Việt Nam trở lại thị trường xuất khẩu gạo sánh cùng các quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.
Đó là thời đoạn bộ giống lúa OM cao sản ngắn ngày của Viện Lúa ĐBSCL phát huy vai trò chủ lực trong sản xuất được chuyển giao rộng khắp cho nông dân.
Bộ giống chủ lực quốc gia
Chỉ trong 9 năm (2007-2015), Viện Lúa ĐBSCL có đến 26 giống lúa OM được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức là bộ giống quốc gia. Một kỳ công đáng ghi nhận về các công trình nghiên cứu của những cá nhân, tập thể các nhà khoa học và cán bộ của Viện suốt năm tháng miệt mài lai tạo.
Nông dân tham quan giống lúa mới OM tại ruộng thực nghiệm Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Hưng Phú. |
Đặc biệt tại ĐBSCL, trong 12 giống được trồng phổ biến nhất từ năm 2000 đến nay có 10 giống do Viện chọn tạo (OM1490, OM4498, OMCS2000, OM2517, OM4088, OM3536, OM4218, OM4900, OM6162 và OM6976).
Theo kết quả điều tra của Cục Trồng trọt năm 2015, các giống lúa do Viện Lúa chọn tạo được trồng phổ biến ở các vùng Duyên hải miền Trung và Tây nguyên chiếm 37,68%, ở vùng Đông Nam Bộ chiếm 45,38% và đặc biệt ở ĐBSCL chiếm trên 80% diện tích gieo trồng.
GS Bùi Chí Bửu cho rằng: Đây là thời kỳ chuyển hướng cải tiến chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Viện Lúa đã mất ít nhất 5 năm để cải tiến hạt gạo dài 7 mm và mất ít nhất 10 năm để cải tiến hàm lượng amylose trung bình. Những nghiên cứu cơ bản về di truyền tính trạng chất lượng gạo là đề tài của nhiều luận án tiến sĩ đã được thực hiện tại đây.
Điển hình giống OM3536, gạo ngon, thơm nhẹ, được xem là nguồn gạo trộn với các giống đặc sản cho đến ngày nay. Trong khi giống nếp OM85 vẫn còn là giống nếp chủ lực phục vụ xuất khẩu của Long An, Tiền Giang.
Việc khai thác đột biến phóng xạ được tiến hành với kết quả phát triển thành công giống Tài Nguyên đột biến TN128 và Tép Hành đột biến (của nhà chọn giống TS Phạm Văn Ro và cộng sự). Giống TN128 trở thành giống chủ lực tại Vĩnh Long trong thời gian rất dài.
Cũng từ thập niên 1990, Viện Lúa bắt đầu tiến hành khai thác lúa ưu thế lai với hai giống được công nhận khu vực hóa UTL1 và UTL2. Du nhập gen mục tiêu từ lúa hoang sang lúa trồng được khai thác thành công, tạo ra dòng lúa chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá và chịu phèn.
Tuy nhiên cũng cần nói thêm trong thập niên 1990 (1990-2000), vùng ĐBSCL được Chính phủ quan tâm đầu tư thủy lợi rất mạnh mẽ. Nhờ đó giống lúa cao sản cực ngắn ngày của Viện lúa đã thực sự được phát huy. Nhiều giống được phát triển thành công, trong đó giống có diện tích trồng đại trà lớn và duy trì khá lâu là OM1490.
Còn giống OM269 khá thành công ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Riêng OM1490 theo chân các chuyên gia Việt Nam trong các chương trình hợp tác giúp đỡ kỹ thuật trồng lúa ở các nước như Cuba, Iraq, một số nước Châu Phi, Bangladesh… đã phát huy hiệu quả.
Cho cây lúa mãi xanh tươi
Cuộc “cách mạnh xanh” cho cây lúa ở ĐBSCL thành công không chỉ có giống lúa tốt. Ngay từ những ngày đầu thành lập Viện, những thí nghiệm phân bón cho lúa đã được thực hiện có hệ thống với sự hợp tác của chuyên gia IRRI, Ấn Độ và Nhật Bản. Sau đó, có một vài chương trình hợp tác thông qua dự án CARD hoặc ACIAR của Úc.
Trong 25 năm với nhiều công trình nghiên cứu thí nghiệm phân bón cho lúa, cân đối NPK; gần 20 năm thí nghiệm ảnh hưởng chôn vùi rơm rạ và nhất là với biến đổi khí hậu đặt ra cho canh tác lúa phải quản lý carbon trong đất… đã đóng góp quan trọng cho quá trình nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật canh tác. Đó là kết quả 16 công trình khoa học của Viện Lúa được công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia.
Vào thời kỳ chuyển từ lúa mùa một vụ sang trồng lúa cao sản ngắn ngày nông dân ĐBSCL từng mất ăn mất ngủ vì sâu bệnh hoành hành. Vì lẽ đó theo GS Bửu, hoạt động BVTV gắn liền với lịch sử phát triển của sâu bệnh hại tại ĐBSCL, từ khi chuyển đổi cơ cấu lúa mùa một vụ, sang cơ cấu 2 vụ lúa đến 3 vụ lúa/năm, đặc biệt diễn biến rầy nâu và bệnh đạo ôn vô cùng phức tạp. Tác động tích cực của đa dạng sinh học luôn được đặt ở vị trí trọng yếu, trong chiến lược bảo vệ cây trồng, khi hệ thống canh tác truyền thống bị phá vỡ.
Cuộc “cách mạnh xanh” cho cây lúa ở ĐBSCL thành công không chỉ có giống lúa tốt. |
Từ đó nhóm các nhà khoa học chuyên ngành BVTV đầu tiên của Viện đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu bệnh cây, côn trùng, tuyến trùng. Viện đã công bố rất sớm vai trò của thiên địch bao gồm con ăn mồi và con ký sinh, khi quản lý rầy nâu ở vào giai đoạn cực trọng của ĐBSCL (trong những năm 1978, 1980, 1986, 1996, 2002, 2007, và 2011).
Viện khởi động sử dụng chế phẩm nấm trắng, nấm xanh: ký sinh rầy nâu, được chính thức trở thành qui trình áp dụng vào năm 2002. Đồng thời Viện là thành viên tích cực trong sáng kiến 3 giảm - 3 tăng hay trước đó, là phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM của FAO) với chiến dịch 30 ngày đầu không phun thuốc trên ruộng lúa.
Đáng kể, GS Bửu nhận định: Chiến lược đa dạng cây trồng phải dựa trên cơ sở di truyền đa dạng. Ý tưởng quản lý ba cấp độ giống lúa là đóng góp của GS Nguyễn Văn Luật,v ới một bộ giống lúa chủ lực gồm 5-6 giống, trồng tập trung, chiếm khoảng 60% diện tích gieo trồng, bên cạnh là bộ giống bổ sung 8-10 giống có qui mô gieo trồng 1-2%, cộng với nhiều giống triển vọng cho khảo nghiệm trên ruộng nông dân; để có một nền tảng di truyền trên đồng ruộng đa dạng, vừa phục vụ cho sản xuất hàng hóa, vừa giảm thiểu sự tấn công và biến chủng của dịch hại.
Mô hình quản trị đúng hướng
Suốt chặng đường hơn 40 năm, Viện Lúa ĐBSCL được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để từng bước trở thành một Trung tâm khoa học nông nghiệp của vùng ĐBSCL và của cả nước.
Nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa của Viện lúa là thành tựu rõ nét, có tác động hiệu quả đến việc tăng trưởng sản lượng lúa ở ĐBSCL khoảng 5-6 triệu tấn /năm (1977) cho đến nay đạt hơn 25 triệu tấn năm, tăng gấp 4 lần trong vòng 40 năm là một dấu ấn lịch sử. |
Mô hình quản trị của Viện chứng minh tổ chức khoa học đáp ứng yêu cầu của một cơ quan nghiên cứu khoa học trong từng giai đoạn. Ngày nay Viện Lúa đang trong giai đoạn cải tiến, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, không chồng chéo chức năng và nhiệm vụ để năng cao hiệu quả hoạt động và phù hợp với tinh thần chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tự chủ.
Viện có 14 đơn vị trực thuộc, bao gồm: Khối quản lý 3 đơn vị (Phòng Hành chính Tổ chức, Phòng Kế toán - Tài vụ, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế); Khối nghiên cứu 8 đơn vị (Bộ môn BVTV, Bộ môn Công nghệ sinh học, Bộ môn Cơ cấu cây trồng, Bộ môn Cơ điện nông nghiệp, Bộ môn Di truyền Chọn giống, Bộ môn Kỹ thuật canh tác, Bộ môn Khoa học đất và Vi sinh vật, Phòng Thí nghiệm trung tâm) và Khối dịch vụ và sản xuất 3 đơn vị (Phòng khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định giống cây trồng; Phòng sản xuất và dịch vụ giống; Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp).
Trong bối cảnh mới của sự phát triển thị trường lúa giống có nhiều thành phần kinh tế DN và HTX, Tổ hợp tác sản xuất tham gia. Tiếp tục tiến bước trên con đường phía trước, trong bối cảnh thị trường lúa gạo đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”.
TS Trần Ngọc Thạch nhận định: “Nếu muốn hướng đến nâng cao giá trị hạt gạo chúng ta phải tham gia vào phân khúc thị trường gạo ngon cao cấp và chấp nhận cạnh tranh với một vài nước đang giữ thế độc quyền. Phân khúc thị trường loại gạo này tuy không lớn, số lượng bán ít nhưng giá trị hạt gạo nâng cao”.
Viện Lúa hoàn toàn làm chủ được phương pháp chọn tạo truyền thống, lai giống và chọn lọc giống. |
Từ những thành tựu đạt được và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tiềm năng về nhân lực, Viện Lúa hoàn toàn làm chủ được phương pháp chọn tạo truyền thống, lai giống và chọn lọc giống.
“Trong 10 năm tới viện tập trung nghiên cứu giống lúa gắn với thị trường, nâng cao chất lượng gạo phù hợp với thị trường tiêu thụ, đồng thời chọn tạo bộ giống thích ứng trong điều kiện BĐKH; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Bên cạnh việc cải tiến, nâng cấp những giống lúa cũ phổ biến, khả năng thích nghi rộng, Viện sẽ chọn tạo giống mới có sự phối hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.
“Tương lai không xa sẽ cho ra đời bộ giống lúa mới đáp ứng theo từng phân khúc gạo trên thị trường; đồng thời phục tráng lại một số giống lúa đặc sản địa phương đáp ứng theo yêu cầu xây dựng vùng lúa chuyên canh; đồng thời tổ chức đánh giá lại nguồn tài nguyên bản địa của một số giống lúa địa phương, tìm nguồn gen tốt để khai thác trong chương trình lai tạo..”, TS Thạch nhấn mạnh.
“Lịch sử đang đặt ra cho Viện lúa ĐBSCL những thách thức mới trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu cực đoan, và qui mô sản xuất nhỏ. Viện rất mong đợi sự năng động và thông minh của thế hệ trẻ, thế hệ những nhà khoa học đang kế tiếp truyền thống vẻ vang của một đơn vị “Anh hùng lao động” trong thời kỳ đổi mới”. Giáo sư Bùi Chí Bửu |