| Hotline: 0983.970.780

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chuyển giao hầu hết các giống lúa chất lượng

Chủ Nhật 02/06/2024 , 10:00 (GMT+7)

Theo Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn, các viện và doanh nghiệp phối hợp rất hiệu quả. Các giống lúa mới nhanh chóng được doanh nghiệp đón nhận và chuyển giao.

Tọa đàm 'Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa' ngày 31/5 tại Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Tọa đàm "Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa" ngày 31/5 tại Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Nền tảng hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cảm ơn các doanh nghiệp, các hiệp hội đã hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu của VAAS trong thời gian qua để đưa các kết quả nghiên cứu giống cây trồng từ phòng thí nghiệm vào thực tiễn sản xuất.

“Có thể nói rằng, thập kỷ qua, gần như không còn giống tốt nào của các viện nghiên cứu mà chưa được chuyển giao cho các doanh nghiệp. Những giống không được chuyển giao là những giống chưa thực sự phù hợp với nhu cầu phát triển mới của sản xuất”, ông Sơn bày tỏ.

Giám đốc VAAS gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát đã có mặt tại tọa đàm. Tháng 6/2016, trong chuyến làm việc ở ĐBSCL, ông Cao Đức Phát đã nhìn thấy tiềm năng của hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa.

Ngày đó, khi còn là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Cao Đức Phát nhận định, các viện nghiên cứu công lập và doanh nghiệp kinh doanh cây trồng đều là những đơn vị hưởng lợi từ bộ giống chất lượng. Bộ trưởng đã kêu gọi doanh nghiệp đóng góp vào thành tựu chung, giúp các viện nghiên cứu tiếp tục đạt kết quả tốt.

Sau buổi làm việc đó, rất nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã hợp tác mạnh mẽ với các viện nghiên cứu, trung tâm giống cây trồng, từ đó tiếp nhận các giống và chia sẻ bản quyền, tác quyền. Theo Giám đốc VAAS, đây là động lực rất lớn cho nhà khoa học để tạo ra những sản phẩm thực sự đột phá. 

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn: 'Hợp tác công tư là động lực rất lớn cho nhà khoa học để tạo ra những sản phẩm đột phá'. Ảnh: Tùng Đinh.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn: "Hợp tác công tư là động lực rất lớn cho nhà khoa học để tạo ra những sản phẩm đột phá". Ảnh: Tùng Đinh.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam đã phát triển vượt bậc nhờ ba thành tựu lớn. Đầu tiên là sự đa dạng hóa về các bộ môn trong lĩnh vực di truyền thực vật. Thứ hai là nguồn lực cán bộ nghiên cứu hiện nay không thua kém gì các nước trong khu vực. Thứ ba, ngành công nghiệp hạt giống trong nước đang phát triển mạnh mẽ, phần lớn nhờ sự đóng góp của các hội và hiệp hội.

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phối hợp với nhà khoa học

“Tuy nhiên, nếu chúng ta không có những thay đổi căn bản và tiếp cận mới thì rất khó để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới. Ngành trồng trọt Việt Nam phát triển nhanh và đã chạm ngưỡng ban đầu; cần có đổi mới toàn diện để nhanh chóng bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại, tiếp tục chạm tới những ngưỡng cao hơn nữa”, Giám đốc VAAS khẳng định.

Đánh giá thực tế hợp tác công tư nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống cây trồng, ông Sơn cho biết, các viện và doanh nghiệp đang phối hợp rất hiệu quả. Các giống lúa mới nhanh chóng được doanh nghiệp đón nhận và chuyển giao. Doanh nghiệp còn phối hợp cùng các viện tập huấn kỹ thuật cho nông dân, làm rất tốt công tác thị trường. 

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và viên khoa học, ông Nguyễn Hồng Sơn kêu gọi một số chỉnh sửa trong Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý tài sản khoa học công nghệ sử dụng vốn Nhà nước.

“Nhiều nhà khoa học đọc nghị định này đã lo lắng vì sẽ không được nhận tiền bản quyền giống. Tôi đã không ít lần trấn an họ và cho rằng, bản chất của Nghị định 70 là việc giao tài sản để các viện định giá, chứ không phải xác lập quyền sở hữu. Quyền sở hữu đã được xác lập trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao Công nghệ và Luật Trồng trọt. Nghị định 70 không xác lập quyền sở hữu mà chỉ quy định việc định giá tài sản”, ông Nguyễn Hồng Sơn giải thích.

Nhiệm vụ của liên kết giữa khối công, khối tư là làm minh bạch quá trình chuyển giao đề tài nghiên cứu giống. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiệm vụ của liên kết giữa khối công, khối tư là làm minh bạch quá trình chuyển giao đề tài nghiên cứu giống. Ảnh: Tùng Đinh.

Về mặt pháp lý, Giám đốc VAAS tin tưởng nỗ lực của các khối chuyên môn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và viện khoa học hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo, thương mại giống lúa. Ông lưu ý, nhiệm vụ của khối công, khối tư sẽ là làm minh bạch quá trình chuyển giao đề tài nghiên cứu giống.

Tới đây, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ ban hành quy chế quản lý sản phẩm khoa học nội bộ. “Chúng tôi kỳ vọng nâng cao công tác quản lý, đảm bảo gen di truyền để giữ bản quyền giống ngay từ giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, Viện sẽ đưa ra quy trình tổ chức đấu giá một cách công khai, minh bạch. Với những biện pháp này, vấn đề chuyển giao sẽ không còn gặp khó khăn”, ông Sơn nói.

Ông tin tưởng, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học sẽ tạo ra hướng đi đột phá cho ngành nghiên cứu cây trồng.

Định hướng xã hội hóa hoạt động khoa học - công nghệ

“Nếu chỉ dựa vào nguồn lực khoa học công nghệ của Nhà nước như hiện nay, chúng ta không thể đáp ứng yêu cầu của thế giới và yêu cầu phát triển trong giai đoạn này. Chúng ta cần xã hội hóa, cần sự đầu tư của các doanh nghiệp bằng nguồn vốn đầu tư khoa học công nghệ, để Việt Nam có thể nhận khoa học từ nước ngoài hoặc tự chủ nghiên cứu trong nước. Đó mới là ý nghĩa thực sự của xã hội hóa; chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước thì rất hạn chế”, Giám đốc VAAS Nguyễn Hồng Sơn kêu gọi.

Về vấn đề hợp tác công - tư, quan điểm của ông là Nhà nước nên tập trung giải quyết những vấn đề căn cốt, thực hiện các nghiên cứu cơ bản để tạo ra những bộ gen đột phá, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vật liệu trung gian để phát triển thành sản phẩm.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn đề xuất các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu cho các viện vì mỗi doanh nghiệp có nền tảng giống, năng lực và mục tiêu đầu tư khác nhau. Chỉ khi doanh nghiệp đầu tư từ giai đoạn nghiên cứu, sản phẩm mới có thể đáp ứng tốt nhất mục tiêu kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp nên dựa trên nền tảng giống hiện có của mình và đặt hàng các viện nghiên cứu để cải tiến giống, điều này sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

Các doanh nghiệp có thể đặt hàng nghiên cứu dựa trên nền tảng giống, năng lực và mục tiêu đầu tư của công ty. Ảnh: TL.

Các doanh nghiệp có thể đặt hàng nghiên cứu dựa trên nền tảng giống, năng lực và mục tiêu đầu tư của công ty. Ảnh: TL.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, các giống lúa cần được cải tiến để chống chịu sâu bệnh tốt hơn, vì sâu bệnh hiện nay là vấn đề lớn, làm giảm năng suất, chất lượng và tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là những định hướng mà chỉ có doanh nghiệp mới có thể đặt hàng cho các viện nghiên cứu.

Ông Sơn thông tin: “Hiện nay, các viện bị yêu cầu có hợp đồng với doanh nghiệp mới được giao đề tài, để chứng tỏ sản phẩm tốt mới được doanh nghiệp đầu tư. Mong rằng, các doanh nghiệp sẽ đặt hàng từ giai đoạn đầu cho các viện nghiên cứu. Nếu không có hợp đồng rõ ràng, viện có thể gặp rắc rối khi có tranh chấp”.

Cùng với đó, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cam kết thay đổi cách tiếp cận trong việc xây dựng thỏa thuận hợp tác, tránh những phức tạp phát sinh và giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho nghiên cứu, còn các viện có thể tập trung vào chuyên môn. 

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.