| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đi tiên phong về tiếp cận sức khỏe cây trồng

Thứ Hai 13/12/2021 , 19:56 (GMT+7)

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu hiện nay về tiếp cận, triển khai về chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health).

Ngày 12/12, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Văn phòng FAO Việt Nam đã tổng kết, bế giảng lớp đào tạo Giảng viên Quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health).

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại buổi bế giảng. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại buổi bế giảng. Ảnh: Trung Quân.

Tại buổi bế giảng, ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) đã trình bày báo cáo kết quả hoạt động của lớp tập huấn. Theo đó, lớp tập huấn diễn ra trong thời gian từ 8 - 12/12, với sự tham gia của 37 học viên (13 học viên trực tuyến).

Lớp học ngoài việc khái quát lại những nội dung thuộc khung TOT-IPM, các học viên được bổ sung thêm các nội dung mới theo IPHM với 11 chủ đề: Một sức khỏe, sức khỏe cây trồng; nông nghiệp sinh thái và bảo vệ môi trường; quản lý cỏ dại bền vững; quản lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; giống khỏe; thuốc BVTV; phân bón; chuỗi liên kết sản xuất; yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản Việt Nam; truyền thông IPHM; nông nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Mặc dù thời gian tập huấn ngắn, lượng thông tin lớn, nhiều vấn đề mới, nhưng với tinh thần vượt khó, phương pháp tập trung giới thiệu nội dung chính, cung cấp tài liệu, nguồn cập nhật tài liệu nên lớp học đã hoàn thành xuất sắc những nội dung, mục tiêu đề ra.

Ông Hoàng Văn Tú, đại diện FAO tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, FAO và Cục BVTV rất trăn trở trong việc định hình phương pháp tiếp cận với IPHM, trên cơ sở kế thừa, phát huy, nâng tầm từ chương trình IPM.

Ông Hoàng Văn Tú, đại diện FAO tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng, khung chương trình đào tạo IPHM của Việt Nam nếu xây dựng thành công, đưa vào áp dụng sẽ trở thành chương trình tiên phong trên thế giới. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hoàng Văn Tú, đại diện FAO tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng, khung chương trình đào tạo IPHM của Việt Nam nếu xây dựng thành công, đưa vào áp dụng sẽ trở thành chương trình tiên phong trên thế giới. Ảnh: Trung Quân.

Hiện nay, khi Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, người sản xuất phải có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giới. Việc thể hiện trách nhiệm không chỉ dừng ở việc đảm bảo chất lượng, ATTP mà còn là trách nhiệm với thế hệ mai sau trong việc giữ gìn môi trường sống, tài nguyên đất đai, thực vật, đa dạng sinh học…

Cũng theo ông Tú, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về IPHM. Khung chương trình đào tạo của Việt Nam nếu xây dựng thành công, đưa vào áp dụng sẽ trở thành chương trình tiên phong trên thế giới.

Trên cơ sở đó, ông Tú bày tỏ kỳ vọng sau khi tham gia lớp tập huấn, học viên sẽ trở thành những giảng viên IPHM đầu tiên ở Việt Nam. Với sự nhiệt huyết, trách nhiệm, các giảng viên tương lai sẽ tiếp tục đào tạo, xây dựng những “viên gạch” tiếp theo cho ngôi nhà Plant Health Việt Nam.

Lãnh đạo Cục BVTV, đại diện FAO Việt Nam trao giấy chứng nhận tham gia khóa học cho các học viên. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Cục BVTV, đại diện FAO Việt Nam trao giấy chứng nhận tham gia khóa học cho các học viên. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Lớp tập huấn đã giúp giải đáp được câu hỏi lớn “IPHM khác biệt như thế nào so với IPM” cho các học viên.Tuy nhiên, những thông tin, nội dung về IPHM rất mới, nên sau khóa học các học viên (giảng viên tương lai) phải tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, tài liệu, thu thập thông tin, hoàn thiện trình độ, kỹ năng mới đảm bảo đầy đủ khả năng đứng lớp TOT. 

Cũng theo ông Dương, trong 5 chương trình lớn mà Cục BVTV sẽ triển khai xuyên suốt trong 10 năm tới, thì chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp là chương trình đầu tiên và quan trọng. Do đó, những học viên của lớp đào tạo IPHM này sẽ là hạt nhân nòng cốt trong việc chuẩn bị tài liệu, xây dựng chương trình tập huấn, giảng viên đào tạo cho các lớp TOT-IPHM, lớp FFS cho nông dân…

Tại buổi bế giảng, lãnh đạo Cục BVTV, đại diện FAO Việt Nam đã trao giấy chứng nhận tham gia khóa học cho các học viên, đây là cơ sở để các học viên triển khai những nhiệm vụ đào tạo, tập huấn IPHM trong thời gian tới.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.