| Hotline: 0983.970.780

Vietseed nghiên cứu giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn

Thứ Hai 17/06/2024 , 14:12 (GMT+7)

Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) đã chuẩn bị tập đoàn giống để có thể sớm bắt đầu dự án nghiên cứu chọn giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn.

Chính thức hoạt động năm 2011 với vỏn vẹn 5 nhân sự nhưng đến nay, Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) đã sở hữu 9 bằng bảo hộ giống cây trồng. Chỉ riêng năm 2023, Vietseed đã được công nhận lưu hành 02 giống lúa lai (KU57 và Nghi Hương 555), 02 giống lúa thuần (Smart 56 và An Phú) và 01 giống ngô lai (LT888), đưa tổng số giống lúa và ngô được phép lưu hành lên 8 giống cùng 9 giống cỏ và cao lương chăn nuôi. Dự kiến trong năm 2024, Vietseed tiếp tục được công nhận lưu hành thêm 01 giống lúa (giống lúa lai VH107) và 02 giống lúa thuần là NTS01 và Smart 888.

Vùng sản xuất hạt lai F1 hơn 30ha của Vietseed trong vụ xuân 2024 tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Bách Phong.

Vùng sản xuất hạt lai F1 hơn 30ha của Vietseed trong vụ xuân 2024 tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Bách Phong.

Hàng năm, Vietseed đưa thêm ít nhất từ 2 - 3 giống lúa, ngô tham gia vào hệ thống khảo nghiệm quốc gia. Vừa qua, chúng tôi đã tham quan khu vực sản xuất hạt giống lúa lai F1 rộng hơn 30ha và ruộng duy trì vật liệu, nhân dòng và khảo nghiệm tác giả giống lúa rộng 1ha của Vietseed tại Nam Định cũng như khu lai tạo, chọn lọc và khảo nghiệm tác giả giống ngô, cỏ của Công ty tại Hà Nội.

Tại khu vực sản xuất hạt giống lúa lai F1 của Vietseed ở Nam Định, đơn vị phụ trách thực hiện cho biết giống lúa lai LY2099 của Vietseed đang sản xuất tại đây là tổ hợp lúa lai khó sản xuất hạt lai F1 nhất hiện nay do chênh lệch thời gian trỗ giữa dòng bố và dòng mẹ rất xa; dòng mẹ là lúa thơm, ngắn ngày, hạt dài, nhỏ, khó nhận phấn và tiềm năng năng suất thấp.

Cách tiếp cận của Vietseed là tương đối sâu về kỹ thuật, kiên trì đồng hành cùng đơn vị thực hiện sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ năm 2018, sau nhiều thất bại đến nay đã cơ bản có sự ổn định về năng suất và chất lượng hạt F1. Ruộng sản xuất cũng được các chuyên gia đánh giá cao.

Chuyên gia nước ngoài đánh giá gần 100 tổ hợp lúa lai mới của Vietseed trong vụ xuân 2024 tại Nam Định. Ảnh: Bách Phong.

Chuyên gia nước ngoài đánh giá gần 100 tổ hợp lúa lai mới của Vietseed trong vụ xuân 2024 tại Nam Định. Ảnh: Bách Phong.

Từ năm 2016, Vietseed đã hợp tác với đối tác nước ngoài bền bỉ, đều đặn mỗi năm 2 vụ đều tiến hành khảo nghiệm tác giả tập đoàn giống lúa lai, lúa thuần. Vụ xuân 2024, Vietseed khảo nghiệm gần 100 tổ hợp, đều là các giống lúa lai sử dụng vật liệu bố mẹ thuộc thế hệ mới nhất. Việc duy trì liên tục hoạt động này đã giúp Vietseed đảm bảo nguồn cung các tổ hợp triển vọng phục vụ khảo nghiệm và công nhận giống. Phát hiện mới nhất là một giống lúa lai triển vọng cho mục đích sản xuất gạo nở xốp chuyên dùng cho chế biến đảm bảo tỷ lệ trắng trong và ít bạc bụng. Ngoài ra, tận dụng ưu thế lai về sinh trưởng phát triển, Vietseed đã chuẩn bị tập đoàn giống để có thể sớm bắt đầu dự án nghiên cứu chọn giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn...

Sau khi cơ bản hoàn thành nghiên cứu về các giống cỏ chăn nuôi và vật liệu sinh khối giàu carbon, ở quy mô nhỏ hơn, từ năm 2018 Vietseed đã bắt đầu các chương trình nghiên cứu tự lai tạo các tổ hợp lúa lai, ngô lai mới và chọn tạo một số giống lúa thuần từ các nguồn vật liệu mới.   

Nhân viên của Vietseed lai tạo và chọn lọc giống lúa lai, lúa thuần. Ảnh: Bách Phong.

Nhân viên của Vietseed lai tạo và chọn lọc giống lúa lai, lúa thuần. Ảnh: Bách Phong.

Trước câu hỏi làm thế nào để một doanh nghiệp cỡ nhỏ với nguồn lực hạn chế có thể tổ chức được hoạt động nghiên cứu và phát triển, ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Vietseed chia sẻ: "Chúng tôi khởi đầu từ năm 2016, kiên định với các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghiên cứu, thương mại giống cây trồng gồm: Hợp tác tốt nhất với các tác giả gốc, xây dựng tiêu chí chọn giống rõ ràng, cắt giảm cơ bản các chỉ tiêu có thể được trong quá trình khảo nghiệm VCU sau này và loại bỏ gần như hoàn toàn hệ thống báo cáo, hội họp nội bộ…, mục tiêu làm giảm thiểu chi phí khảo nghiệm và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.

Về mặt chi phí, Công ty chỉ tập trung vào sản xuất các giống có hàm lượng công nghệ và lợi thế canh tranh cao, thuê ngoài gần như toàn bộ hoạt động thị trường, các công việc mang tính thời vụ hoặc không yêu cầu trình độ cao và tập trung toàn bộ lợi nhuận thu được để đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Về nhân sự, Công ty chú trọng xây dựng hệ thống lao động trẻ theo chuẩn riêng từ đầu và tăng cường đào tạo, 4/5 nhân viên hiện tại của Công ty có trình độ thạc sỹ hoạt động chọn tạo, khảo nghiệm dưới sự phối hợp của một nhóm chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.

Nghiên cứu tạo giống ngô, giống cỏ chăn nuôi của Vietseed. Ảnh: Bách Phong.

Nghiên cứu tạo giống ngô, giống cỏ chăn nuôi của Vietseed. Ảnh: Bách Phong.

Ngoài ra, Vietseed chỉ ưu tiên sử dụng các vật liệu chọn tạo khác biệt so với các giống thương mại trên thị trường, chấp nhận rủi do tiếp cận cực sớm các dòng, giống mới. Giống cây trồng mới công nhận lưu hành được ưu tiên cho thuê, mượn thay vì tự tổ chức sản xuất kinh doanh. Vietseed đã thành công chuyển giao toàn bộ quyền khai thác 01 giống lúa thuần, một phần quyền khai thác của 03 giống lúa lai.

Vietseed là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đã phối hợp với các tác giả trong và ngoài nước chuẩn bị một tập đoàn giống lúa lai chuyên dụng, bắt đầu tiến hành thử nghiệm khả năng chịu hạn, chịu mặn và xác định cơ sở di truyền trong phòng tại Phòng thí nghiệm Đại học Hirosima (Nhật Bản) và thí nghiệm khảo sát ngoài đồng ruộng tại Yên Bái, Nam Định và Bạc Liêu nhằm chọn ra các giống ứng viên phù hợp để cùng để xuất dự án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu cực đoan.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.