PGS.TS Nguyễn Đức Bách (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cần chứng minh giá trị kinh tế của công nghệ sinh học để hỗ trợ các bạn trẻ nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Đức Bách, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là một trong những sinh viên đầu tiên theo học ngành công nghệ sinh học tại Đại học Khoa học Tự nhiên. “Từ khi còn trẻ, tôi mang trong mình khát khao tạo ra những đột phá, những giống cây trồng và vật nuôi có giá trị thực tiễn và có thể thương mại hóa”, ông Bách bày tỏ.
Trải qua 15 năm, ngành công nghệ sinh học ngày càng thu hút sự quan tâm của sinh viên. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được nuôi dưỡng đam mê từ ghế nhà trường.
“Quan trọng hơn, chúng ta cần phải chứng minh giá trị kinh tế của công nghệ sinh học và cung cấp khả năng tài chính để hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi nghề nghiên cứu khoa học lâu dài. Học viện Nông nghiệp đang nỗ lực giúp các bạn sinh viên tiếp cận với thực tiễn ngay từ sớm”, PGS. TS Nguyễn Đức Bách nói.
Để thực hiện các nghiên cứu, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển. PGS.TS Bách đề xuất cần có thêm đầu tư, không chỉ vào nhân lực mà còn vào cơ sở vật chất. Các chương trình nghiên cứu cần được đầu tư để các sinh viên có thể triển khai một cách bài bản từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến khảo nghiệm có kiểm soát trong nhà màng.
Hiện nay, nhiều vướng mắc chính sách đã khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với doanh nghiệp. Nhiều dự án có giá trị khoa học cao nhưng không thể được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Theo ông Bách, các nhà quản lý cần điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào sản xuất thực tế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội từ công nghệ sinh học.