Xã có 1.000 hộ trồng hành tăm, lợi nhuận 20 triệu đồng/sào. Nhiều giải pháp cấp bách gỡ thẻ vàng IUU. Hỗ trợ 200.000ha cho ĐBSCL xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp. Thái Lan sắp ban hành tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu.
Một xã có 1.000 hộ trồng hành tăm, lợi nhuận 20 triệu đồng/sào
Việt Khánh sx
Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có truyền thống sản xuất rau màu hàng hóa, riêng hành tămlà cây trồng chủ lực với tổng diện tích khoảng 300 ha, tập trung phần lớn ở 3 xã Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Kiều.
Tại xã Nghi Thuận mô hình này phát triển nhanh và lan tỏa rộng khắp, từ diện tích khiêm tốn chừng 30 ha nay đã tăng lên gần 100 ha, thu hút khoảng 1.000 hộ tham gia. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2023.
Nông dân trồng hành tăm tại xã Nghi Thuận khẳng định thu nhập từ nghề này cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần, nếu kết hợp trồng xen với ngô và một số rau màu khác sẽ mang lại giá trị kinh tế khá cao, trừ chi phí lãi trên 20 triệu đồng/ sào.
Từ hiệu quả thực tiễn, xã Nghi Thuận xác định tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hành tăm, dự kiến giai đoạn 2025 – 2030 sẽ nhân rộng thêm 30 ha nữa.
Nhiều giải pháp cấp bách gỡ thẻ vàng IUU
Văn Vũ sx
Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang có hơn 7.000 tàu được cấp phép. Trong đó có hơn 3.607 tàu dài từ 15m trở lên được cấp phép và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,5% số lượng tàu. Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, góp phần gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu trong lần kiểm tra vào tháng 4/2024.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, để có thể nhanh chóng gỡ thẻ vàng, tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra hơn 2.900 lượt tàu cập, rời cảng, các lực lượng chức năng đã phối hợp với địa phương mở nhiều đợt tuần tra kiểm soát trên biển và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất xử lý những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, báo cáo tổ tư vấn pháp luật của tỉnh để xem xét, hỗ trợ, nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra xử lý các vụ vi phạm, đến tháng 4/2024 cơ bản kiểm soát được nhóm tàu 3 không (không đăng kiểm, không đăng ký, không cấp phép).
Hỗ trợ 200.000ha cho ĐBSCL xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp
Lê Hoàng Vũ – SX
Ngày 15/4, Sở NN-PTNT An Giang phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tại Việt Nam tổ chức hội thảo chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL (gọi tắt là dự án TRVC), cho các doanh nghiệp, HTX trong chuỗi giá trị lúa gạo tỉnh An Giang. Dự án sẽ hỗ trợ cho An Giang khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương.
Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án SNV cho biết, dự án sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX, nông dân ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp trên 200.000ha đến năm 2027, với khoảng 200.000 hộ nông dân được hưởng lợi. Điều này góp phần thực hiện tốt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.
Thái Lan sắp ban hành tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu
Minh Phúc khai thác
Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết Thủ tướng Srettha Thavisin đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã đề xuất dự thảo quy định cấp bộ về tiêu chuẩn sầu riêng để duy trì chất lượng xuất khẩu sầu riêng, và ngăn chặn việc thu hoạch sầu riêng chưa chín hoặc kém chất lượng để bán.
Theo quy định, sầu riêng phải được đóng gói và chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng bằng cách đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về trọng lượng khô của cùi sầu riêng, cụ thể đối với giống sầu riêng Monthong ở mức 32%, sầu riêng Chanee ở mức 30% và sầu riêng Kra Dum ở mức 28%. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực sau một năm nữa.
Chính phủ Thái Lan nhìn nhận việc ban hành các tiêu chuẩn nói trên sẽ giúp các nhà xuất khẩu sầu riêng của nước này duy trì tiêu chuẩn chất lượng và khả năng cạnh tranh.