Thành lập mạng lưới nhà báo truyền thông ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã. Chi phí logistics kéo giá thành nông sản tăng cao. Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm hành chính về phân bón. Xuất khẩu thủy sản năm 2023 dự kiến chỉ đạt 9 tỉ USD.
THÀNH LẬP MẠNG LƯỚI NHÀ BÁO TRUYỀN THÔNG NGĂN CHẶN BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Sáng 13/6, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức TRAFFIC International tổ chức hội thảo tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Theo TS Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc CITES Việt Nam, Việt Nam được biết đến như là một nơi có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng cao. 407 loài động vật của Việt Nam vào sách đỏ năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng và đặc biệt Việt Nam có 7 Loài động vật nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới. Chính vì vậy, thành lập Mạng lưới nhà báo, phóng viên cùng chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực, hỗ trợ và phối hợp thực hiện các hoạt động báo chí, truyền thông, góp phần ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật là một trong những mục tiêu chính của dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp đang được triển khai tại Việt Nam. Cùng chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo NNVN, cho rằng, Dự án sẽ đóng góp vào hành trình hiện thực quá những cam kết Phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên của Chính phủ Việt Nam chống buôn bán động vật hoang dã.
CHI PHÍ LOGISTICS KÉO GIÁ THÀNH NÔNG SẢN TĂNG CAO
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - VLA, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa - GDP của Việt Nam đang ở mức 16,8%, cao hơn hẳn so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan. Đáng chú ý, thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị đội giá cao, không phải do chất lượng được nâng cao, mà tới từ chi phí logistics tăng mạnh. Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chi phí logistics trong ngành nông sản rất cao, chiếm khoảng 20-25% giá thành sản phẩm. Việc bị phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản để mở rộng thị trường xuất khẩu. Địa bàn hoạt động của các tàu container nội địa rất hẹp, chỉ loanh quanh trong khu vực trong khi các hãng tàu nước ngoài “ôm” hết các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ. Do đó, khi muốn mở rộng sang các thị trường tiềm năng, doanh nghiệp bị phụ thuộc vào cước phí, lịch trình của hãng tàu nước ngoài, khó có được sự lựa chọn tối ưu.
PHẠT ĐẾN 200 TRIỆU ĐỒNG NẾU VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PHÂN BÓN
Theo Nghị định 31/2023 của Chính phủ quy định mức xử lý vi phạm quy định về sản xuất phân bón vừa được Chính phủ ban hành, người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có bằng đại học đúng chuyên ngành bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Về vi phạm trong nhập khẩu phân bón, khung phạt dao động từ 5-25 triệu đồng. Mức phạt cao nhất, áp dụng cho giá trị lô hàng từ 100 triệu đồng trở lên. Với vi phạm trong hoạt động lấy mẫu, thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón, phạt từ 5-50 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt sẽ gấp 2 lần. Như vậy, nếu một tổ chức vi phạm các quy định hành chính về quản lý phân bọt, số tiền phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN NĂM 2023 DỰ KIẾN CHỈ ĐẠT 9 TỈ USD
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Vasep, sau khi đạt kỷ lục gần 11 tỉ USD năm 2022, xuất khẩu thủy sản năm nay đang giảm mạnh và dự kiến chỉ ở quanh mức khoảng 9 tỉ USD. Cụ thể, xuất khẩu tôm trong năm 2023 đạt 3,5 tỉ USD, cá tra đạt 1,9 tỉ USD và hải sản đạt 3,6 tỉ USD. Từ cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu suy giảm, và cho đến những tháng đầu năm 2023 xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở tất cả thị trường và mặt hàng. Theo Vasep, 5 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,5 tỉ USD, giảm 26% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 9-50% tại tất cả thị trường xuất khẩu chính.