Phát huy lợi thế chăn nuôi gia cầm
Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện toàn tỉnh đang có đàn gia cầm hơn 10 triệu con, trong đó riêng đàn gà hơn 7 triệu con, còn lại là vịt và một số loài vật nuôi khác. Số hộ chăn nuôi gia cầm hiện nay là gần 40.000 hộ, với tổng đàn nuôi trên 6 triệu con và 371 trang trại nuôi gia cầm gần 4 triệu con.
Theo ông Tùng, chăn nuôi gia cầm trong tỉnh phát triển mạnh là nhờ tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái rộng, được tận dụng để kết hợp chăn nuôi. Hơn nữa, đàn gia cầm có thời gian chăn nuôi ngắn, đầu tư các trang thiết bị thấp hơn nuôi heo, nên có nhiều hộ dân tham gia.
Đặc biệt, chăn nuôi gia công phát triển, là đầu tàu để kéo ngành chăn nuôi gà trong tỉnh phát triển với qui mô và hình thức khác nhau.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, được người dân nhiệt tình ủng hộ và tham gia tốt công tác tiêm phòng, giúp người dân an tâm sản xuất phát triển chăn nuôi nên đó cũng là điều kiện để góp phần phát triển tổng đàn gia cầm ngày càng tăng.
Hiện nay, chăn nuôi công nghiệp, trang trại tập trung, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt là liên kết chuỗi trong chăn nuôi đang được các doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Tham gia liên kết chuỗi, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gia công cho các doanh nghiệp, vừa tận dụng được tiềm lực của doanh nghiệp về tài chính, công tác quản lý chăn nuôi, vừa không phải lo về đầu ra, thu nhập khá ổn định.
Người dân tham gia chăn nuôi gia công cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Emivest, Japfa Comfeed, CJ Vina Agri và các doanh nghiệp trong nước như Bình Minh, Greenfeed, Vietlight, Tuấn Phát…
Hiện, đang có 9 trại chăn nuôi heo gia công với tổng đàn 19.600 con và 105 trại nuôi gia công gà, hơn 3 triệu con. Phần lớn các trại chăn nuôi đều áp dụng công nghệ chuồng lạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hình thành các chuỗi liên kết phát triển chăn nuôi bền vững.
Hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tích cực mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hoạt động. Tận dụng cơ sở vật chất từ các cơ sở sản xuất gạch thủ công không còn hoạt động để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà nuôi gia công từ năm 2004 và phát triển mạnh cho đến ngày hôm nay.
Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và cho đàn vật nuôi. Hàng năm, ngành thú y triển khai 2 đợt chính tiêm phòng vacxin vào tháng 3, 4 và tháng 9, 10, đảm bảo 100% đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng theo quy định đều được tiêm vacxin đầy đủ.
Đồng thời, thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng. Hỗ trợ hóa chất để tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường về tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi.
Toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở giết mổ động vật đảm bảo về vệ sinh môi trường và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 850 con heo, 60 con trâu, bò, 4.500 con gia cầm được giết mổ tại các cơ sở có kiểm soát của nhân viên thú y.
Ngân sách tỉnh chi hỗ trợ toàn bộ tiền mua vacxin, người dân chăn nuôi chỉ phải trả tiền công tiêm phòng, đối với các bệnh bắt buộc phải được tiêm phòng như: bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò, cúm gia cầm, bệnh dại chó, mèo...
Nhờ đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long không phát hiện bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò.