Ngày 2/12, đoàn công tác của Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan đã thăm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, chọn tạo và phát triển sản xuất cây thức ăn cho gia súc của Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) tại Gia Lâm, Hà Nội.
Theo đó, đoàn công tác đã đến thăm khu thực nghiệm nghiên cứu chọn tạo, trồng thử nghiệm các giống cây thức ăn cho gia súc như ngô, các giống cỏ, cao lương... phục vụ cho chăn nuôi của Vietseed tại xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, hai đơn vị đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về một số giống cây thức ăn chăn nuôi nổi trội, các kỹ thuật trồng, chế biến; những thuận lợi, khó khăn trong chăm sóc, chế biến; xu hướng nghiên cứu, phát triển nghiên cứu, sản xuất, chế biến cây làm thức ăn cho gia súc...
Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt giống Việt chia sẻ: Hiện tại, Vietseed đang sở hữu và độc quyền phân phối nhiều loại giống ngô như giống ngô lai đơn VS201, QT 55, LT888…; một số giống cỏ làm thức ăn chăn nuôi như Tân Ghi-nê, Mombasa, Mulato II, Paspalum…; một số giống cao lương như OPV 88 super BMR, VFS 99, Latte…
Trong đó, nổi bật là giống ngô VS201 do Viện Nghiên cứu Ngô nghiên cứu và lai tạo, Công ty TNHH Hạt giống Việt độc quyền khai thác. Giống ngô này đã được Bộ NN-PTNT công nhận lưu hành từ tháng 12/2019. VS201 có thời gian sinh trưởng trung bình sớm từ 95 - 115 ngày (tùy vụ); thích ứng rộng, có bộ lá xanh bền đến tận khi thu hoạch.
Khi canh tác thực tế trên đồng ruộng đã chứng minh, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt, đặc biệt là sâu keo mùa thu (lên đến 95%) và cho năng suất sinh khối tương đương các giống ngô sinh khối tốt nhất hiện nay..
Ông Đỗ Thanh Tùng cũng cung cấp thông tin cho đoàn tham quan về giống cỏ voi mà Vietseed đang định hướng phục vụ cho chiến lược nghiên cứu, sản xuất viên nén làm nhiên liệu đốt là VS-19.
Đây là giống cỏ do chính Vietseed chọn lọc và đã được chấp nhận công bố lưu hành tháng 10/2021. Giống thích ứng rất rộng, chi phí canh tác thấp, năng suất sinh khối cao, phù hợp với “định nghĩa” cây trồng năng lượng sinh khối chuyên dụng.
Đặc biệt, cỏ voi VS-19 cho thu hoạch thường xuyên, chất lượng nguyên liệu đồng đều, giá thành thấp, khắc phục được các nhược điểm của nguồn nguyên liệu từ phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp như trấu, rơm, vỏ hạt, dăm bào, mùn cưa, cành củi... vốn đang ngày càng khan hiếm và tăng giá.
Kết quả kiểm nghiệm chất lượng mẫu viên nén sản xuất thử nghiệm từ sinh khối cỏ voi VS-19 thu hoạch tại Hà Nội, Khánh Hòa và Ninh Thuận năm 2022 cho kết quả: Giá trị nhiệt trị đạt lần lượt 3.593 - 3.954 và 3.850 Kcal/kg); tỷ lệ tro lần lượt là 6,97 - 8,27 và 3,75%; hàm lượng lưu huỳnh (S) dao động lần lượt là 0,167 - 0,062 và 0,169%; hàm lượng ni tơ (N) ở các mức 1,32 - 0,50 và 1,04%; tỷ lệ cố định các bon (mức độ hấp thụ CO2) đạt từ 16 - 18%...
Bên cạnh đó, các nghiên cứu định hướng dài hạn của Vietseed cũng đã và đang đồng thời được khởi động gồm: Sử dụng công nghệ sinh học nhân giống cỏ voi giúp giảm chi phí trồng mới và nhân nhanh diện tích; thu thập, đánh giá nguồn gen, xử lý, lai tạo và tuyển chọn giống cỏ voi mới; thử nghiệm trên giống cỏ Tân Ghi-nê - VS; nghiên cứu mức độ hấp thụ CO2 hướng tới mục tiêu trung hòa (Net Zero Carbon)...
Ông Seksan Suankool, Trưởng phòng Phát triển thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi Thái Lan) đánh giá cao công tác nghiên cứu, chọn tạo, phát triển sản xuất các giống cây phục vụ chăn nuôi gia súc tại Việt Nam, đặc biệt ngoài các cơ quan chuyên môn của nhà nước thì các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã rất năng động, chủ động trong việc chọn tạo, sản xuất nhiều loại giống cây trồng, giống cây làm thức ăn chăn nuôi khác nhau, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, trong đó Vietseed là một trong những doanh nghiệp tiên phong. Từ đó, giúp gia tăng năng suất, sản lượng, đồng thời vẫn đảm bảo được yếu tố chất lượng khi sử dụng ăn tươi hoặc chế biến, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam...
Qua trao đổi, tham quan trực tiếp, đã giúp các đại biểu trong đoàn công tác của Cục Chăn nuôi Thái Lan biết thêm nhiều bộ giống mới; có cái nhìn tổng thể, mở ra nhiều gợi ý cho Cục trong việc xem xét, phát triển hợp tác với Vietseed nói riêng, các đơn vị khác của Việt Nam nói chung trong việc phát triển các loại cây trồng làm thức ăn chăn nuôi tại Thái Lan trong thời gian tới.