Nâng cấp 8 hồ chứa lớn, tăng dung tích thêm 360 triệu m3. Quốc tế đồng hành giúp ĐBSCL thuận thiên với biến đổi khí hậu. Xây dựng Cúc Phương thành Vườn quốc gia kiểu mẫu về trải nghiệm thiên nhiên. Doanh nghiệp Cộng hòa Séc tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Nâng cấp 8 hồ chứa lớn, tăng dung tích thêm 360 triệu m3
Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ NN-PTNT công bố vào sáng nay.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đây là Quy hoạch có tầm nhìn và định hướng dài hạn, tổng thể, giải quyết những tồn tại, thách thức liên vùng, liên tỉnh; làm cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thủy lợi, phòng, chống thiên tai và quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, quy hoạch cũng đã đề xuất xây dựng các công trình kết nối, điều hòa, liên kết, chuyển nước, tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực.
Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 sẽ tưới, cấp nước cho 3,2 triệu ha lúa; 70% - 90% diện tích cây trồng cạn, cây ăn quả, cây công nghiệp và rau màu; Cấp đủ nước cho sinh hoạt nông thôn, chăn nuôi, thủy sản tập trung; tạo nguồn cấp cho đô thị, công nghiệp và nhu cầu khác. Đồng thời, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi và chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước. Bên cạnh đó, thực hiện nâng cấp 8 hồ chứa lớn, tổng dung tích tăng thêm 360 triệu m3.
Quốc tế đồng hành giúp ĐBSCL thuận thiên với biến đổi khí hậu
Trước thềm Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào chiều nay, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã tiếp song phương một số đối tác: Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), RMIT Việt Nam, Mekong Capital.
Các bên đã chia sẻ và trao đổi về các giải pháp, khả năng hỗ trợ triển khai các dự án giúp các địa phương vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Tổ chức SNV cam kết hỗ trợ 100% các giải pháp thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL. Trong đó ưu tiên cho chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Xây dựng Cúc Phương thành VQG kiểu mẫu về trải nghiệm thiên nhiên
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương thông tin, Cúc Phương có giá trị lớn về đa dạng sinh học, với hơn 58% số họ, 36% số chi và 17% số loại thực vật của Việt Nam. Động vật có nhiều loại đặc hữu như sóc bụng đỏ, cá niết hang, voọc mông trắng...
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, VQG đã triển khai nhiều chương trình phát triển du lịch sinh thái, đặt nền móng cho loại hình này tại nhiều khu rừng đặc dụng trên cả nước.
Trong thời gian tới, ông Chính hy vọng, Cúc Phương sẽ kế thừa được những thành quả hiện có như 5 lần được vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á, để trở thành VQG kiểu mẫu về giáo dục môi trường rừng và trải nghiệm thiên nhiên.
Doanh nghiệp Cộng Hòa Séc tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng Hòa Séc, chiều 20/3, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Cộng Hòa Séc với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực chăn nuôi, đồ uống.
Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Cộng Hòa Séc, ngài Marek Výborný cho biết, nông nghiệp là một trong những ngành truyền thống của nền kinh tế Cộng Hòa Séc. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thế giới như bia, mạch nha, các sản phẩm từ sữa và thịt, bánh kẹo.. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng Hòa Séc kỳ vọng việc tham gia diễn đàn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp đôi bên tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư cùng doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tin tưởng rằng, với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, và kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến nông sản của Cộng Hòa Séc, hai bên có thể đầu tư, chuyển giao công nghệ trong chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, các sản phẩm chăn nuôi, thuốc thú y…