Đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù với nghệ nhân ưu tú. Ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa. Đoàn Văn phòng bang Saskatchewan (Canada) thăm Đồng Nai. Càng nuôi lợn càng lỗ, chủ trại giảm đàn để tập trung phòng chống dịch.
Đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù với nghệ nhân ưu tú
Chiều nay (9/11), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt đoàn đại biểu gồm hơn 100 nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiêu biểu toàn quốc. Tại đây, các đại biểu đã báo cáo thành tích đã đạt được với Chủ tịch nước. Đồng thời nêu lên một số đề xuất, kiến nghị để xây dựng làng nghề Việt Nam ngày một phát triển và bền vững hơn như: xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù với nghệ nhân ưu tú; cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; kết hợp làng nghề với du lịch…Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã lắng nghe và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh bàn tay của những nghệ nhân, thợ giỏi đã đưa những vật liệu thân thiện, gần gũi trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật, chứa đựng nhiều câu chuyện, cảm xúc, phản ánh vẻ đẹp lao động, và cuộc sống của người dân Việt Nam. Chủ tịch nước mong muốn, những đóng góp của các nghệ nhân sẽ lan toả tới thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.
Ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa
Những ngày này, Cảng cá Quy Nhơn tấp nập tàu cá hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa cập bờ bán sản phẩm và lấy nguyên vật liệu cho chuyến biển tiếp theo, tàu nào cũng đầy ắp sản phẩm. Hiện giá bán cá ngừ sọc dưa đang ổn định, nên ngư dân rất phấn khởi.
Theo nhiều ngư dân, thời tiết đã chuyển sang mùa Đông, cũng là mùa cá ngừ sọc dưa xuất hiện dày tại vùng biển khơi. Ngư dân làm nghề lưới vây đang bám biển đánh bắt cá ngừ sọc dưa, sản lượng khá hơn mọi năm. Đây là mùa vụ chính đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Hiện giá bán cá ngừ sọc dưa dao động từ 30 – 32 nghìn đồng một kg.
Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động trên các tàu thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng 1 chuyến biển kéo dài 20 – 25 ngày; ai nấy đều phấn khởi. Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định cũng tăng cường các giải pháp quản lý tàu cá, giám sát sản lượng lên cá; đồng thời khuyến cáo ngư dân theo dõi tình hình thời tiết trên biển để lao động sản xuất an toàn.
Đoàn Văn phòng tỉnh bang Saskatchewan tại Việt Nam thăm Đồng Nai
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, Văn phòng tỉnh bang Saskatchewan tại Việt Nam vừa đến thăm Hiệp hội nhằm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh bang Saskatchewan, Canada trong ngành chăn nuôi, nhất là việc áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay làm giảm phát thải khí carbon ra môi trường, cũng như thông tin về thị trường nhập khẩu, chia sẻ những công nghệ gene trong chăn nuôi heo, bò… Đồng thời, Văn phòng tỉnh bang Saskatchewan tại Việt Nam đã đi thăm các mô hình sản xuất của các thành viên Hiệp hội đang áp dụng công nghệ tiên tiến và đang cung ứng các sản phẩm tốt nhất phục vụ cho chăn nuôi hiện nay. Sắp tới, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với một số hội viên để tiến hành nhập các mặt hàng thiết yếu, công nghệ mới phục vụ cho chăn nuôi an toàn và giảm được giá thành sản xuất, giúp ngành chăn nuôi phát triển tốt hơn. Nhân cuộc gặp này, Văn phòng tỉnh bang Saskatchewan tại Việt Nam cũng chính thức mời đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cùng các doanh nghiệp thành viên trong tháng 11/2023 sang gặp gỡ với các doanh nghiệp tại tỉnh bang, cũng như đại diện chính quyền tỉnh bang Saskatchewan, bao gồm Bộ Nông nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, và tham quan các mô hình chăn nuôi tiên tiến tại đây.
Càng nuôi lợn càng lỗ, chủ trại giảm đàn để tập trung phòng chống dịch
Do ảnh hưởng của việc lợn hơi giảm giá và dịch tả lợn Châu Phi, những năm gần đây trang trại của anh Nguyễn Thái Huy, ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nuôi càng nhiều lỗ càng nặng. Để cắt giảm chi phí, anh Huy quyết định giảm tổng đàn lợn nái từ 650 con xuống còn 350 con để dồn nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. Hiện trang trại đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải khép kín bằng công nghệ vi sinh. Theo đó, toàn bộ chất thải chăn nuôi sau khi tách lọc bằng máy ép phân được đưa vào bể biogas, rồi chuyển sang khu vực bể lắng sử dụng hệ thống vi sinh xử lý các độc tố và mùi hôi. Nước thải khi đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường được tái sử dụng để vệ sinh chuồng trại nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả phòng dịch bởi trong nước thải này có chứa một lượng lớn men vi sinh, giảm thiểu mùi hôi rất hiệu quả.