Phó Chủ tịch nước thăm, tặng quà nhân dân vùng lũ Sơn La. Nhiều tỉnh phía Bắc còn thờ ơ với cây sắn. Dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Phú Yên quá tải lồng nuôi thủy sản.
Phó Chủ tịch nước thăm, tặng quà nhân dân vùng lũ Sơn La
Quang Dũng sx
Sáng nay, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả do lũ ống, lũ quét; thăm và tặng quà các gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ trên địa bàn xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn và xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ với những thiệt hại, khó khăn bà con nhân dân phải hứng chịu trong đợt mưa lũ vừa qua. Đoàn công tác cũng đã trao tặng tỉnh Sơn La 700 triệu đồng khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2024, và trao 200 triệu đồng cho trẻ em bị ảnh hưởng do thiên tại tỉnh Sơn La; tặng 50 suất quà, trị giá 3,5 triệu đồng/suất cho 50 gia đình tại xã Mường Chanh và Bản Lầm bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua.
Nhiều tỉnh phía Bắc còn thờ ơ với cây sắn
Thanh Tiến sx
Thông tin tại Hội nghị Sản xuất sắn trên đất dốc các tỉnh phía Bắc vào sáng nay, Cục Trồng trọt cho biết, năm 2023, tổng diện tích sắn cả nước đạt trên 511.000 ha, trong đó diện tích sắn của các tỉnh phía Bắc chiếm khoảng 30%. Năng suất bình quân đạt 147,2 tạ/ha, sản lượng đạt 2,3 triệu tấn. Tuy nhiên, sự phát triển sắn ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều hạn chế, người dân trồng sắn theo hình thức quảng canh, không đầu tư, sản xuất bị động, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu còn hạn chế; thiếu đầu tư nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc dẫn đến năng suất thấp. Các địa phương còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn, nhiều địa phương chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển.
Để phát triển ngành hàng sắn bền vững, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị trong thời gian tới cần rà soát xây dựng các quy trình sản xuất sắn trên đất dốc theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện sinh thái; tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, có quy trình hoàn thiện để người trồng sắn dễ áp dụng thực tế.
Dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa
Phương Chi SX
Theo ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay đã có 150 con bò sữa bị chết trên tổng số 3.700 bị nhiễm bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn đang tập trung để chỉ đạo, điều chỉnh và có những biện pháp phòng chống để giảm thấp nhất thiệt hại xảy ra. Trước mắt tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung cách ly số bò bị bệnh, thực hiện tiêu độc khử trùng toàn diện, cử cán bộ thú y đến hỗ trợ cho các hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ hóa chất để tiêu độc khử trùng và các loại vật tư, nước, chất dinh dưỡng… để giảm bớt thiệt hại thấp nhất.
Bên cạnh đó, từ ngày 8/8 Cục Thú y cùng các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức phân tích, kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, đồng thời tập trung điều trị, xác định nguyên nhân gây bệnh trong thời gian vừa qua.
Phú Yên quá tải lồng nuôi thủy sản
Kim Sơ sx
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 186.000 lồng nuôi trồng thủy sản, gấp 3,8 lần so với quy hoạch theo Nghị quyết số 99 ngày 8/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và tăng 87% so với năm 2019. Trong đó, thị xã Sông Cầu có khoảng 134.600 lồng, gấp 4,4 lần so với quy hoạch và tăng 66% so với năm 2019. Tiếp đến là thị xã Đông Hòa có 38.500 lồng, gấp 5,3 lần so với năm 2019. Huyện Tuy An có hơn 12.900 lồng, dù không vượt quá quy hoạch song nhiều lồng bè nuôi ngoài vùng quy hoạch theo Nghị quyết số 99.
Điều đáng nói, thời gian gần đây, tình trạng tôm hùm, cá biển tại thị xã Sông Cầu liên tục bị chết do môi trường. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do mật độ lồng nuôi quá dày.