| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Vòng tròn thủy sản 'nhìn từ Quảng Ninh'

Thứ Hai 01/04/2024 , 10:36 (GMT+7)

Mượn ý nghĩa của vòng tròn thủy sản đồng tâm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Quảng Ninh sẽ tiên phong trong sứ mệnh làm giàu từ biển bằng nuôi biển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Ảnh: Đinh Tùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Ảnh: Đinh Tùng.

“Hãy đóng tàu để biết đại dương đẹp”

Chia sẻ cảm xúc tại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận mình là người may mắn khi trong cả ngày hôm qua, 31/3, ông có nhiều cơ hội “chạm” tới mảnh đất và con người Quảng Ninh.

“Hôm qua một lần nữa tôi được “chạm” vào Quảng Ninh, “chạm” vào Cô Tô, Vân Đồn…, "chạm" vào mặt biển, “chạm” vào cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm nuôi biển… Những cảm xúc ấy giúp cho tôi có niềm tin vào cộng đồng đầy sự tự tin, quyết tâm. Chúng ta sẽ hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển… nếu chúng ta xây dựng được môi trường sinh thái nuôi biển bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng theo lời của người đứng đầu ngành nông nghiệp: “Không có việc gì chúng ta không thể làm được khi chỉ trong 2 năm, Quảng Ninh đã loại bỏ, thay thế được hơn 10 triệu phao xốp, dọn sạch được biển; hơn 100 HTX dịch vụ nuôi biển được thành lập ở tỉnh. Đó là những thành tựu to lớn mà Quảng Ninh đã làm được. Điều đó cho thấy, khi hiểu được những việc mình làm, hiểu được mục tiêu, sứ mệnh của mình thì chúng ta sẽ có cách thức để hiện thực hóa giấc mơ đó.

Nuôi biển là nuôi giá trị biển, cả giá trị hữu hình và vô hình. Nghị quyết 36 có một cụm từ, gọi là “văn hóa biển”. Nếu chúng ta kiểm đếm giá trị hữu hình là bao nhiêu, xuất được bao nhiêu đô-la, sản lượng bao nhiêu tấn thì nó là khác. Các doanh nghiệp, cộng đồng ngồi đây nên hiểu rằng, chúng ta nuôi biển để giải quyết nỗi đau của biển khi mỗi ngày mỗi cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường…; nỗi đau của những ngư dân khi họ hiểu rằng, hằng ngày họ khai thác tận diệt bằng thuốc nổ, lưới ma… mà vẫn không từ bỏ biển được, hằng ngày vẫn phải ra khơi.

Nuôi biển để biển nuôi lại mình. Ảnh: Đinh Tùng.

Nuôi biển để biển nuôi lại mình. Ảnh: Đinh Tùng.

Chúng ta xác định, nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột của kinh tế biển: giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển… Khi có mục tiêu, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn này.

Khó khăn chỉ chấm dứt khi và chỉ khi chúng ta hành động. Tôi đề nghị cần xác định nuôi biển hướng tới mục tiêu gì? Đó là sự tăng trưởng của các địa phương… Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người. Mục tiêu của chúng ta xa lắm, sâu lắm, trách nhiệm của chúng ta hôm nay để làm giàu cho biển, một khi chúng ta làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta".

Dẫn hình ảnh vòng tròn logo của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phân tích: "Đây là biểu tượng vòng tròn thủy sản đồng tâm, đồng lòng; chia sẻ vòng tròn thủy sản với nhau sẽ tạo nên những vòng tròn đồng tâm mà bán kính của nó sẽ mỗi ngày một rộng ra; ở đó có người dân, chính quyền cùng bảo vệ. Nếu bỏ qua vai trò của người dân, vai trò của cộng đồng, chúng ta sẽ thất bại…".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Khi tôi nói giảm khai thác, tăng nuôi trồng, chúng ta phải theo đuổi đến đến cùng. Phát triển bền vững không quá phức tạp như chúng ta nghĩ, hãy hiểu như thế này “đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nuôi biển bền vững là nuôi dưỡng tương lai.

Đừng xui người dân lên rừng đốn gỗ. Hãy chỉ cho họ đại dương đẹp như thế nào để họ dùng cây gỗ đó đóng tàu. Tác giả Hemingway trong “Ông già và biển cả” có viết: “Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt, nhưng không thể bị khuất phục”. Cuộc hành trình đơn độc và khó khăn của một ông lão mang đến cho chúng ta nhiều bài học và thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, sức mạnh của con người vượt qua mọi khuôn khổ, đứng ngang bằng và làm chủ cả thiên nhiên. Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều đã bị thất bại ít nhất một lần. Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta không nản lòng và đối diện với thất bại, quyết tâm đến cùng, luôn lạc quan và có niềm tin, hy vọng trong những lúc khó khăn nhất thì chắc chắc cơ hội sẽ đến với mỗi chúng ta”.

Vì sao “nhìn từ Quảng Ninh”?

Tâm đắc với những thành tựu mà Quảng Ninh đạt được trong 2 năm qua khi địa phương này đã thực hiện thành công chủ trương hoán đổi hơn 10 triệu phao xốp thành phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường; thành lập hơn 100 HTX dịch vụ nuôi biển - những cá thể riêng lẻ được tập hợp trong một tổ chức, “đi cùng nhau để đi xa hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: “Hội nghị Phát triển nuôi biển bền vững - Nhìn từ Quảng Ninh” còn có ý nghĩa, tỉnh Quảng Ninh sẽ là địa phương tiên phong, là “tâm điểm” của vòng tròn thủy sản. Từ đó lan tỏa, mở rộng thêm các vòng tròn đồng tâm khác, vòng tròn của sự quyết tâm, phát triển, đồng lòng…

Nuôi biển đa giá trị, đa mục tiêu và khát vọng, đó là mục tiêu Quảng Ninh đang hướng tới. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi biển đa giá trị, đa mục tiêu và khát vọng, đó là mục tiêu Quảng Ninh đang hướng tới. Ảnh: Kiên Trung.

Cá heo liên tục xuất hiện ở biển Quảng Ninh, đó là một tín hiệu tốt lành. Tại sao hơn 10 triệu phao xốp vẫn có thể thay đổi, dẹp bỏ được? Biển Quảng Ninh trong con mắt của khách nước ngoài ngày càng đẹp hơn, sạch hơn… Sự quyết tâm, năng động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân cho thấy, Quảng Ninh đã sẵn sàng hạ tầng nuôi biển, đó là những hạ tầng cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng xã hội, hạ tầng con người; đã xây dựng được hệ sinh thái nuôi biển…

Quảng Ninh có mô hình độc đáo nuôi biển công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm. Quảng Ninh đã chọn ngành thủy sản để thành trụ cột nền kinh tế của mình trong thời gian tới".

Sau Hội nghị này, rồi sao nữa?

Nhấn mạnh rằng, Hội nghị được tổ chức là cơ hội để các cơ quan quản lý, các chủ thể nuôi biển, cộng đồng ngồi cùng nhau để nhìn thẳng vào sự thật, những tồn tại, vướng mắc để từ đó bàn biện pháp, giải pháp tháo gỡ. “Nhưng, điều quan trọng, đó là sau Hội nghị này, rồi sao nữa?”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thăm mô hình nuôi biển trên biển Vân Đồn. Ảnh: Kiên Trung.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thăm mô hình nuôi biển trên biển Vân Đồn. Ảnh: Kiên Trung.

Đặt câu hỏi để dẫn giải câu trả lời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết tại Hội nghị: Bộ NN-PTNT sẽ ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc, nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ, không khuyến khích bà con nuôi biển khi trên biển còn quá nhiều các hàng rào; mong bà con hãy hết sức bình tĩnh để chúng ta cùng giải quyết từng phần; sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua.

Cùng các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu, để các sản phẩm thủy sản trở thành các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm…

Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển, sẽ có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân.

Nuôi biển kết hợp với du lịch trải nghiệm sẽ là mô hình trong tương lai. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi biển kết hợp với du lịch trải nghiệm sẽ là mô hình trong tương lai. Ảnh: Kiên Trung.

Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần có sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương - cộng đồng doanh nghiệp - các Viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế; Tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển; người nuôi biển hay có sinh kế gắn với nuôi biển”.

Nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện “thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó” và ngược lại.

“Thường thì chúng ta nhìn vào một thứ thì chúng ta sẽ dễ dàng bỏ quên các thứ khác. Nhìn từ Quảng Ninh là nhìn vào tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản, nhìn vào thực trạng nuôi biển còn nhiều tồn tại để biết, rồi chúng ta phải nuôi trồng theo những cách thức mà thế giới đang tiếp cận. Đã có giấc mơ phải mơ lớn hơn nữa; đã có tham vọng thì phải tham vọng lớn hơn nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển