tốt cho tiêu hóa, giúp tinh thần thoải mái, hỗ trợ tăng cường sức mạnh cơ bắp và nhiều tác dụng khác.
Theo kinh nghiệm của những hộ nuôi hươu, hươu ít bị bệnh nhưng quen sống trong môi trường hoang dã nên khi nuôi nhốt phải tuân thủ kỹ thuật và vệ sinh bảo đảm sạch sẽ cả từ chỗ ăn, uống, ngủ. Bù lại, con vật này rất phàm ăn nên có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: cỏ voi, khoai lang, các loại củ, quả…
Trung bình một con hươu trưởng thành 1 ngày ăn khoảng 5 - 7kg cỏ, phụ phẩm từ hoa màu. Với những con hươu đang trong thời kỳ sinh sản hoặc cho khai thác nhung, cần bổ sung thêm lượng thức ăn giàu tinh bột và củ quả tươi.
Hươu đực nuôi đến 3 tuổi bắt đầu cho nhung, lượng nhung thu hoạch được tăng dần theo tuổi của chúng, khoảng từ năm thứ 5 cho đến năm thứ 13 trở đi là cao điểm cho sản lượng cao nhất.
Theo tính toán, mỗi con hươu có thể cho khai thác nhung từ 10 - 15 năm, thậm chí có thể lên tới 25 năm, mang lại doanh thu từ 180 - 250 triệu đồng/con. Nhung hươu sao được coi là nguồn dược liệu quý, được người dùng ưa chuộng, dễ bán trên thị trường nên luôn được khách hàng đặt trước khi cắt.
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Minh Quân cho biết, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi hươu sao, chính quyền xã Minh Quân đang tiếp tục vận động, hỗ trợ cho nhiều người dân tiếp cận với mô hình này.
Xã tổ chức cho người dân có nhu cầu nuôi hươu đi tham quan, tìm hiểu tại một số mô hình hiệu quả trong và ngoài địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn lãi suất thấp của Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân. Khuyến khích người dân thực hiện các mô hình quy mô nhỏ rồi nhân đàn theo khả năng của từng nông hộ.
Tuy là mô hình kinh tế mới nhưng nuôi hươu sao lấy nhung bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, do không tốn nhiều thời gian chăm sóc nên người chăn nuôi vẫn có thể thực hiện được nhiều mô hình kinh tế cùng một lúc. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích, vận động người chăn nuôi nhân rộng mô hình.
Không riêng gì xã Minh Quân, một số địa phương khác tại Yên Bái đã xuất hiện hàng chục mô hình nuôi hươu sao cho hiệu quả kinh tế khá với số lượng đầu đàn khoảng 160 con, tập trung ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn. Tuy nhiên, đa phần các mô hình đều nuôi với quy mô nhỏ, rải rác và tự phát. Chính vì vậy, thời gian tới các ngành chức năng cần quan tâm tuyên truyền phổ biến, tập huấn kỹ thuật nuôi hươu tại các địa phương, cần có chính sách hỗ trợ người dân như thực hiện các mô hình chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.