Hài lòng với hạng mục đầu tư của VnSAT
Nằm trên địa bạn huyện biên giới Đức Cơ, HTX Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Phượng Hoàng có 324 thành viên liên kết với 530 ha diện tích trồng cà phê. Sau 2 năm nỗ lực tham gia dự án VnSAT, HTX Phượng Hoàng đã cảm thấy hài lòng với kết quả đầu tư đã đạt được.
Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc HTX Phượng Hoàng cho biết, đến thời điểm hiện tại, HTX đã được VnSAT đầu tư các trang thiết bị máy móc về chế biến cà phê như máy tách màu (1,6 tỷ đồng), máy xát vỏ cà phê tươi chế biến ướt (2,8 tỷ đồng) theo hình thức đối ứng 50/50.
Ngoài ra, HTX còn được đầu tư 2 tuyến đường nội đồng để thuận tiện cho việc vận chuyển vào khu sản xuất. Cụ thể, tuyến đường liên xã Ia Kriêng – Ia Kêl có chiều dài 5,2 km với tổng kinh phí 10,6 tỷ đồng; tuyến đường từ xã Ia Lang đi thị trấn Chư Ty có chiều dài 6 km với tổng kinh phí 15 tỷ đồng.
Trong giai đoạn tiếp theo, VnSAT tiếp tục đầu tư cho HTX hệ thống sân phơi, nhà màn với tổng diện tích 6.000 m2, kinh phí dự kiến khoảng 4,6 tỷ đồng; kho tự động chứa hàng 500 tấn với kinh phí ước tính khoảng 7,8 tỷ đồng.
“Với việc VnSAT đầu tư theo chuỗi liên kết sẽ giúp cho chất lượng cà phê được nâng cao, giúp cho thu nhập của các thành viên được cải thiện hơn”, ông Duy cho biết.
Cũng phấn khởi khi được Dự án VnSAT hỗ trợ, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX sản xuất –Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp và Du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho biết, đơn vị vừa hoàn thành lắp đặt máy tách màu và hệ thống chế biến cà phê chất lượng cao.
“Tới đây, HTX sẽ đẩy mạnh thu mua cà phê cho người dân sau đó tiến hành tách màu để lựa chọn những loại cà phê chất lượng cung cấp cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp phục vụ cho việc xuất khẩu”, ông Thanh cho biết.
Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, cùng với chương trình tập huấn sản xuất và tái canh cà phê bền vững, trong giai đoạn 2021-2022, VnSAT sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư 5 tiểu dự án xây dựng đường giao thông nội đồng với tổng giá trị là 64,2 tỷ đồng theo chính sách đầu tư công.
VnSAT Gia Lai đã ký hợp đồng với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật dự án để thực hiện 22 lớp tập huấn sản xuất cà phê bền vững. VnSAT cũng chuẩn bị tập huấn 20 lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cà phê bền vững theo kế hoạch năm 2021.Trong đó, ưu tiên tập huấn đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch tập huấn chưa được thực hiện.
Trước đó, VnSAT còn hỗ trợ các tổ chức nông dân mua máy móc thiết bị sơ chế sản phẩm hạt cà phê như: máy xát vỏ cà phê, máy tách hạt cà phê theo công nghệ tách màu... với tổng giá trị 6,783 tỷ đồng. Cụ thể, HTX Ia Mơ Nông đầu tư máy tách màu với kinh phí 1,868 tỷ đồng; HTX Phượng Hoàng đầu tư máy xát vỏ cà phê tươi chế biến ướt với kinh phí 4,6 tỷ đồng; HTX Tân Tiến đầu tư máy xát vỏ cà phê khô và vít tải ống hút cà phê vớ kinh phí 315 triệu đồng.
Sức bật từ những cung đường vào khu sản xuất
Ông Lê Quốc Tuấn cho biết, các tiểu dự án đường giao thông ở xã Đăk Krong (huyện Đăk Đoa), xã Đăk Djrăng và xã Đăk Ta Lay (huyện Mang Yang), xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) hiện đã được thi công, còn lại tiểu dự án ở xã Ia Kriêng – Ia Kêl (huyện Đức Cơ) đang được thực hiện lựa chọn nhà thầu để thi công. Riêng đối với dự án đường giao thông ở xã Ia Sao (huyện Ia Grai) mới xin thủ tục chờ phê duyệt.
Ông Tuấn cũng cho biết, theo yêu cầu của Ngân hàng thế giới, các dự án đường giao thông phải hoàn thành trước tháng 6/2022 nên các đơn vị thi công buộc phải đẩy nhanh tiến độ cho kịp thời gian. “Với việc các tuyến đường đã được triển khai thi công, chúng tôi tin dự án sẽ hoàn thành trước thời hạn”, ông Tuấn chia sẻ.
Những ngày qua, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt các thành viên HTX Nông nghiệp Đăk Krong (huyện Đăk Đoa) khi tuyến đường giao thông nội đồng chính thức được khởi công xây dựng. Tuyến đường có chiều dài 5 km với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ phục vụ việc sản xuất và vận chuyển cho khoảng hơn 1.000 ha cà phê của người dân trong khu vực hưởng lợi.
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đăk Krong cho biết, trước đó, dự án cà phê cảnh quan xung quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Đoa đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư xây dựng nhằm hướng đến mô hình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Chính vì vậy, khi tuyến đường hoàn thành sẽ có tác động rất lớn đến khu vực cà phê cảnh quan theo hướng tích cực. Cụ thể, người dân sẽ thuận tiện hơn cho việc chăm sóc và thu hoạch cà phê. Ngoài ra, khi có tuyến đường, người dân sẽ chú trọng hơn cho việc đầu tư sản xuất cà phê chất lượng cao.
Đặc biệt, tuyến đường này phục vụ chủ yếu cho khu vực cà phê cảnh quan nên chắc chắn sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế vùng hiệu quả.
Đánh giá về các tuyến đường giao thông nội đồng, Ông Tuấn cho biết, các tuyến đường hoàn thành sẽ giúp giao thương của người dân được thông thương hơn. Trước đây, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa vào khu sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Khi con đường hoàn thiện, việc vận chuyển trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, khi có các tuyến đường, người dân thu hoạch sẽ không bị thương lái ép giá và việc vận chuyển đến các kho bãi cũng trở nên dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc HTX Phượng Hoàng cho biết, hiện tuyến đường liên xã Ia Kriêng – Ia Kêl đã thực hiện xong hết các thủ tục pháp lý sẽ tiến hành thi công trong thời gian tới, dự kiến 7 tháng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
“Trước đây đường xá khó đi, việc vận chuyển cà phê gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo đó chi phí tăng cao. Sau này, khi hệ thống giao thông được xây dựng, việc đi lại vào khu sản xuất cà phê của người dân sẽ thuận lợi hơn”, ông Duy chia sẻ.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT