Xuất khẩu gạo dự báo vượt kế hoạch cả sản lượng và giá trị. Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm dịp cuối năm. Sản lượng thanh long của Long An giảm 55.000 tấn. Chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi.
XUẤT KHẨU GẠO DỰ BÁO VƯỢT KẾ HOẠCH CẢ SẢN LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ
Theo Bộ NN-PTNT, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có thể vượt kế hoạch, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.Đến nay, sau 10 tháng đầu năm 2022, với lượng xuất khẩu ước đạt 6 triệu tấn, ngành gạo đã thực hiện được 93 - 96% kế hoạch xuất khẩu đề ra. Theo đó, trong 2 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 150.000 - 250.000 tấn là ngành hàng này có thể hoàn thành mục tiêu. Trong khi đó, trung bình mỗi tháng đầu năm, ngành gạo đã xuất khẩu được 600.000 tấn/tháng. Vì vậy, dự báo xuất khẩu gạo vượt mục tiêu đưa ra là hoàn toàn khả thi với thực tế hiện nay.Ngoài ra, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 12.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM DỊP CUỐI NĂM
Theo báo cáo từ các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia với số lượng gia cầm bị buộc tiêu hủy trên 77.000 con.Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian tới sẽ là thời kỳ cao điểm chuẩn bị thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất lớn.Để phòng chống hiệu quả cúm gia cầm, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉnh việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.Trong đó, cần hết sức lưu ý tới việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tự giác trong phòng chống cúm gia cầm. Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm.
SẢN LƯỢNG THANH LONG CỦA LONG AN GIẢM 55.000 TẤN
Tính đến hết quý III năm nay, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Long An là 10.068 ha, với sản lượng thu hoạch khoảng 190.000 tấn, giảm 55.000 tấn so với cùng kỳ.Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, việc tiêu thụ thanh long của người dân gặp nhiều khó khăn, giá cả liên tục xuống mức thấp làm cho người trồng bị thua lỗ. Từ đó dẫn đến việc người dân bỏ vườn không chăm sóc trong thời gian dài, một số phá bỏ vườn thanh long để chuyển đổi sang cây trồng khác.Riêng tại huyện Châu Thành, hiện nay, diện tích thanh long sạch bệnh và bệnh nhẹ của huyện chỉ còn gần 5.900 ha. Nhiều diện tích thanh long hư hại nặng đã phá bỏ, một số được người dân trồng mới hoặc chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn có gần 2.500 ha vườn thanh long người dân phải trồng mới lại.
CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH DU LỊCH THÂN THIỆN VỚI VOI
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa có Quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.Dự án hướng đến kết quả chủ yếu là Mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến lan tỏa hiệu quả cao tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng…Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026.