| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

VIII. Người Việt ở Biển hồ Tonle Sap

VIII. Người Việt ở Biển hồ Tonle Sap

Tonle Sap nghĩa là sông nước ngọt lớn, người Việt Nam gọi là Biển hồ. Ở nơi đó có một cuộc hành trình không bờ không bến của đồng bào xa xứ.

 
 
Bài liên quan

Dòng Mekong sau cuộc hành trình chảy hết đất nước Lào, ở đoạn cuối đã chia thành nhiều nhánh tạo nên vùng đất lạ kỳ Si Phan Don với hơn 4.000 hòn đảo. Vào lãnh thổ đất nước Campuchia cứ tưởng dòng sông sẽ xuôi theo hướng Đông Nam mà chảy vậy mà không phải. Đến chỗ gần Thủ đô Phnom Pênh con sông Mẹ bất ngờ đẻ ra dòng Tonle Sap rồi lấy nước của mình bơm ngược hơn 100 cây số lên một vùng đồng bằng rộng lớn của 5 tỉnh Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom và Kampong Chhnang. Người Campuchia gọi đó là Tonle Sap, nghĩa là sông nước ngọt lớn còn người Việt ở đây gọi là Biển hồ. Dù là cách gọi nào cũng chỉ muốn thể hiện sự rộng lớn, mênh mông của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Có nhiều cách để đến Biển hồ Tonle Sap nhưng chúng tôi chọn lối đi từ Kampong Thom qua Siem Reap. Nghe kể đó là thành phố được đặt tên theo truyền thuyết về một cuộc xung đột qua nhiều thế kỷ giữa vương quốc Xiêm và vương quốc Khmer. Dụng ý đặt tên của người xưa muốn ám chỉ đây là nơi quân Xiêm bại trận. Thực hư thế nào đến nay chưa ai rõ, duy chỉ có điều dễ dàng cảm nhận, cố đô Siem Reap là thành phố du lịch nổi tiếng nhất đất nước Chùa Tháp. Đây chính là quê hương của di tích tôn giáo Angkor Wat rộng lớn nhất thế giới, cũng là thành phố gần với Biển hồ Tonle Sap nhất.

 

Chiếc thuyền máy rẽ sóng đưa đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam đến với một trong nhiều khu vực sinh sống của người Việt Nam trên Biển hồ. Thời điểm này đang bắt đầu vào mùa khô ở Campuchia nhưng chỉ sau vài phút rời bến thuyền Chung Knea chỉ thấy bốn bề toàn sóng nước.

Chovkimyeung, anh bạn dẫn đường người Campuchia nói, thường thì vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 Biển hồ khá hẹp và nông, chỗ sâu nhất chỉ tầm có hơn 1m, diện tích vào khoảng 10.000km2. Đó cũng là thời điểm nước từ trên khu vực này chảy xuống hòa vào dòng Mekong chảy hướng Việt Nam. Đến mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6, nước sông dâng cao, nước lại chảy ngược lên “biển”. Diện tích lúc này của Biển hồ vào khoảng 16.000km2, chỗ sâu nhất có thể tầm 9 - 10m. Ruộng đồng, nhà cửa nhiều nơi có thể bị nước nhấn chìm nhưng đó cũng là mùa người dân sinh sống nơi đây vui nhất. Cá tôm, phù sa từ sông Mekong theo con nước chảy vào từ bao đời qua đã trở thành nguồn sống gần như vô tận.

Đã từng có thống kê, nguồn nước Mekong mỗi năm ra vào Tonle Sap hai lần chính là sinh kế của khoảng 3 triệu người, bao gồm cả người Campuchia và người Việt.  

“Sông nước ngọt lớn” giống như người mẹ bao dung nuôi nấng cả một cộng đồng rất nhiều người, nhưng Chovkimyeung cũng nói, “người mẹ” ấy dường như đang ngày càng kiệt quệ. Biến đổi khí hậu cộng với quá nhiều các dự án xây dựng thủy điện của các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia đang gây ra những tác động đến Biển hồ.

Lịch trình con nước thay đổi, mức nước cũng không còn theo quy luật tự nhiên như trước đây. Đời sống người dân sông nước vì thế ngày càng khốn khó, nhất là đối với cộng đồng người Việt. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng ở Vương quốc Campuchia, dù thường xuyên thay đổi nhưng hiện nay có khoảng gần 8.000 hộ dân gốc Việt Nam đang sinh sống ở Biển hồ. Họ sống chủ yếu trên những ngôi nhà nổi, ven những cánh rừng ngập nước hoặc ở các khúc sông gần Tonle Sap. Quần tụ với nhau thành từng xóm, từng làng, lại có những nhóm người nay đây mai đó, theo mùa nước lên nước xuống, rải rác ở khắp mọi nơi. Mấy năm qua Chính phủ hai nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia cũng có nhiều chính sách quyết liệt nhằm hỗ trợ đưa người Việt trên Biển hồ lên bờ nhưng xem chừng còn lắm những gian nan.

 

Thuyền xuyên qua những cánh rừng ngập nước, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một ngôi chùa nhỏ dựng trên sàn nổi bằng mấy chục chiếc thùng phuy. Đây là trung tâm của một ngôi làng người Việt với khoảng 315 hộ, hơn 2.000 người, sống đời lênh đênh trên sóng nước. Người trông coi ngôi chùa là ông Nguyễn Văn Miêu (61 tuổi), nghe nói quê gốc ở tỉnh Tây Ninh nhưng xã nào, huyện nào thì ông lại không nhớ rõ. “Đi lâu quá rồi mà”, ông Miêu chậm rãi trò chuyện với chúng tôi.

“Không ai nhớ chính xác được người Việt mình có mặt ở Biển hồ vào khoảng thời gian nào”, vẫn là sự chậm rãi của ông Miêu. Nghe những người thế hệ trước kể lại, đã từ rất lâu đời người Việt ở khu vực phía Nam vẫn thường ngược dòng sông Mekong chài lưới. Họ sống trên những khúc sông khác nhau, lấy nghề tôm cá mưu sinh, thuyền cũng là nhà, rày đây mai đó rồi đi lên đến tận Biển hồ. Họ sống quần tụ với nhau thành từng xóm nhỏ, hết đời cũng không về lại được với tổ tiên mà nằm xuống bên các cánh rừng ven sông ven “biển”. Lại có thêm phân tích nói vào thời kỳ Pháp thuộc, không ít người Việt sang Campuchia làm công nhân cao su, binh biến loạn ly sau đó đã kéo nhau lên Biển hồ sinh sống. Gốc gác ra sao không còn ai nhớ rõ, chỉ có giai đoạn sau này là còn nhiều người biết. Buồn thay, đó là một cuộc hành trình không điểm đầu điểm cuối, lắm nỗi đoạn trường mà cũng lắm chết chóc tang thương.

 

Gia đình ông Miêu cùng với mấy hộ nữa, vốn là bà con cô bác với nhau sang đây từ những năm sau ngày thống nhất đất nước ở Việt Nam. Với nhiều người trong số họ, đó là sự trở về, bởi cha ông trước cũng đã từng sinh sống trên đây nhưng vì biến cố phải quay về nước. Nghe kể lại những câu chuyện vào giai đoạn đó mới thấy số phận người Việt ở Biển hồ nói riêng và trên xứ sở Chùa Tháp này nói chung quá trầm luân đau đớn.

Trong khoảng từ năm 1970 đến năm 1975, hàng ngàn người Việt trên đất nước Campuchia đã bị sát hại dưới bàn tay của chính quyền Cộng hòa Campuchia. Hàng chục vạn người Việt khác buộc phải hồi hương. Đến thời Khmer Đỏ, người gốc Việt ở Campuchia lại tiếp tục bị sát hại dưới nạn diệt chủng của Pol Pot. Chuyện này có số liệu lưu giữ hẳn hoi. Các tài liệu của Vương quốc Campuchia thể hiện, thời kỳ đó đã có hơn 170.000 người gốc Việt bị Khmer Đỏ đuổi về Việt Nam, số người ở lại bị chết vì đói, chết vì bệnh tật và bị nạn diệt chủng Pol Pot sát hại dã man cũng rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hà, người ông Miêu gọi bằng dì Tám (70 tuổi) vẫn còn nhớ mang máng là mình được sinh ra ở trên Biển hồ này. Bố mẹ bà lên đây từ thuở trước đó. Họ sinh được cả thảy 8 người con, bà Hà thứ út. Một cuộc sống như bà nói là “bọt nước trôi tới đâu tụi tui trôi tới đó”. Dù lớn lên ai cũng dựng vợ gả chồng, cứ tưởng đời này qua đời khác cũng sẽ dạt trôi trên những con thuyền hay những căn nhà nổi. Nhưng khoảng năm 1975 hay 1976 gì đó bà Hà không nhớ rõ, nạn diệt chủng Khmer Đỏ nổi lên và tác quai tác quái ở đất nước Chùa Tháp.

“Người Việt mình bị đuổi về xứ hết”, giọng bà Hà nghẹn lại. Nào giờ có biết “xứ Việt Nam” ở chỗ nào đâu? Cả gia đình dắt díu nhau lên thuyền thả trôi xuôi sông, chưa về được đến quê hương đã gặp cảnh người Việt bị giết hại dã man, xác chất thành từng đống nơi này nơi khác. Tui sợ quá bèn lăn ra bất tỉnh. Chẳng còn nhớ được về đến Châu Đốc (An Giang) rồi Hồng Ngự (Đồng Tháp) bằng cách nào. Chỉ nghe nói đó là quê chồng nhưng bà con chòm xóm cũng đã đi hết trơn. Từ vùng sông nước về miền sông nước vậy mà không sống nổi. Giăng câu, thả lưới kiếm con bống cát đem đổi gạo ăn được một thời gian vẫn cứ thấy xứ này xa lạ, bất an quá. Một số vùng của miền Tây Việt Nam thời điểm đó cũng phải trải qua nhiều tang thương do Khmer Đỏ gây ra, thành thử khi quân giải phóng vào và đánh đuổi Khmer Đỏ đến đâu thì không ít người dân đã theo chân đến đó. Nỗi ám ảnh chết chóc khiến họ phải bám vào bộ đội để mong giữ được mạng sống của mình, trong đó có những người trong họ hàng bà Hà, ông Miêu.

 

Họ trở lại Biển Hồ quãng từ năm 1979 trên một chiếc xuồng ba lá khi nạn diệt chủng đã tạm yên. Mồ mả bố mẹ vẫn còn chôn đâu đó ở vùng Bato, trong một cánh rừng ven Biển hồ nhưng chính xác ở đâu đã không còn ai nhớ nữa. Ngay chính bản thân bà Hà cũng không ngờ được là chuyến đi khỏi quê hương đó kéo dài cho đến tận bây giờ.

Hơn 40 năm qua cuộc sống của những người như bà chỉ quanh quẩn trên Biển hồ này, chưa một lần được trở về Việt Nam. Ban đầu chỉ có 7 - 8 hộ gia đình, dần dà thành xóm thành làng cùng đùm bọc nhau ở nơi xa xứ. Đàn ông đi “biển” đánh cá, đàn bà ở nhà vá lưới chăm con trở thành mô típ của tất cả những ngôi làng người Việt. Kết những chiếc thùng phuy lại làm sàn nhà ở, một chiếc ghe thuyền vừa là phương tiện đi lại vừa là mưu sinh, thế hệ này qua thế hệ khác đều lênh đênh như vậy. Một thời gian khá dài cuộc sống cũng có thể coi là yên ổn, nhưng những năm gần đây đó là sự yên ổn nằm trên bọt nước.

Gia đình ông Miêu có 7 người, dù mấy người con cũng đã dựng vợ gả chồng cả rồi nhưng vẫn sống cùng với ông bà trên một căn nhà nổi. Sống giữa mênh mông Biển hồ nhưng nước uống phải mua, mấy chục năm trong bóng tối chỉ thời gian gần đây mới sắm được tấm pin năng lượng mặt trời để dùng. Chốn sinh hoạt chật chội, tù túng và khốn khó trăm bề đã đành, mười mấy con người dựa hoàn toàn vào những chuyến “ra khơi”. Ngày trước cá tôm Biển hồ còn dồi dào, nỗi lo còn ít. Ông Miêu kể rằng lắm hôm chuẩn bị lưới từ hôm trước để ngày mai đi làm thì sáng ra cá đã vướng đầy không thèm gỡ. Mỗi chuyến “đi biển” bố quăng chài con bỏ lưới cùng nhau kiếm vài tạ cá là chuyện bình thường. Cá đánh được mang bán hoặc đem đi đổi gạo và vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Dù không thể coi là sung túc nhưng vẫn có thể đắp đổi qua ngày, miếng ăn không đến nỗi phải quá lo. Vậy nhưng mấy năm gần đây đã không còn cảnh đó nữa.

Tôm cá ít dần là một nhẽ, kể từ khi Chính phủ Campuchia khoanh vùng hạn chế đánh bắt, ban hành các quy định cấm sử dụng công cụ chài lưới trên Biển hồ cuộc sống lại càng thêm khốn khó.  

 

“Giá xăng dầu năm nay cao quá, đi chuyến nào lỗ chuyến đấy nên nhiều người chán bỏ nằm nhà. Mà bây giờ người Việt ở Biển hồ cũng không còn được tự do đánh bắt như ngày xưa nữa đâu. Chính phủ Campuchia họ cấm người dân kéo cào, giật điện, đánh cá trong lô của Nhà nước nên người Việt mình trên này chỉ được phép quăng lưới, thả câu mấy vùng ven ven như thế này thôi. Họ chỉ cho mỗi gia đình đăng ký 70 - 100m lưới, đánh được cá mới có tiền mua gạo ăn, không đánh được thì cũng đành nhịn chứ biết sao giờ”, ông Miêu vừa ngậm ngùi vừa nổ máy thuyền đưa chúng tôi ra khu vực ngã ba sông Siem Reap và Biển hồ.

Chỗ đó, trước cũng là một làng chài người Việt khác, nhưng sau khi có lệnh cấm đánh bắt bằng kéo cào, giật điện bây giờ chỉ còn sông nước mênh mông, dân làng kéo nhau đi đâu không ai rõ. “Chắc rồi đây chúng tôi cũng thế”, giọng ông lão hơn 60 tuổi không giấu được sự lo toan: Một số gia đình ở đây thay vì chài lưới như ngày trước đã chuyển đổi sang nuôi cá lồng bè nhưng cũng chẳng ăn thua. Sơ sểnh ra là bị phạt, chưa kể gặp một hai đợt cá chết phải bán luôn cả thuyền.  

 

Chúng tôi lênh đênh trên Biển hồ vào dịp Đảng, Nhà nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia tiếp tục có những cuộc gặp gỡ, bàn bạc để cùng nhau hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Biển hồ ổn định cuộc sống. Trước đó, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ Campuchia đã nhiều lần ban hành các chính sách nhằm di dời cộng đồng người Việt khỏi Tonle Sap.

 

Ông Miêu lấy tôi xem một tấm thẻ màu vàng, dạng như căn cước công dân do Vương quốc Campuchia cấp. Cũng có gắn chip và mã số nhưng thời hạn chỉ được hai năm, quá hạn không làm thủ tục làm lại sẽ bị phạt 1 triệu riels, tương đương khoảng 6 triệu tiền Việt Nam. Đó là tất cả những gì mà ông hay những người lớn ở ngôi làng nổi này có. Họ gọi đó là thẻ thường trú dành cho những người nước ngoài thuộc diện nhập cư. 

Bước đường cùng rồi chú ơi. Cũng có nhiều người lên bờ rồi nhưng không biết làm nghề gì kiếm sống cả. Người đi vào các công ty của Việt Nam mình bên này làm công nhân trồng cao su, trồng chuối, cũng có nhiều người đi về Việt Nam rồi đấy nhưng rồi được một thời gian lại thấy quay trở lại đây. Cả đời sống trên nhà nổi, thuyền ghe, lênh đênh quen quá rồi bây giờ lên bờ có khi lại ốm. Nghề nghiệp kiếm sống ngoài chài lưới, cá tôm ra người Biển hồ có biết gì khác đâu. Lái thuyền ghe quen rồi lên bờ cầm xe máy đi loạng quạng gây tai nạn giao thông mất mạng suốt đấy.

Vừa nói chuyện vừa như muốn khóc, và rồi ông Miêu khóc thật. Đó là khi ông cầm tấm ảnh người con gái đầu chụp trong ngày cưới 7 năm về trước. Từ đó đến giờ ông chưa có cơ hội gặp lại, chỉ biết qua điện thoại là đã sinh cháu ngoại nay đã đến tuổi đi học rồi.

“Đám cưới nó cũng ở giữa Biển hồ này. Nhà trai chỉ có 2 người, đi xuồng ghe đến rước dâu rồi sau đó vợ chồng chạy vạy về Việt Nam sinh sống. Ở Đồng Nai hay Bình Dương tôi cũng chỉ nghe nói thế chứ nào đã được về Việt Nam bao giờ. Cũng muốn về lắm nhưng không có giấy tờ gì nên về không nổi. Hôm trước có đoàn khách Việt mình qua đây du lịch tôi có hỏi tình hình người Việt ở Biển hồ được bố trí trở bên đấy sống ra làm sao, họ nói là toàn những xóm liều, xóm không quốc tịch, nghe tủi thân lắm”, ông Miêu vén áo lau nước mắt.

 

Cả làng chài hơn 315 hộ thì chừng ấy hoàn cảnh giống nhau, chỉ mỗi tấm “thẻ vàng” để chính quyền sở tại dễ bề quản lý về số lượng nhân khẩu. Còn cuộc sống ra sao thì gần như không có ai quan tâm đỡ đần gì.   

Cạnh nhà ông Miêu là nhà bà Phạm Thị Lựu (71 tuổi), cũng sang bên này đã mấy chục năm, có 8 người con nhưng hiện đang lênh đênh ở đâu cũng không thể rõ, chỉ biết là ở trên Biển hồ này thôi. Bà kể rằng, nhiều lần đám con cái chúng nó nói muốn về quê quán ở bên Việt Nam xem có khá hơn không chứ ở đây khổ quá. Nhưng không về được, giấy tờ không có, cũng đã về, không ai xác nhận cho rồi lại phải đi. Thế hệ chúng tôi chắc rồi cũng như cha chú trước, sống nay chết mai có khi phải nằm xuống trên đất này, nghĩ chỉ thương tụi con cháu, rồi đây không biết có lối thoát nào không chứ cứ thế này khổ lắm. Thỉnh thoảng lên bờ họ toàn coi như hủi, chẳng khác gì dân tị nạn cả. 

Màn đêm buông xuống trên làng chài của người Việt ở Biển hồ. Sóng vỗ oàm oạp vào những chiếc thùng phuy nhà nổi nghe như trong đó còn có cả những tiếng thở than. Không than thở làm sao được khi cái cảnh trở đi mắc núi trở về mắc sông của những ông Miêu, bà Hà, bà Lựu hay hàng nghìn thân phận người Việt khác ở Biển hồ đang ngày càng mong manh thấy rõ.

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Quốc Nhật
Quốc Nhật
.
Xem thêm