Trồng cà chua bi trong nhà lưới, mỗi cây có thể thu 120.000 đồng/lứa. Nguy cơ thiếu nguyên liệu miến dong. Xuất khẩu gạo có thể lập kỷ lục 4 tỷ USD. 80% chất phụ gia và thức ăn bổ sung chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu.
Trồng cà chua bi trong nhà lưới, mỗi cây có thể thu 120.000 đồng/lứa
Văn Vũ - Sản xuất
Sau khoảng 1 năm triển khai, mô hình trồng 700 cây cà chua bi trong nhà lưới của của Công ty cổ phần – đầu tư phát triển Nông nghiệp thủy sản Bạc Liêu và Trung tâm hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang cho kết quả tốt, cây phát triển mạnh và nhiều trái. Đây được xem là mô hình nông ứng nghiệp dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu cho lại cây tròng này.
Theo đại diện Công ty cổ phần – đầu tư phát triển Nông nghiệp thủy sản Bạc Liêu, mỗi cây cà chua bi được trồng riêng trong giá thể, chăm sóc hoàn toàn trong nhà lưới nên hạn chế ánh nắng mặt trời, tránh sâu bọ và có điều chỉnh thông gió. Mô hình còn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo sự phát triển cũng như năng suất, mức độ an toàn cho quả cà chua. Đây là phương thức trồng có thể ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như mang lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hướng đến nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp. Dự tính, mỗi lứa cà chua trồng theo phương thức này sẽ đạt khoảng 2kg/cây, với giá bán lẻ khoảng 60.000 đồng/kg.
NGUY CƠ THIẾU NGUYÊN LIỆU CHẾ BIẾN MIẾN DONG
Ngọc Tú - Sản xuất
Vụ sản xuất năm nay, toàn tỉnh trồng gần 400ha cây dong riềng. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mỗi năm tỉnh Bắc Kạn trồng từ 800 đến 1.000 ha. Tuy nhiên, vài năm gần đây, trung bình mỗi năm diện tích trồng chỉ đạt hơn 50% so với kế hoạch. Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn có 27 cơ sở chế biến miến dong và một số cơ sở chuyên nghiền bột dong riềng. Sản lượng miến sản xuất bình quân đạt hơn 2.500 tấn /năm.
Nếu diện tích trồng chỉ đạt khoảng 400ha sẽ kéo theo nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến. Nguyên nhân dẫn đến diện tích trồng dong riềng giảm là do giá phân bón tăng cao, giá bán củ dong thấp và thiếu lao động. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 1 sản phẩm miến dong được chứng nhận OCOP 5 sao và 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
XUẤT KHẨU GẠO CÓ THỂ LẬP KỶ LỤC 4 TỶ USD
Khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc tháng 9, xuất khẩu gạo đã đạt giá trị 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022 và có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.
Còn nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện mới bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông nên thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục thuận lợi trong 3 tháng cuối năm và sản lượng xuất khẩu sẽ vượt 7,5 triệu tấn. Philippines cũng vừa đưa các đoàn sang đàm phán để mua gạo của Việt Nam khi nhu cầu nước này vẫn ở mức cao. Như vậy, theo dự báo nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại, kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ cán mốc 4 tỷ USD, mốc cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
80% CHẤT PHỤ GIA VÀ THỨC ĂN BỔ SUNG CHĂN NUÔI VẪN PHẢI NHẬP KHẨU
Khai thác
Theo Bộ NN&PTNT, tổng nhu cầu thức ăn tinh như ngô, cám các loại, bột cá… toàn ngành chăn nuôi là khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, nhưng năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu, khoảng 65% còn lại là từ nguồn nhập khẩu. Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính như vitamin, axit amin..., nước ta phải nhập khẩu tới 80%, do không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ, không thu hút được đầu tư.
Bộ NN&PTNT cho rằng, để bảo đảm cung ứng đủ nguồn thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất phải chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước; theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có kế hoạch thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự trữ. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng)…