Đó là ông chủ trại ngan lai Pháp, gà nòi Lê Tuấn Vũ, 47 tuổi, ở ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Trang trại của anh Vũ rộng 1ha, nhưng chỉ thả 3.000 con gà nòi Bến Tre, 1.000 con ngan đen (ngan lai Pháp).
Gà nòi ăn hoa, lá, quả
Giới thiệu với tôi về mô hình chăn nuôi nổi bật ở địa phương, anh Phan Quốc Oai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận, úp mở: “Lộc Thuận giờ nhiều mô hình chăn nuôi tốt lắm. Riêng mô hình của gia đình anh Vũ thì không lớn, nhưng lại có điểm đặc biệt là cách làm không giống ai. Anh vào gặp anh Vũ sẽ biết”. Anh Oai nói khiến tôi cũng tò mò.
Lúc chúng tôi đến, đàn gà đang tản mát khăp nơi trong vườn kiếm ăn, còn đàn ngan Pháp cũng chỉ có chừng vài chục con đang nằm bệt lim lim ngủ dưới bóng mát những lùm cây. Anh Vũ nói: “Ngan Pháp và gà nòi đều là những giống gia cầm dễ nuôi, nhất là nuôi trong môi trường thả tự nhiên, chúng sẽ có sức đề kháng cao hơn so với cách nuôi khép kín trong chuồng trại. Nhưng để chúng khỏe mạnh và phát triển tốt, thì cũng cần nhiều tố, như nắm rõ đặc tính sinh trưởng của mỗi loài và áp dụng quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật, từ cách cho ăn, liều lượng, loại thức ăn đến vệ sinh, phòng bệnh… Đặc biệt là phải có kinh nghiệm để phát hiện kịp thời đàn gia cầm bị bệnh, bệnh gì và cách điều trị để tránh lây lan cả đàn làm thiệt hại đến kinh tế”.
Nói về quy trình nuôi gà khác người, anh Vũ cho biết: “Trước giờ tôi nuôi nhiều con rồi, dê, heo, vịt trắng, giờ là gà, ngan Pháp. Nuôi con gì tôi cũng coi trọng chất lượng. Vì tính tôi nó thế rồi. Tôi muốn gà, ngan mình nuôi phải ngon như ngày xưa ông bà mình nuôi. Một là để gia đình ăn, hai là để người ta mua về ăn cũng thích như mình”.
Hiện nay, anh Vũ đang duy trì đàn gà nòi Bến Tre 3.000 con, nuôi kiểu thả vườn, nên đàn gà không cần cắt mỏ, mặc dù tỷ lệ hao hụt tương đối cao, khoảng 5 - 6% từ lúc gà con đến khi xuất bán, nguyên nhân chủ yếu do gà mổ, đánh nhau. Nhưng bù lại, gà thành phẩm của anh Vũ luôn được thương lái săn đón, mua với giá cao hơn các trại khác vì biết rõ chất lượng. “Khu vườn của tôi chỉ để tự nhiên, cây, cỏ nhiều, mát, đàn gà tự kiếm thức ăn ngoài vườn nên giảm chi phí thức ăn nhiều. Gà của tôi trọng lượng bình quân chỉ trên dưới 2 kg/con, không to, nhưng rất ngon. Mà thương lái họ tinh lắm, cho dù gà không cắt mỏ, nhưng họ chỉ cần vạch cánh lên nhìn, vuốt lông là biết gà nuôi bằng hình thức nào, nuôi khép kín hay ăn cám. Người ta nuôi khép kín, 1 chuồng diện tích 300m2 mà thả tới 3.000 con, thì chất lượng phải khác với 1.000 con thả vườn trên diện tích 1ha chứ”, anh Vũ nói.
Anh Vũ phân tích, vật nuôi cũng như con người, nếu ăn uống vệ sinh, sạch sẽ và đầy đủ thì không chỉ khỏe mạnh, mà cũng sẽ ít bệnh, vì có sức đề kháng tốt. Chinh vì thế, đàn gà nòi của anh được thả chạy nhảy tung tăng ngoài vườn, tự bới đất, bụi cỏ tìm thức ăn. Đặc biệt, anh trồng khá nhiều loại cây có dược tính như đinh lăng, diếp cá, hành, hẹ, gừng… đàn gà có vẻ rất thích vào những nơi trồng các loại cây này để bới đất ăn, khi không tìm được côn trùng, giun dế, chúng ăn luôn lá cây.
“Tôi cũng có kinh nghiệm kha khá trong phòng trị bệnh cho gà. Nên mặc dù chỗ cung cấp giống vẫn hỗ trợ tư vấn, nếu gà có vấn đề gì mình gọi điện, họ sẽ tư vấn. Ngoài ra tôi còn có người em họ là bác sĩ thú y ở gần đây nữa, nhưng tôi ít gọi. Vì một số bệnh cơ bản của gà tôi toàn trị bằng các bài thuốc dân gian từ tỏi, tiêu, gừng, tía tô… sắc nước cho gà uống chứ không dùng thuốc đặc trị”, anh Vũ cho biết.
Có lẽ vì vậy mà chất lượng gà thương phẩm của anh Vũ luôn cao, được thương lái đón nhận. Hiện giá gà thương phẩm của gia đình anh Vũ cao nhất khu vực Lộc Thuận, và anh chưa từng phải mang ra chợ bán. “Hiện nay giá gà thả vườn ở đây khoảng 90 ngàn đồng/kg. Nhưng gà của tôi thương lái trả 95 ngàn đồng/kg", anh Vũ khoe.
Ngan Pháp chất lượng cao
Tương tự gà nòi, đàn ngan Pháp của anh Vũ cũng cho chất lượng cao nhờ được nuôi bằng các loại thức ăn đậm chất đồng ruộng như rau, lúa, ngô và cua ốc, cá tạp.
“Con ngan Pháp này khó nuôi hơn gà, nên nếu chưa có kinh nghiệp thì nuôi ít, tăng đàn dần dần để tránh rủi ro. Khi ngan còn nhỏ, mình phải úm trong chuồng và cho ăn cám tổng hợp. Khi được 4 tuần tuổi bắt đầu thả ra ngoài và cho ăn theo công thức riêng của mình. Đó là trộn rau, cua, cá, ốc bằm nhỏ. Cách nuôi ngan nhanh khỏe, mau lớn không khó, vấn đề là mình phải biết lượng thức ăn cho chúng đã đủ chưa? Nếu lượng dinh dưỡng không đủ, ngoài chậm lớn thì chúng dễ cắn nhau. Ngoài ra, không cho ngan ăn thức ăn ôi thiu, ăn bữa nào hết bữa đó, cho ăn từ từ, ăn hết mới cho ăn tiếp”, anh Vũ nói.
Theo anh Vũ, thời gian nuôi ngan Pháp tương đương nuôi gà, nếu nuôi giỏi, khoảng 2 tháng rưỡi ngan trống có thể đạt trọng lượng bình quân 3,5 - 4kg, ngan mái 2,5 - 3kg. “Nuôi vịt trắng chỉ 45 ngày đã đạt trọng lượng 2 - 3 kg/con, có thể xuất bán, sao anh không nuôi?”, tôi hỏi. “Vịt trắng cần phải nuôi ở môi trường nước, mình không có nhiều đất để làm ao, với lại vịt trắng đầu ra bấp bênh, dễ lỗ. Trong khi con ngan dễ bán, giá ổn định hơn. Đặc biệt là ngan có thể sống trên môi trường vườn như gà, thỉnh thoảng mới cần xuống nước tắm. Nên không cần diện tích rộng”, anh Vũ đáp.
Ngoài thức ăn công nghiệp, lúa và các phụ phẩm nông nghiệp, anh Vũ còn ra các kênh, mương, ruộng bắt thêm cua, ốc, ra chợ mua các loại cá tạp về băm nhỏ trộn cám và rau muống thành thức tổng hợp chất lượng cao cho ngan ăn. Nhờ vậy, đàn ngan không chỉ lớn nhanh, mà chất lượng thịt cũng rất cao.
Về phòng, trị bệnh cho ngan, anh Vũ cho biết, một trong những căn bệnh ngan thường mắc là bệnh rụng lông. “Bệnh rụng lông ở ngan còn gọi là bệnh Derzsy’s. Nguyên nhân thì nhiều, như nuôi quá dày, vệ sinh chuồng trại, do thức ăn và do thời tiết xấu, sau khi tiêm phòng hay sau khi vận chuyển do bị stress, giảm sức đề kháng. Ngan mắc bệnh này sẽ bỏ ăn, bại chân, đi không vững, hoặc nằm ngửa, 2 chân đạp đạp trong không khí. Bị bệnh này nếu không chết, ngan chậm lớn, lông rụng từ cổ dần xuống thân, sau 1 tháng rưỡi mới mọc trở lại, nhưng lúc này lông chng sẽ chuyển từ đen sang trắng, trong lượng nhẹ hơn bình thường, xương xốp dễ gãy. Đàn ngan bị búệnh này là coi như lỗ.
Bệnh Derzsy’s không có thuốc đặc trị nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Bắt đầu từ khâu con giống. Bệnh này di truyền từ trong trứng, tức là ngan bố mẹ bị bệnh này rồi thì trong trứng cũng có mầm bệnh, ngan con nở ra cũng bị. ngoài ra, bệnh này cũng có nguy cơ bị khi thời tiết thay đổi, khi đó, cần bổ sung một số loại thuốc kháng sinh, vitamin, men vi sinh… trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho ngan. Một lứa ngan khoảng 2 tháng rưỡi, nhưng tôi chỉ nuôi 1 năm 3 lứa, thời gian còn lại dành cho sát khuẩn, vệ sinh chuồng trại, nơi ngan ăn, ngủ”, anh Vũ nói.
Anh Phan Quốc Oai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận cho biết, mấy năm trước cũng nhiều người nuôi con ngan này, nhưng đợt Tết năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá ngan từ 60 ngàn tụt xuống còn hơn 30 ngàn, nhiều người trắng tay, bỏ nuôi luôn. Hiện cả xã chỉ còn anh Vũ và 1 hộ nữa nuôi ngan đen. Vì thế, lợi nhuận từ ngan cao hơn gà. Tính bình quân mỗi con ngan nặng 3kg bán được 180 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc khoảng 130 ngàn, mỗi con còn lời 50 ngàn đồng. Như vậy, đàn ngan 1.000 con này, mỗi lứa 2 tháng rưỡi xuất bán, anh Vũ lời khoảng 50 triệu.