| Hotline: 0983.970.780

Nuôi con đặc sản cho thu nhập cao: [Bài 1] Dúi gặm tre

Thứ Tư 29/05/2024 , 14:42 (GMT+7)

YÊN BÁI Nuôi dúi không vất vả, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn sẵn có nên ngày càng có nhiều hộ dân lựa chọn để khởi nghiệp làm giàu từ giống vật nuôi này.

LTS: Với lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn thức ăn dồi dào, hàng nghìn nông hộ ở Yên Bái đã và đang lựa chọn phát triển các mô hình con vật nuôi đặc sản theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế. Hướng đi này vừa góp phần bảo vệ, gìn giữ các nguồn gen quý của vật nuôi bản địa vừa mang lại thu nhập cao cho người dân.

Lãi gần 100 triệu đồng/năm từ nuôi dúi

Tình cờ trong một chuyến đi chơi ở huyện Văn Chấn, anh Đinh Xuân Linh ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã được tham quan những trại nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, anh ấp ủ ý định khởi nghiệp bằng cách đưa dúi về nuôi tại quê nhà.

Những mô hình nuôi dúi bước đầu đã mang lại thành công cho các nông hộ ở tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Những mô hình nuôi dúi bước đầu đã mang lại thành công cho các nông hộ ở tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2020, anh Linh đầu tư 12 triệu đồng mua 30 con dúi giống về nuôi. Quá trình chăn nuôi, thấy không vất vả, dễ chăm sóc, tốn ít diện tích làm chuồng, đầu tư thấp... nên anh đã nhân đàn rồi dần dần mở rộng, phát triển đàn dúi đến nay lên gần 150 con.

Để tích lũy kinh nghiệm nuôi, anh tìm thêm thông tin trên internet, thường xuyên vào các hội nhóm nuôi dúi học hỏi, chắt lọc thông tin áp dụng cho phù hợp.

Theo anh Linh, nuôi dúi rất dễ, thức ăn đa dạng, sẵn có ở địa phương, tuy nhiên thức ăn phải khô ráo. Dúi hay mắc bệnh đường ruột, vì vậy người nuôi phải am hiểu và chữa đúng thuốc. Từ khi sinh ra đến 8 tháng là ghép đôi được, khi này dúi có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg.

Dúi là con vật chủ yếu ăn đêm, ngủ ngày, thức ăn đa dạng, sẵn có ở vùng nông thôn miền núi như: tre, nứa, mía, ngô, rau, củ, quả… Do dúi không uống nước, phân khô, không mùi hôi nên cách 3 - 4 ngày mới dọn chuồng 1 lần.

Trại nuôi dúi được làm đơn giản, tốn ít chi phí. Diện tích chuồng nuôi không cần quá rộng, nền lát gạch, chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô rộng 0,5 m2 để chia cặp nuôi sinh sản.

Kỹ thuật nuôi dúi không phức tạp, đầu tư không lớn nên phù hợp với nhiều hộ dân ở nông thôn. Ảnh: Thanh Tiến.

Kỹ thuật nuôi dúi không phức tạp, đầu tư không lớn nên phù hợp với nhiều hộ dân ở nông thôn. Ảnh: Thanh Tiến.

Chuồng dúi phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động; dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào chuồng. Dúi là loài gặm nhấm nên răng mọc dài liên tục, nếu không mài răng sẽ dài dẫn tới không ăn uống được, thi thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng mài răng.

Sau khoảng từ 6 - 7 tháng nuôi, khi con đực và con cái phát ra tiếng kêu biểu hiện động dục thì sẽ tiến hành chọn cặp ghép đôi cho sinh sản. Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 6 con. Khi dúi sinh sản phải cung cấp đủ thức ăn chứa canxi, cho ăn thêm ngô hạt để có sức nuôi con.

Dúi con nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg có thể xuất bán giống. Riêng dúi thương phẩm nuôi 7 tháng, trọng lượng đạt từ 1 kg trở lên là có thể bán thịt.

Trong 2 năm 2022 và 2023, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi dúi của anh Linh thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Hiện, trại dúi của anh thường xuyên xuất bán dúi thịt cho các nhà hàng và thương lái với giá bán 500.000 đồng/kg, dúi giống từ 700.000 - 800.000 đồng/đôi với trọng lượng từ 0,3 - 0,5kg/con.

Nguồn thức ăn cho dúi chủ yếu là tre, nứa và phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguồn thức ăn cho dúi chủ yếu là tre, nứa và phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến.

Đưa dúi má đào Thái Lan về Yên Bái

Ông Đặng Tiến Minh, Giám đốc HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình đã lựa chọn mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan để phát triển kinh tế gia đình và hướng tới nhân rộng trong các thành viên của HTX. Năm 2023, ông quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng trang trại và đầu tư 50 cặp dúi giống.

Theo ông Minh, con dúi dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao và có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định. Giống dúi má đào Thái Lan mới được đưa về Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây, nhu cầu về nguồn con giống trong nhân dân khá lớn, tuy nhiên hiện nay tại địa phương lại rất ít cơ sở sản xuất giống.

Giá dúi má đào thương phẩm dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng/kg. Đây là giống cao sản của Thái Lan, trọng lượng con trưởng thành trung bình đạt 5 - 6kg, thậm chí có con lên đến 8kg, sinh trưởng phát triển nhanh hơn so với các giống dúi ta.

Giống dúi ta hiện nay chủ yếu dúi rừng thuần chủng, trọng lượng thường chỉ từ 1 - 1,5 kg/con, tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi cao. Còn dúi má đào có thể phù hợp với nhiều môi trường, khí hậu nên an toàn hơn cho người chăn nuôi.

Giống dúi má đào Thái Lan có trọng lượng trung bình từ 5-6 kg/con trưởng thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Giống dúi má đào Thái Lan có trọng lượng trung bình từ 5-6 kg/con trưởng thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Con dúi ít bệnh, chỉ thường mắc một số bệnh như bệnh ngoài da, bệnh đường ruột do vệ sinh và thức ăn. Trường hợp dúi bị bệnh đường ruột, thường gặp nhất là bị tiêu chảy, nguyên nhân chủ yếu là do không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trong trường hợp đó, có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống có vị đắng, chát như quả ổi và chuối xanh. Để phòng bệnh tiêu chảy cho dúi, người nuôi không nên cho dúi ăn các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.

Hiện nay, HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc có 12 thành viên, chủ yếu là các hộ dân chăn nuôi ở địa phương. Việc đầu tư xây dựng cơ sở nuôi dúi giống là chủ trương lấy ngắn nuôi dài, phát triển từ mô hình nhỏ rồi nhân rộng. Trước mắt, HTX đầu tư 50 cặp dúi giống, sau đó sẽ nhân rộng và duy trì từ 200  - 250 cặp dúi bố mẹ. 

Ông Minh cho biết thêm, trong vài năm nữa giá dúi thương phẩm vẫn sẽ ở mức cao ổn định, thêm nữa nguồn thức ăn tại địa phương rất dồi dào, nên HTX sẽ liên kết với các hộ dân có nhu cầu để cung ứng dúi giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm dúi thương phẩm.

Kiểm soát nguồn con giống và tìm đầu ra ổn định cho dúi thịt

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro.

Hiện nay, nuôi dúi là một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay dúi không đủ cung cấp cho thị trường nhất là các nhà hàng, khách sạn...

Bên cạnh khuyến khích người dân phát triển nhân rộng các mô hình cũng cần kiểm soát tốt nguồn con giống. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh khuyến khích người dân phát triển nhân rộng các mô hình cũng cần kiểm soát tốt nguồn con giống. Ảnh: Thanh Tiến.

Dúi là động vật hoang dã thuộc loài gặm nhấm thường sống trong hang hốc với nguồn thức ăn chủ yếu là tre, nứa. Những năm gần đây, mô hình thuần hóa và nuôi dúi bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân, đồng thời mở ra hướng chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình với nhiều triển vọng.

Các mô hình nuôi dúi ở tỉnh Yên Bái đa phần do người dân tự phát với quy mô nhỏ. Kỹ thuật cũng tự mày mò tìm hiểu trên internet hoặc qua kinh nghiệm truyền miệng của các hộ nuôi trước.

Chính vì vậy, để phát triển hiệu quả nghề nuôi loại vật nuôi đặc sản sản này, các ngành chức năng như kiểm lâm cần quản lý, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nuôi động vật hoang dã.

Các địa phương cần phải làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích, hỗ trợ các mô hình mới. Các hộ chăn nuôi phải liên kết trong sản xuất, tìm nguồn giống chất lượng và tính toán phương án đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...