| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Lithuania thúc đẩy thương mại nông sản có thế mạnh

Thứ Tư 25/10/2023 , 18:38 (GMT+7)

Chiều 25/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis.

Chiều 25/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (bên phải) tiếp và làm việc Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis. Ảnh: Linh Linh. 

Chiều 25/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (bên phải) tiếp và làm việc Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis. Ảnh: Linh Linh. 

Việt Nam - Lithuania có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai nước vừa kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2022. Trong những năm qua, quan hệ hai nước có những bước phát triển tích cực, duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.

Lithuania là một trong những nước phê chuẩn sớm Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA, ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hai bên ủng hộ lẫn nhau bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, tổ chức quan trọng của Liên Hợp quốc. Lithuania đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tại buổi gặp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, tuy Lithuania là quốc gia nằm trong Liên minh Châu Âu (EU) song hợp tác nông nghiệp với Việt Nam trong thời gian qua còn khá hạn chế, trong giai đoạn 2020-2023, do bối cảnh Covid-19, hai bên không có trao đổi đoàn.

Gần đây nhất, tháng 12/2019, ông Evaldas Gustas, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Lithuania đã sang thăm, làm việc với Bộ NN-PTNT và một số cơ quan bao gồm Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam...

Về trao đổi thương mại, hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 1995 và Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại năm 1995.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lithuania tuy đã tăng hơn 4 lần từ mức 56 triệu USD năm 2015 lên 233 triệu USD năm 2022, tuy nhiên thương mại nông sản vẫn còn khá hạn chế. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Lithuania chủ yếu là thủy sản, tiêu hạt, cao su và hạt điều qua đường biển, với số lượng chưa nhiều.

Hiện tại có 566 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào EU (trong đó có Lithuania). Việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường này hiện không gặp khó khăn, vướng mắc.

Ở chiều ngược lại, Lithuania đã được phép xuất khẩu thịt gà/sản phẩm thịt gà và sản phẩm thủy sản làm thực phẩm vào Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã chấp thuận cho 13 doanh nghiệp (trong đó có 2 doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà/sản phẩm thịt gà và 11 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thủy sản) của Lithuania xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam.

Lithuania đang đề nghị xuất khẩu thịt bò và sản phẩm trứng sang Việt Nam. Sau khi tiếp nhận yêu cầu, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã nhiều lần đề nghị phía Lithuania cung cấp, bổ sung thông tin để phân tích nguy cơ nhập khẩu các sản phẩm từ nước này vào Việt Nam. Gần đây nhất, Cục Thú y gửi Công văn số 1436/TY-HTQT ngày 16/8/2023 và 1653/TY-HTQT ngày 06/10/2022 đề nghị Lithuania bổ sung thông tin để phân tích nguy cơ nhập khẩu với thịt bò và sản phẩm trứng. Tuy nhiên đến nay, Bộ NN-PTNT chưa nhận được phản hồi từ phía bạn.

Trong bối cảnh trên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị hai bên tập trung trao đổi thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản có thế mạnh, bổ trợ lẫn nhau gồm gạo, thủy sản, rau quả, chè, hồ tiêu, hạt điều, gỗ/sản phẩm từ gỗ, cao su từ phía Việt Nam và thịt gà, thủy sản nước lạnh và một số sản phẩm từ phía Lithuania.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Lithuania tạo điều kiện để Việt Nam tăng số lượng xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như thủy sản, tiêu hạt, cao su và hạt điều, hàng rau quả nhiệt đới. 

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Lithuania tạo điều kiện để Việt Nam tăng số lượng xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như thủy sản, tiêu hạt, cao su và hạt điều, hàng rau quả nhiệt đới. 

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Lithuania xem xét nhập khẩu một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như thịt gà chế biến, trứng và sản phẩm trứng và tạo điều kiện để Việt Nam tăng số lượng xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như thủy sản, tiêu hạt, cao su và hạt điều, hàng rau quả nhiệt đới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Lithuania sớm hoàn thiện hồ sơ thịt bò và sản phẩm trứng sang Việt Nam để có cơ sở cử đoàn sang kiểm tra hệ thống sản xuất thịt và trứng, từ đó mới có thể cho phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Lithuania với thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ, với 15% diện tích canh tác dành cho mảng này, Thứ trưởng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về nông nghiệp hữu cơ và chế biến nông sản.

Về phía Lithuania, Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis cho biết, nước này đang làm các thủ tục hồ sơ xin cấp phép cho sản phẩm nông sản của nước này sang Việt Nam.

Ông Landsbergis cũng cho biết, phân bón là một trong những lĩnh vực mà Lithuania có lợi thế, muốn trao đổi và tăng cường hợp tác với phía Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania cho biết nước này đã sản xuất được một loại phân bón có hiệu quả tốt với cây trồng và bảo vệ chất lượng đất. Ông muốn hai bên có thể trao đổi đoàn chuyên gia để thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật hoặc cùng làm việc nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Nhân chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania cũng gửi lời mời tới đại diện Bộ NN-PTNT sang thăm và tham dự hội nghị về lương thực thực phẩm lớn nhất vùng Baltic được tổ chức tại Lithuania vào tháng 11 hàng năm.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tặng quà là sản phẩm OCOP cho Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis. Ảnh: Linh Linh. 

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tặng quà là sản phẩm OCOP cho Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis. Ảnh: Linh Linh. 

Phản hồi ý kiến của Bộ trưởng ngoại giao Lithuania, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, nhìn lại thương mại giữa Việt Nam và Lithuania, mặc dù những năm qua đã có giá trị gia tăng giữa kim ngạch xuất nhập khẩu song vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh mà hai nước cần khai thác nhiều hơn nữa trong tương lai.

Về nội dung đề nghị hợp tác từ phía Lithuania, Thứ trưởng cho biết sẽ giao các cơ quan chuyên môn gồm Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu và làm việc với phía bạn trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn hai nước không chỉ hợp tác về xuất nhập khẩu mà còn cần tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tham gia vào chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao giá trị thương mại hai chiều, xứng đáng với tiềm năng rộng mở của hai nước. Hai bên cũng cần trao đổi thêm về tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn trong thời gian tới.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.