| Hotline: 0983.970.780

Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

Thứ Tư 08/05/2024 , 07:30 (GMT+7)

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Thu Giang, người chăn nuôi vịt Xiêm lai Pháp chuyên nghiệp, đồng thời là chủ một cơ sở kinh doanh giống gia cầm ở ấp Tân Tạo, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, giống vịt Xiêm lai Pháp (ngan Pháp) được chị gây nuôi từ năm 2012 đến nay.

Giống vịt này có nhiều ưu điểm như thích nghi tốt trong điều kiện ít nước, diện tích nuôi không cần quá lớn, thức ăn đa dạng (từ cám hỗn hợp đến chuối cây, rau xanh, bắp, lúa...).

Vịt được các thương lái rất ưa chuộng, thu mua để cung cấp cho thị trường nội địa là các chợ truyền thống, siêu thị, quán ăn, khu công nghiệp nên đầu ra ổn định.

Chị Giang giói thiệu giống vịt Xiêm lai Pháp (ngan Pháp). Ảnh: Minh Đảm.

Chị Giang giói thiệu giống vịt Xiêm lai Pháp (ngan Pháp). Ảnh: Minh Đảm.

Với mô hình nuôi vịt thịt thương phẩm, ngoài chuồng trại sẵn có bà con cần đầu tư con giống khoảng từ 12.000 - 20.000 đồng/con, thức ăn chăn nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 100.000 đồng/con, thuốc thú y và vacxin từ 10.000 - 20.000 đồng/con. Để nuôi 1.000 con vịt thương phẩm cần khu vực nuôi khoảng 300m2.

Sau khoảng thời gian từ 70 - 75 ngày, vịt mái đạt trọng lượng từ 2,2 - 2,4kg là có thể xuất bán. Riêng đối với vịt trống cần từ 80 - 85 ngày, chúng sẽ đạt trọng lượng 3,8 - 4,2kg.

Hiện nay, giá vịt hơi được các thương lái thu mua tại chuồng từ 60.000 - 62.000 đồng/kg. Nếu tính trung bình mỗi con vịt nặng 3kg, người nuôi có thể thu được 180.000 đồng, lãi từ 40.000 - 60.000 đồng/con.

“Thức ăn cho vịt Xiêm lai tốn ít hơn vịt siêu thịt. Vịt rất dễ nuôi nhưng cần phải nắm chắc quy trình tiêm ngừa vacxin, phòng và trị bệnh. Tỷ lệ nuôi hầu như đạt 100%.

Trong thời gian nuôi cần tiêm ngừa rục mỏ hai lần, ngừa H5N1 1 lần, ngừa thêm các bệnh cúm, tả, thương hàn.

Khi vịt được nuôi 20 - 25 ngày tuổi, cần hơ mỏ (cắt và đốt mỏ - PV) để cho nó không cắn nhau”, chị Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ. 

Vịt xiêm lai Pháp trưởng thành có nhiều 'bông' trên thân. Ảnh: Minh Đảm.

Vịt xiêm lai Pháp trưởng thành có nhiều "bông" trên thân. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh nuôi vịt Xiêm thương phẩm nhiều bà con nông dân còn nuôi chuyên trứng có thu nhập khá ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hiệp cũng ở ấp Tân Tạo, xã Tân Tập đang nuôi 350 con vịt Xiêm Pháp lai chuyên trứng với tỷ lệ 6 mái - 1 cồ (trống). Mỗi ngày, bà nhặt từ 180 - 200 quả, sau khi trừ chi phí, “bỏ túi” được khoảng 1 triệu đồng.

Theo bà Hiệp, vịt Xiêm thịt nuôi lên sinh sản cần mất thêm khoảng 3 tháng. Tới lúc này, vịt mái đẻ rất đều, tỷ lệ đẻ tới hơn 80%.

Trung bình mỗi tháng, một vịt mái đẻ từ 25-26 trứng. Sau 6 tháng sinh sản liên tục, vịt mái sẽ ngưng đẻ và thay lông trong khoảng 2-3 tháng. Sau đó, vịt mái sẽ đẻ ít đi, dao động khoảng 20 trứng/tháng.

Trung bình, một vòng đời vịt xiêm mái sẽ sinh sản khoảng 550-600 trứng. Số trứng này được doanh nghiệp cung cấp giống thu mỗi tuần với giá từ 6.000 - 8.000 đồng/quả, tùy theo thời điểm. Khi tỷ lệ rớt hột dưới 4 phân (tức 40%) cần thay đàn mới.

Vịt mái già rất được thị trường ưa chuộng và có giá thu mua bằng với vịt tơ nên khi bán đi, người nuôi vẫn thu đủ tiền để đầu tư trở lại.

Bà Nguyễn Hiệp Hiệp đang nuôi 350 con vịt Xiêm lai Pháp chuyên trứng, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Nguyễn Hiệp Hiệp đang nuôi 350 con vịt Xiêm lai Pháp chuyên trứng, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: Minh Đảm.

“Hiện nay, mỗi ngày vịt đẻ được 180 hột, bán giá 8.000 đồng/hột, trừ tiền thức ăn là 400.000 đồng còn 1 triệu đồng. Tôi thấy con vịt Xiêm này cũng dễ nuôi. Để vịt đẻ đều cần cho ăn cám hỗn hợp chuyên dùng cho vịt đẻ.

Ở nông thôn đa số người trẻ làm ở khu công nghiệp, còn những người già ở nhà trông cháu nếu nuôi thêm vịt Xiêm kiếm thu nhập hàng ngày cũng đỡ”, bà Hiệp chia sẻ.

Hiện nay, trong khi chăn nuôi gà, heo theo phương thức gia trại, nhỏ lẻ đang không thể cạnh tranh với các “ông lớn” mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp theo hình thức gia trại vẫn mang lại hiệu quả khá, giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Tuy nhiên, chăn nuôi là lĩnh vực khá rủi ro, nhất là việc người nuôi không nắm vững các quy trình kỹ thuật, tiêm phòng, do vậy cần được tập huấn thành thạo kỹ thuật trước khi bắt đầu.

Cơ sở giống gia cầm Thu Giang đang liên kết với hàng chục nông hộ nuôi vịt Xiêm chuyên trứng và cung cấp hàng tháng khoảng 100.000 con vịt Xiêm Pháp giống cho bà con chăn nuôi ở các tỉnh: Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, Tây Ninh… Ngoài vịt Xiêm Pháp, cơ sở còn cung ứng vịt Hòa Lan, vịt siêu thịt, vịt siêu nạc, gà Minh Dư, gà Dabaco…

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.