Thực hiện Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP) tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2019–2020, kế hoạch giai đoạn 2021–2025 và định hướng đến 2030, huyện Vĩnh Lợi đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.
Theo đó, xác định việc xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố quan trọng để tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi cho biết, thực hiện theo nội dung của Đề án, trong năm 2019 – 2020 Hội đồng và tổ giúp việc OCOP của huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 4 cơ sở sản xuất – kinh doanh hoàn thiện hồ sơ, bao bì, nhãn mác tham gia dự thi đánh giá cấp huyện và cấp tỉnh.
“Kết quả, có 6 sản phẩm từ nông nghiệp được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 – 4 sao. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt 3 là Khô cá kèo Kiều Hạnh, Rượu vang sơ ri Vallenstina Lâm Vũ, Khô cá kèo Xuân Thảo, Khô cá lóc Xuân Thảo, Mắm cá đồng không xương Xuân Thảo và 1 sản phẩm đạt 4 sao là Muối tinh Bạc Liêu”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Số lượng chủ thể và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của mỗi xã nói riêng và của huyện Vĩnh Lợi nói chung.
Theo ông Hải, nguyên nhân được xác định là do các cấp, ngành trong huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chương trình OCOP. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, sản xuất kinh tế hộ chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, HTX) thiếu cả số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, bao bì, nhãn mác và quản lý chất lượng sản phẩm chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường,...
Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: Với lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có khă năng xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như: nhóm sản phẩm từ trồng trọt gồm: Gạo Tài Nguyên, Ổi Hồng Sen, Táo sạch thị trấn Châu Hưng, Hẹ Hưng Thành, Năng bộp Vĩnh Hưng A, Bồn bồn xã Châu Hưng A,…
Còn nhóm sản phẩm từ thủy sản bao gồm: Tôm khô, Cá khô, Mắm,… và nhóm sản phẩm từ chăn nuôi như: Khô trâu, Khô heo, Chả lụa,….Ngoài ra các sản phẩm nông nghiệp còn có khả năng được chế biến thành các dạng đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm.
Theo ông Phúc, trong thời gian tới công tác xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP từ nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, việc khai thác và phát huy hiệu quả Chương trình sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới.
Để xây dựng và phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi cũng đã đề xuất và tập trung tham mưu các cấp, ngành của huyện thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Một là, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP, từ đó kích cầu tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế.
Hai là, cần chỉ đạo quyết liệt, đưa chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy, thành lập ban điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, thực hiện hiệu quả đề án, kế hoạch của chương trình.
Ba là, các xã, thị trấn thực hiện rà soát, xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất có điều kiện tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, xây dựng và phát triển sản phẩm. Trong đó ưu tiên cho các chủ thể là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định và lâu dài.
Bốn là, huy động nguồn vốn từ ngân sách và các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho chủ thể tham gia chương trình OCOP gắn với thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm OCOP.
Năm là, phát triển sản phẩm gắn với tiếp cận theo thị trường, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hội chợ, triển lãm, hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động dịch vụ, du lịch theo chuỗi sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.