| Hotline: 0983.970.780

Nuôi con đặc sản cho thu nhập cao

[Bài 4] Sở hữu đàn vật nuôi đặc sản hàng hóa nửa triệu con

Thứ Hai 03/06/2024 , 07:50 (GMT+7)

Nông dân ở Yên Bái đưa các giống vật nuôi đặc sản vào chăn nuôi, vừa tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào sẵn có, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Hàng nghìn hộ dân ở Yên Bái đã thành công với các mô hình nuôi vật nuôi đặc sản mang lại thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng nghìn hộ dân ở Yên Bái đã thành công với các mô hình nuôi vật nuôi đặc sản mang lại thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong những năm qua, nhiều nông dân ở Yên Bái đã phát triển đàn vật đặc sản, phổ biến là lợn rừng, lợn đen, vịt bầu Lâm Thượng, gà đen, hươu, dê, nhím, dúi, cầy hương... Việc phát triển đàn vật nuôi đặc sản theo quy mô hàng hóa đã góp phần duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loài vật nuôi có nguồn gốc bản địa và mang lại giá trị thu nhập cao.

Tỉnh Yên Bái đã và đang chỉ đạo ngành NN-PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư chuồng trại, con giống, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng vật nuôi đặc sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đưa vật nuôi đặc sản thành hàng hóa chủ lực

Dẫn chũng tôi đi thăm một số mô hình nuôi lợn mông, gà đen và dúi tại địa phương, ông Nguyễn Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết, hiện trên địa bàn xã đã xuất hiện hàng chục mô hình chăn nuôi vật nuôi đặc sản như: gà Mông, lợn đen bản địa, dê, hươu,…

Theo nhận định của các hộ chăn nuôi, các vật nuôi đặc sản bản địa có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Việc phát triển vật nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với vật nuôi khác.

Tuy nhiên, nếu phát triển mô hình nuôi con đặc sản tự phát, không có liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Chính vì vậy, những năm gần đây, cùng với việc phát triển quy mô đàn, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chú trọng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm vật nuôi đặc sản.

Từ khi triển khai Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái (Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025), chính quyền xã Hưng Thịnh đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát hỗ trợ hơn 40 mô hình nuôi các loại vật nuôi đặc sản, trong đó người dân lựa chọn chủ yếu nuôi gà đen, lợn đen.

Các mô hình đều chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại để hướng tới đưa các sản phẩm này trở thành hàng hóa chủ lực đặc sản của địa phương. Trung bình các mô hình này có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Giống lợn đen đặc sản được nhiều nông hộ ở Yên Bái đưa vào chăn nuôi quy mô hàng hóa. Ảnh: Thanh Tiến.

Giống lợn đen đặc sản được nhiều nông hộ ở Yên Bái đưa vào chăn nuôi quy mô hàng hóa. Ảnh: Thanh Tiến.

Người Mông lựa chọn lợn đen, gà đen

Với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao, những năm qua người dân ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đang phát triển mạnh đàn vật nuôi đặc sản bản địa theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch.

Vật nuôi đặc sản mà bà con người Mông lựa chọn chủ yếu là lợn đen, gà đen và dê. Bên cạnh đó, một số hộ dân trong huyện đã thực hiện chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản như: hươu sao, dúi, cá tầm, cá hồi... cho thu nhập cao.

Ông Lương Văn Thư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, đơn vị đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn các hộ dân thực hiện tu sửa, làm mới chuồng trại, đảm bảo diện tích để được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh. Với mức hỗ trợ từ 15 - 40 triệu đồng/mô hình tùy theo quy mô đầu đàn.

Riêng năm 2023, toàn huyện đã tiến hành nghiệm thu 220 cơ sở chăn nuôi lợn được hỗ trợ theo chính sách này, góp phần nâng tổng đàn gia súc chính toàn huyện lên hơn 90.000 con, trong đó đàn lợn đen gần 48.000 con.

Tại huyện huyện Trạm Tấu, bên cạnh đàn lợn đen hơn 20.000 con, hiện nay đồng bào Mông ở đây đang phát triển mạnh đàn gà đen đặc sản. Toàn huyện hiện có khoảng hơn 40.000 con gà đen với trên 1.500 hộ chăn nuôi, trong đó có nhiều hộ nuôi từ 500 - 1.000 con/lứa.

Giống gà đen ở đây có đặc điểm xương đen, nhỏ và cứng, thịt đen, thơm, chắc, ngọt. Hiện, giá bán loại gà đen dao động từ 150 - 180.000 đồng/kg nên việc chăn nuôi quy mô lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước nên ngày càng có nhiều mô hình nuôi gà đen quy mô hàng hóa, giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững.

Ông Đặng Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết: sản phẩm gà đen nằm trong danh sách thực phẩm đặc sản của địa phương, hiện cung chưa đáp ứng đủ cầu. Việc chăn nuôi giống gà đen bản địa không đòi hỏi yêu cầu quá cao, người dân có thể tận dụng hệ thống chuồng trại và nguồn thức ăn tại chỗ.

Với ưu điểm thích nghi tốt điều kiện khí hậu vùng cao nên việc tập trung chăn nuôi giống gà này không chỉ để bảo tồn giống bản địa mà còn góp phần giúp bà con nông dân dễ áp dụng để nâng cao thu nhập.

Bên cạnh khuyến khích phát triển đàn vật nuôi đặc sản, các ngành chức năng Yên Bái cũng cần kiểm soát tốt nguồn con giống và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh khuyến khích phát triển đàn vật nuôi đặc sản, các ngành chức năng Yên Bái cũng cần kiểm soát tốt nguồn con giống và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Toàn tỉnh có đầu đàn vật nuôi đặc sản gần 500.000 con

Có thể thấy, việc nhân rộng và phát triển mô hình vật nuôi đặc sản bản địa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời, là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu chăn nuôi vật nuôi đặc sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, hiện các mô hình con nuôi đặc sản đang được nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, phần lớn mô hình con nuôi đặc sản chủ yếu do các hộ dân tự tìm kiếm, liên kết với các nhà hàng, các khu du lịch để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chứ chưa có mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định.

Để nhân rộng mô hình, phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, các địa phương cần tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển vật nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát.

Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật, đơn vị bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, các đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, thực hiện các biện pháp về phòng, tránh dịch bệnh.

Các ngành chức năng cũng cần tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, không chạy theo phong trào, tự phát. Hướng dẫn các hộ thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, hiện trên địa bàn tỉnh có có đầu đàn vật nuôi đặc sản gần 500.000 con. Trong đó, gà đen gần 150.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên. Đàn lợn đen gần 85.000 con ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên. Đàn Vịt bầu Lâm Thượng hơn 110.000 con ở huyện Lục Yên. Đàn dê hơn 41.000 con phân bố ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh; đàn hươu hơn 160 con tập trung ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn. Ngoài ra, con nhiều mô hình vật nuôi đặc sản khác như dúi, nhím, ba ba, cầy hương, rắn…

Xem thêm
Nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh do chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ còn nhiều bất cập.

Bảo vệ đất trồng lúa cho tương lai

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá thực chất hơn việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Bởi sức khỏe đất là vấn đề nông nghiệp, không hoàn toàn là vấn đề thổ nhưỡng.

Bí thư xã đầu tư công nghệ, nâng tầm đặc sản nếp cái hoa vàng

HẢI PHÒNG Trăn trở với giống nếp cái hoa vàng của địa phương, gia đình ông Lương Thanh Sắc đã đầu tư công nghệ hiện đại để biến những hạt gạo thành sản phẩm có giá trị.